Các chiến binh đối lập Syria sau khi phe đối lập tiếp quản Hama, Syria hôm 6-12 - Ảnh: AP
Cuộc nội chiến Syria bắt đầu cách đây 13 năm, từ đó leo thang thành một cuộc xung đột đẫm máu, liên quan đến các nhóm đối lập trong nước, các phe phái cực đoan và cả nhiều cường quốc trên thế giới.
Chính quyền của ông Assad
Chính quyền Syria do Tổng thống Syria Bashar al-Assad lãnh đạo là trung tâm của cuộc nội chiến kéo dài và tàn khốc bắt đầu từ năm 2011. Lên nắm quyền từ năm 2000, ông Assad ban đầu tự nhận mình là một nhà cải cách hiện đại, nhưng cách ông phản ứng lại với nhiều cuộc biểu tình đã làm bùng lên làn sóng nổi dậy trên cả nước.
Sau nhiều năm chiến sự, chính phủ ông Assad đã giành lại phần lớn lãnh thổ đã mất vào tay quân nổi dậy với sự giúp đỡ của Iran, Nga và lực lượng Hezbollah tại Lebanon.
Tuy nhiên, những thế lực trên trong thời gian qua đã phải bận tâm với nhiều cuộc chiến khác, khiến chính phủ ông Assad bị đặt trong tình thế khó khăn.
Nhiều nhóm nổi dậy chung mục tiêu chống ông Assad
Theo Đài Sky News, các nhóm nổi dậy tham gia đợt tấn công lần này bao gồm nhóm Quân đội quốc gia Syria (SNA), nhưng lãnh đạo tấn công chủ yếu là nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al Sham (HTS).
SNA là nhóm có hàng chục phe phái với các hệ tư tưởng khác nhau, nhận tài trợ và vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh này có Mặt trận giải phóng quốc gia, bao gồm các phe phái như Ahrar al-Sham đặt mục tiêu là "lật đổ chế độ (Assad)" và “thành lập một nhà nước Hồi giáo được quản lý theo luật Sharia”.
Được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, SNA cũng quan tâm đến việc tạo ra một vùng đệm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tránh cho Ankara các cuộc xung đột với những chiến binh người Kurd.
Hai nhóm HTS và SNA là một liên minh phức tạp, họ đôi khi là đồng minh, và đôi khi là đối thủ, với các mục tiêu có thể khác nhau.
Bắt đầu hình thành từ những ngày đầu của cuộc nội chiến Syria, nhóm HTS là một nhánh cũ của Al-Qaeda và được cho là có khoảng 30.000 quân. HTS từ lâu được cả Mỹ và Nga chỉ định là một nhóm khủng bố.
Thủ lĩnh của HTS là ông Abu Muhammed al Golani vào năm 2016 đã cắt đứt quan hệ với al Qaeda. Nhóm HTS đặt mục tiêu chống lại Chính phủ Syria của Tổng thống Assad.
Trong khi quân nổi dậy tiến vào thành phố Aleppo, có đoạn video cho thấy ông Golani qua điện thoại đã lệnh cấm các chiến binh vào nhà người dân, và nhắc nhở họ phải bảo vệ cư dân thành phố.
Chuyên gia Aron Lund, một thành viên tại Viện nghiên cứu Century International, nhận định đã có những thay đổi thấy rõ từ thủ lĩnh Golani và nhóm HTS, nhưng nói thêm rằng nhóm này vẫn có đường lối "khá cứng rắn".
"Đây là một cách quan hệ công chúng, nhưng việc họ nỗ lực cho vấn đề này cũng cho thấy họ cũng không còn quá cứng rắn như trước", ông Lund cho biết.
"Al Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo theo trường phái cũ sẽ không bao giờ làm điều đó", ông này nói thêm.
Nhóm người Kurd
Dưới ngọn cờ của Lực lượng Dân chủ Syria, lực lượng nhóm dân tộc thiểu số người Kurd là đối tác địa phương chính của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, theo New York Times.
Sau khi tổ chức khủng bố cực đoan IS suy yếu, lực lượng do người Kurd lãnh đạo đã củng cố quyền kiểm soát các thị trấn ở phía đông bắc Syria, mở rộng khu tự trị mà họ đã xây dựng ở đây.
Nhóm chiến binh người Kurd này vẫn đang phải đấu tranh với kẻ thù lâu năm là Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara xem nhóm này có liên quan đến cuộc nổi dậy ly khai của người Kurd.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không liên quan
Thổ Nhĩ Kỳ là thế lực chính hậu thuẫn cho các nhóm chiến binh tại Syria lật đổ chính quyền Assad, nhưng gần đây cũng thúc đẩy hòa giải.
Trong cuộc tấn công chiếm được thủ đô Damascus mới đây, các quan chức của Ankara đã mạnh mẽ bác bỏ những tuyên bố cho rằng nước này có liên quan.