Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump dự một cuộc vận động tranh cử tại Warren, bang Michigan, Mỹ ngày 1-11 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Đảng Dân chủ đang chuẩn bị cho khả năng ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump có thể cố gắng tuyên bố chiến thắng sớm trước khi tất cả các phiếu bầu được kiểm, như ông đã làm vào năm 2020.
Video cử tri tại bang Kentucky chọn ông Trump nhưng máy lại nhảy sang tên bà Harris
Kế hoạch ban đầu của họ là nhanh chóng lên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đưa ra một loạt lời kêu gọi bình tĩnh và kiên nhẫn nếu ông Trump làm như vậy.
"Chúng tôi đã sẵn sàng nếu ông ấy làm như vậy, và nếu chúng tôi biết rằng ông ấy thực sự đang thao túng báo chí và cố gắng thao túng sự đồng thuận của người dân Mỹ, chúng tôi sẵn sàng đáp trả" - ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris nói trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC.
Phát biểu trước báo giới tuần này, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa nói rằng ông hy vọng có thể tuyên bố chiến thắng vào ngày bầu cử, mặc dù các chuyên gia bầu cử cảnh báo rằng có thể mất vài ngày để biết kết quả cuối cùng, đặc biệt là nếu có yêu cầu kiểm phiếu lại ở một số khu vực quan trọng.
Trong khi đó, những tuyên bố của ông Trump về gian lận tại bang chiến trường quan trọng Pennsylvania đã làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể một lần nữa cố gắng lật ngược kết quả bầu cử nếu không giành được chiến thắng trước bà Harris vào ngày 5-11, theo Reuters.
Ông Trump tiếp tục tuyên bố rằng thất bại hồi năm 2020 của ông trước ông Joe Biden là kết quả của tình trạng gian lận tràn lan ở nhiều tiểu bang mà ông Trump đã thua. Hôm 31-10, ông Trump đã tăng cường các cáo buộc của mình, cho rằng các cuộc điều tra về những mẫu đơn đăng ký cử tri đáng nghi ở bang Pennsylvania là bằng chứng về gian lận cử tri.
Một số người ủng hộ ông Trump cũng cáo buộc đã có sự chèn ép cử tri khi có những hàng dài người xếp hàng trong tuần này để nhận phiếu bầu qua thư.
Các đồng minh của ông Trump cũng nêu lên mối lo ngại rằng những người không phải công dân Mỹ có thể sẽ bỏ phiếu với số lượng lớn, mặc dù hiện có rất ít ví dụ về việc này.
Ngày 1-11, một số cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga đã tạo ra một video cho thấy cảnh những người đến từ Haiti bỏ phiếu nhiều lần tại bang chiến trường Georgia. Họ đánh giá video này là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm phá hoại niềm tin vào cuộc bầu cử Mỹ và chia rẽ người Mỹ.
Các cuộc thăm dò ý kiến, cả trên toàn quốc và tại 7 bang chiến trường, cho thấy cựu tổng thống Trump và bà Harris đang bám sát nhau về tỉ lệ ủng hộ khoảng 4 ngày trước ngày bầu cử.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Onlinetại đây.