Chuyên mục  


Khoản viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine đã phải trải qua 6 tháng tranh cãi quyết liệt và tốn nhiều thời gian mới được thông qua tại quốc hội Mỹ. Tổng thống Joe Biden vừa ký thông qua, nhưng một số quan chức chính quyền Mỹ vẫn hoài nghi liệu số tiền này có đủ để Ukraine giành thắng lợi trong cuộc xung đột với Nga hay không.

Theo ba quan chức Mỹ am hiểu vấn đề, tình hình chiến trường đã thay đổi đáng kể trong vài tháng qua, khi Ukraine cạn kiệt vũ khí và đạn dược do không nhận được viện trợ từ đồng minh quan trọng nhất, khiến họ phải vật lộn để bảo vệ những vùng lãnh thổ quan trọng.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo vào các vị trí của Nga trên tiền tuyến gần thành phố Avdeevka, vùng Donetsk, hồi tháng ba. Ảnh: AP

Nga hiện vẫn có lợi thế về nhân lực cũng như vũ khí và Ukraine sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể giành lại những lãnh thổ mà họ để mất trong vài tháng qua. Các quan chức Mỹ còn đặt câu hỏi về chiến thuật và ưu tiên sắp tới của Kiev, đặc biệt là sau chiến dịch phản công thất bại hồi năm ngoái, gây tổn hại đáng kể tới sức chiến đấu và tinh thần lực lượng.

"Mục tiêu trước mắt là ngăn chặn tổn thất của Ukraine và giúp họ lấy lại động lực, lật ngược tình thế trên chiến trường. Mục tiêu xa hơn là giúp Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ đã mất", một quan chức cho biết. "Liệu họ đã có những gì họ cần để giành chiến thắng chưa? Câu trả lời là rồi. Nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ làm được. Hoạt động quân sự phức tạp hơn thế nhiều".

Tại Đồi Capitol, các nghị sĩ còn bày tỏ lo ngại về việc liệu những lô vũ khí mới do Mỹ cung cấp có thể giúp Ukraine đánh bại Nga hay chỉ đủ để họ ngăn chặn đà tiến của Moskva trong ngắn hạn.

"Đó là câu hỏi chính vào lúc này", một trợ lý cấp cao của đảng Dân chủ tại Thượng viện cho hay.

Câu trả lời cho câu hỏi trên có ý nghĩa rất quan trọng. Chiến thắng trước Nga đồng nghĩa Ukraine sẽ giành lại phần lớn hoặc toàn bộ lãnh thổ sau 10 năm giao tranh, kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Ngược lại, việc Ukraine chỉ có thể "tránh để không thua" sẽ phát đi tín hiệu rằng họ chỉ đủ khả năng duy trì phòng tuyến, không thể lấy lại những gì Nga đã kiểm soát.

Tổng thống Biden, khi ký gói viện trợ ngày 24/4, nhấn mạnh Nga đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine nên đồng minh cần tăng cường hỏa lực cho Kiev.

"Họ đang cố đẩy Ukraine vào một mùa đông lạnh lẽo", ông nói.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Bill Keating, người đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky ở Kiev trong tuần qua, cũng có chung mối lo lắng rằng Ukraine sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại Nga.

"Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ thay đổi lớn nào trong một khoảng thời gian", ông nói.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 23/4 ngụ ý rằng Ukraine vẫn chưa có kế hoạch hoàn chỉnh để đánh bại Nga, mặc dù Washington sẽ giúp họ thực hiện mục tiêu này.

"Chúng tôi sẽ có thể tiếp tục thảo luận với Ukraine về chiến lược dài hạn của họ nhằm đẩy lùi lực lượng Nga và sau đó điều chỉnh các gói viện trợ trong tương lai để đáp ứng những nhu cầu đó", ông cho hay.

Chính quyền Biden từ lâu đã khẳng định Ukraine mới là bên quyết định cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào, dù bằng cách đẩy lực lượng Nga trở lại biên giới hay thông qua một thỏa thuận có lợi trên bàn đàm phán. Nhưng Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định đất nước ông sẽ chiến đấu cho đến khi giành lại bán đảo Crimea, vùng Donbass ở miền đông và các khu vực khác.

Giới chuyên gia đánh giá lập trường trên sẽ khiến Mỹ bị kéo vào một cuộc xung đột kéo dài hơn nhiều mà không có gì đảm bảo Ukraine sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

"Đang có rất nhiều cuộc tranh luận về việc chiến thắng dành cho Ukraine vào thời điểm này sẽ trông như thế nào", trợ lý cấp cao của đảng Dân chủ tại Thượng viện cho biết.

