Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz - Ảnh: REUTERS
Đức khẳng định vẫn ủng hộ Ukraine
Theo Hãng tin Reuters, ngày 15-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành điện đàm lần đầu tiên sau gần hai năm.
Lần trao đổi cuối cùng giữa Thủ tướng Scholz với Tổng thống Nga Putin là vào tháng 12-2022, 10 tháng sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ chiến tranh lạnh.
Phát ngôn viên của Chính phủ Đức cho biết cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 giờ. Trong đó, Thủ tướng Scholz đã đề nghị Nga rút quân khỏi Ukraine và tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Berlin với Kiev.
"Thủ tướng đã kêu gọi Nga thể hiện thiện chí tham gia các cuộc đàm phán với Ukraine, với mục tiêu đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài", phát ngôn viên này cho biết.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết Thủ tướng Olaf Scholz đã trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi điện đàm với Tổng thống Nga Putin, đồng thời sẽ thông báo kết quả cho nhà lãnh đạo Ukraine.
Theo nguồn tin Chính phủ Đức của Hãng thông tấn Tass (Nga), sau cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức cũng nhất trí sẽ tiếp tục giữ liên lạc trong tương lai.
"Chính phủ Đức sẽ thông báo cho các đồng minh và đối tác cũng như lãnh đạo Liên minh châu Âu và NATO", nguồn tin cho biết.
Berlin lo ngại về lính Triều Tiên ở Nga, Ukraine cảnh báo thủ tướng Đức
Ngoài thông tin do cơ quan báo chí Đức cung cấp, nguồn tin của Tass cũng cho biết ông Scholz còn bày tỏ lo ngại trước thông tin lính Triều Tiên triển khai tại Nga. Theo Thủ tướng Đức, điều này có thể dẫn đến "sự leo thang và mở rộng cuộc xung đột", nguồn tin cho hay.
Trong khi đó, các nguồn tin từ Kiev của Reuters cho biết ông Zelensky đã cảnh báo thủ tướng Đức về việc điện đàm với ông Putin.
Tổng thống Ukraine, theo tiết lộ, cho rằng việc điện đàm sẽ làm giảm sự cô lập với nhà lãnh đạo Nga và cuộc xung đột vẫn sẽ tiếp diễn.
Đức là nước hậu thuẫn tài chính lớn nhất của Ukraine và là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai sau Mỹ.
Song sự ủng hộ của Washington với Kiev trong tương lai là không chắc chắn, sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của phương Tây cho Ukraine, đồng thời tuyên bố ông có thể nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine dù không nêu rõ cách thức.
Thủ tướng Olaf Scholz đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 23-2. Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đảng cánh tả và cực hữu chỉ trích sự ủng hộ của Đức đối với Ukraine.
Điện Kremlin: hai nhà lãnh đạo đã "trao đổi quan điểm chi tiết và thẳng thắn" về Ukraine.
Tổng thống Putin tái khẳng định lập trường bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần đáp ứng các lợi ích an ninh của Nga và dựa trên "thực tế lãnh thổ mới", ám chỉ việc quân đội Nga đã kiểm soát 1/5 lãnh thổ của Ukraine.
Các điều kiện từng được ông Putin đề cập đến bao gồm Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và công nhận toàn bộ 4 khu vực mà Nga đã sáp nhập (Kherson, Zaporizhzhia, Lugansk, Donetsk). Ukraine đã bác bỏ những điều kiện này.
Ông Putin cũng nói về "sự suy giảm chưa từng có" trong quan hệ Matxcơva - Berlin mà ông cho là do các hành động không thân thiện từ Đức.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng nhấn mạnh Nga sẵn sàng xem xét các thỏa thuận năng lượng nếu Đức quan tâm.
Điện Kremlin nhấn mạnh "Nga luôn tuân thủ nghiêm túc các cam kết theo hiệp định và hợp đồng trong lĩnh vực năng lượng, sẵn sàng hợp tác cùng có lợi nếu phía Đức thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này".
Đức phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga trước khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Tuy nhiên, nguồn cung đã bị gián đoạn sau vụ nổ đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic vào năm 2022.
Đức cũng như nhiều nước EU đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Nga và nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.