Chuyên mục  


base64-1735580896079613368322.jpeg

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vỗ tay trước bài phát biểu của tổng thống Jimmy Carter tại Nhà Trắng vào tháng 1-1979 - Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

Ông Jimmy Carter, tổng thống thứ 39 của Mỹ (nhiệm kỳ 1977 - 1981) và từng được trao giải Nobel Hòa bình, đã qua đời tại nhà riêng ở bang Georgia ngày 29-12 (giờ địa phương), hưởng thọ tròn 100 tuổi.

Những di sản mà ông để lại từ cá nhân đến chính trị có thể mang ý nghĩa đối với tương lai nước Mỹ, nhất là cho nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0.

Nổi bật trên cương vị cựu tổng thống

Cựu tổng thống Jimmy Carter đã để lại những dấu ấn khác biệt trong lịch sử chính trị Mỹ. Mặc dù nhiệm kỳ tổng thống của ông thường được đánh giá thấp, đặc biệt bởi những khó khăn kinh tế và cuộc khủng hoảng con tin Iran nhưng di sản sau khi rời nhiệm sở của ông lại được công nhận rộng rãi.

Là người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002, ông Carter đã tái định nghĩa vai trò của một cựu tổng thống qua các hoạt động nhân đạo và hòa giải quốc tế.

Về đối ngoại, ông đạt được những bước tiến quan trọng như Thỏa thuận Trại David (1978) giúp thiết lập hòa bình giữa Israel và Ai Cập, Hiệp ước kênh đào Panama (1977) chuyển giao quyền kiểm soát cho Panama và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1979, đặt nền móng cho chính sách "một Trung Quốc".

Tuy nhiên nhiệm kỳ của Carter cũng đối mặt với nhiều khủng hoảng lớn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng con tin Iran kéo dài 444 ngày và thất bại của chiến dịch giải cứu quân sự.

Các vấn đề kinh tế như lạm phát và bất ổn nội bộ cũng làm suy yếu sự ủng hộ trong nước khiến ông không tái đắc cử.

Tuy nhiên sau khi rời nhiệm sở, ông Carter đã tái định hình vai trò của một cựu tổng thống qua những đóng góp nổi bật trên trường quốc tế. Ông thành lập Trung tâm Carter vào năm 1983, tập trung vào việc thúc đẩy nhân quyền, giám sát bầu cử và xóa bỏ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên như giun Guinea.

Với hơn 100 chuyến công tác đến nhiều quốc gia, ông Carter tham gia đàm phán hòa bình, quan sát bầu cử và thực hiện các sáng kiến nhân đạo. Mặc dù các nỗ lực này đôi khi gây tranh cãi, di sản của ông vẫn được đánh giá cao nhờ sự tận tâm và cam kết vì lợi ích chung.

Di sản của Jimmy Carter không chỉ là những thành tựu khi tại nhiệm mà còn là bài học về cách tận dụng vai trò cựu tổng thống để tạo ra những thay đổi tích cực.

Ông minh chứng rằng thất bại không nhất thiết làm lu mờ di sản của một nhà lãnh đạo, miễn là họ có sự kiên định và tầm nhìn dài hạn. Với tinh thần cống hiến cho nhân quyền và hòa bình, ông Carter đã trở thành một hình mẫu độc đáo trong lịch sử Mỹ cả ở trong và ngoài nhiệm sở.

Di sản cho tương lai nước Mỹ

Ông Jimmy Carter từng cho biết quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Đây cũng là thành tựu mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại châu Á.

Nếu như Tổng thống Richard Nixon là người đặt nền móng cho bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung thì chính Tổng thống Jimmy Carter đã quyết tâm hoàn thành nốt những mục tiêu mà ông Nixon đã vạch ra. Washington và Bắc Kinh đã công bố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào ngày 15-12-1978, có hiệu lực từ 1-1-1979, dưới thời Carter.

Tuy nhiên bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều khác biệt so với thời kỳ của ông Carter. Trong Chiến tranh lạnh, nước Mỹ đối mặt Liên Xô với sự đồng thuận lưỡng đảng mạnh mẽ. Ngày nay Trung Quốc nổi lên như đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất, nhưng nội bộ Mỹ lại bị chia rẽ sâu sắc.

Ông Trump cần rút ra bài học từ ông Carter để tránh những thất bại tương tự trong việc quản lý khủng hoảng quốc tế và nội bộ. Đặc biệt, việc thiếu một chiến lược dài hạn với Trung Quốc có thể khiến nước Mỹ đánh mất lợi thế trước "cường quốc xét lại" châu Á này.

Ngoài ra, ông Jimmy Carter đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài tại Trung Đông nhờ sự kiên trì và khả năng làm việc với các đối thủ. Đây có thể là bài học giá trị cho chính quyền sắp tới của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp như Đài Loan hoặc Biển Đông.

Ông Jimmy Carter đã chứng minh rằng di sản chính trị không chỉ được đo lường bằng những thành tựu trong nhiệm kỳ, mà còn ở những gì một nhà lãnh đạo làm sau khi rời Nhà Trắng. Tầm nhìn dài hạn và sự tận tâm với các giá trị phổ quát như hòa bình, công bằng và nhân quyền của ông đã giúp nâng cao vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ cho thấy sử dụng quyền lực không phải để thống trị, mà để đoàn kết và phục vụ lợi ích lâu dài của quốc gia.

Mỹ tổ chức quốc tang ông Jimmy Carter ngày 9-1

Trong tuyên bố ngày 30-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo nghi lễ tưởng niệm cựu tổng thống Jimmy Carter.

Theo đó, ngày 9-1 sẽ là ngày quốc tang cho ông Carter và kêu gọi người dân đến các điểm tưởng niệm để tỏ lòng tôn kính với ông Carter.

"Tôi mời những người dân trên thế giới chia sẻ nỗi đau buồn của chúng tôi và tham gia cùng chúng tôi trong buổi lễ long trọng này" - ông Biden nói, theo tuyên bố của Nhà Trắng.

Ngoài ra, Mỹ sẽ treo cờ rủ trong 30 ngày để tưởng nhớ vị cựu tổng thống, bao gồm cả tại lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến diễn ra ngày 20-1-2025.

Hôm nay, nước Mỹ và thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo, chính khách và nhà nhân đạo phi thường.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020