Chính quyền Biden phàn nàn rằng nhiều tháng tranh cãi tại quốc hội đã tước đi nguồn vũ khí vô cùng quan trọng với Ukraine, khiến họ rơi vào thế khó và đối mặt tương lai đầy chông gai.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Nga "chắc chắn có thể đạt được những lợi ích chiến thuật mới trong những tuần tới". "Sẽ mất một thời gian để chúng ta thoát ra khỏi cái hố được đào sau 6 tháng trì hoãn", ông nói.

Lính Ukraine ngồi chờ khai hỏa lựu pháo ở Donetsk ngày 20/4. Ảnh: Reuters

Gói viện trợ đầu tiên được gửi tới Ukraine sẽ có tổng giá trị một tỷ USD, trong đó có những tổ hợp tên lửa chiến thuật tầm xa mà Kiev đã mong đợi từ lâu. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện tại đều cho rằng tương lai Ukraine phụ thuộc nhiều vào những gì Tổng thống Biden mang đến hơn là giá trị số tiền.

"Chính quyền cần gửi vũ khí chất lượng cao như tên lửa ATACMS để Ukraine có thể thay đổi cục diện chiến trường", nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đánh giá.

Trong 6 tháng quốc hội Mỹ tranh cãi về gói viện trợ, các quan chức cấp cao của Tổng thống Biden, từ Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns đến Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đều khẳng định Ukraine sẽ thua cuộc chiến vào năm 2024 nếu không có thêm khí tài từ phương Tây. Nếu không có nguồn hỗ trợ đó, điều khả dĩ nhất mà Ukraine có thể làm là bảo vệ các vị trí cố thủ của mình, dù Mỹ cảnh báo lực lượng Nga được trang bị tốt hơn cuối cùng sẽ vượt qua phòng tuyến để chiếm thêm lãnh thổ.

Điều họ không rõ là liệu Ukraine có thể giành chiến thắng với những gì Mỹ cung cấp hay không. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner đã không trả lời câu hỏi này tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng hai. Thay vào đó, ông chỉ nói rằng bản thân cũng "không biết Ukraine sẽ có được vũ khí, đạn dược và công cụ họ cần trong thời gian ngắn bằng cách nào, nếu không phải từ Mỹ".

Các quan chức châu Âu, những người gần đây đã phê duyệt khoản hỗ trợ kinh tế hơn 53 tỷ USD cho Kiev, trong khi đó lại bày tỏ lạc quan về tương lai Ukraine sau khi gói hỗ trợ của Mỹ được thông qua.

"Xung đột Nga - Ukraine đang thách thức trật tự toàn cầu và cuộc sống của chúng ta. Trong những thời điểm như thế này, điều quan trọng là chúng ta, với tư cách những nền dân chủ có chung giá trị, phải đoàn kết", đại sứ Đức tại Mỹ Andreas Michaelis đăng trên nền tảng X hôm 24/4.

Theo Samuel Charap từ tổ chức tư vấn RAND Corp, trụ sở tại California, Mỹ, đợt viện trợ lần này nên được đánh giá dựa trên việc liệu nó có cải thiện vị thế chiến đấu và đàm phán của Ukraine trước Nga hay không.

"Điều quan trọng là nó có thể làm giảm tâm lý lạc quan của Nga về lâu dài, khiến Moskva có xu hướng dễ chấp nhận thỏa hiệp hơn", Charap bình luận. "Vì vậy, thay vì vấn đề thắng - thua, chúng ta đang nói về một loạt điều kiện cho cuộc đối đầu cuối cùng. Gói viện trợ sẽ mang lại cho Ukraine bước tiến quan trọng để cải thiện những điều kiện đó".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 22/4. Ảnh: AFP

Hạ nghị sĩ Keating, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Quân vụ Hạ viện, cho biết gói viện trợ mới cũng sẽ nâng cao tinh thần của lực lượng chiến đấu Ukraine. "Bây giờ, họ có thể trở lại võ đài một cách bình đẳng hơn", ông nhấn mạnh.

Tổng thống Zelensky hôm 21/4 tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh NBC News rằng gói viện trợ mới "sẽ thực sự tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Ukraine và chúng tôi sẽ có cơ hội chiến thắng".

Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020