Trong tuần qua, bác sĩ nhãn khoa Elias Jaradeh không nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật mắt tại nhiều bệnh viện khác nhau, khi chỉ ngủ khoảng hai tiếng trước khi bắt đầu ca mổ kế tiếp. Ông đã cứu được thị lực của một số bệnh nhân, nhưng nhiều người sẽ không bao giờ nhìn thấy được gì nữa.
"Hàng loạt bệnh viện tiếp nhận dòng bệnh nhân bị thương ở mắt đổ về cùng lúc, hầu hết là nam giới, có cả phụ nữ, trẻ em. Những gì diễn ra vô cùng bi thảm", Jaradeh nói tại một bệnh viện ở Beirut, cố gắng kìm nước mắt.
Căng thẳng giữa Hezbollah và Israel leo thang sau hai loạt vụ nổ thiết bị liên lạc ở Lebanon ngày 17-18/9, khiến ít nhất 39 người chết, hơn 3.000 người bị thương. Hezbollah và Iran cáo buộc Israel là thủ phạm, song Tel Aviv không lên tiếng.
Bác sĩ Elias Jaradeh (thứ hai từ trái sang) thực hiện phẫu thuật mắt cho một nạn nhân tại Beirut, Lebanon. Ảnh: AP
Hai vụ nổ khiến các cơ sở ở Lebanon bị quá tải. Theo hãng thông tấn Mỹ AP, các vụ nổ dường như được sắp đặt để nhắm vào các chiến binh Hezbollah, nhưng có rất nhiều nạn nhân là dân thường, bị thương ở vùng mặt, mắt khi đọc tin nhắn trước khi máy phát nổ.
Giới chức Lebanon không cho biết có bao nhiêu người bị tổn thương mắt, mất thị lực.
Các bác sĩ nhãn khoa kỳ cựu của Lebanon nói chưa từng chứng kiến điều gì giống như vậy, dù đã có nhiều kinh nghiệm chạy chữa cho các nạn nhân xung đột, bất ổn, cháy nổ tại nước này.
Hầu hết bệnh nhân đổ về bệnh viện nhãn khoa của bác sĩ Jaradeh là người trẻ, bị thương nghiêm trọng ở một hoặc cả hai mắt. Ông tìm thấy nhiều mảnh nhựa, kim loại bên trong mắt của họ.
Nhãn cầu bị tổn thương của một nạn nhân hiện thị trên màn hình ở bệnh viện nhãn khoa tại Beirut, ngày 20/9. Ảnh: AP
Năm 2020, kho hóa chất amoni nitrat ở cảng Beirut phát nổ khiến hơn 200 người chết, hơn 6.000 người bị thương. Vụ nổ "như bom nguyên tử" thổi bay cửa kính trong phạm vi nhiều km, gây ra những thương tích tồi tệ do thủy tinh.
Bác sĩ nhãn khoa Jaradeh cũng từng điều trị cho các nạn nhân trong vụ nổ ở cảng Beirut. Nhưng ông cho biết hai loạt vụ nổ thiết bị liên lạc ở Lebanon gần đây còn để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, bởi nhiều người bị thương ở mắt.
"Người dân Lebanon cần 48 tiếng để định thần sau vụ nổ 2020, trong khi đến nay cú sốc từ hai loạt vụ nổ máy nhắn tin vẫn chưa được kiểm soát", ông nói.
Một nạn nhân băng kín hai mắt ngồi tại hành lang bệnh viện nhãn khoa ở Beirut, Lebanon, ngày 20/9. Ảnh: AP
Bác sĩ Jaradeh cũng cảm thấy khó khăn khi kiểm soát cảm xúc của mình trong phòng mổ.
"Dù trường y dạy có dạy kỹ thế nào, kiềm chế cảm xúc là rất khó trong những trường hợp thế này, khi phải chứng kiến lượng người bị thương lớn đến vậy. Đây lại còn là hậu quả của cuộc chiến chống lại Lebanon, chống lại loài người", ông bày tỏ.
Đức Trung (Theo AP, AFP, Al Jazeera)