Ngày 3-11, ông Trump tranh cử tại bang Pennsylvania và North Carolina, trong khi bà Harris vận động cử tri bang Michigan - Ảnh: AFP
Theo báo Financial Times, hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris truyền tải những thông điệp trái ngược nhau trong những ngày tranh cử cuối cùng.
Thông điệp cảnh báo của ông Trump
Những phát biểu ngày 3-11 của ông Trump tại các bang chiến địa chứa đầy sự giận dữ, chỉ trích các đối thủ chính trị và cáo buộc Đảng Dân chủ gian lận bầu cử.
Tại bang Pennsylvania, ông Trump ví Đảng Dân chủ như "quỷ dữ" và khẳng định phía đối thủ đang "nỗ lực rất nhiều để đánh cắp cuộc bầu cử này".
Tuyên bố trên lặp lại những cáo buộc của ông Trump trong suốt bốn năm qua về việc Đảng Dân chủ đã gian lận phiếu bầu để giúp Tổng thống Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử năm 2020.
Cựu tổng thống Mỹ cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi đã không thể làm tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp: "Vào ngày tôi rời Nhà Trắng, chúng ta có đường biên giới an toàn nhất trong lịch sử đất nước. Thật sự lẽ ra tôi đã không nên rời đi, vì chúng tôi đã làm quá tốt".
"Đất nước này đầy ắp sự bất công và chúng tôi sẽ biến nó ngay thẳng trở lại", ông Trump tuyên bố thêm.
Bên cạnh đó, ông còn chê trách truyền thông Mỹ đăng tin thiên lệch, thường có lợi cho bà Harris: "Chúng tôi đang có một bức tường kính (chống đạn) quanh tôi. Chúng tôi cũng đang có rất nhiều tin giả bủa vây. Nếu ai đó muốn đụng được vào tôi thì họ sẽ phải vượt qua một hàng rào tin giả đó. Tôi không quan tâm điều đó lắm".
Phản hồi những thông điệp của đối phương tại Pennsylvania, một thành viên cấp cao trong chiến dịch tranh cử của bà Harris khẳng định: "Ông ta đang kết thúc chiến dịch của mình với sự u ám và giận dữ tuyệt đối".
Cũng trong ngày 3-11 (giờ Mỹ), trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với nhà báo Jonathan Karl của Đài ABC, khi được hỏi liệu có khả năng sẽ thua cuộc hay không, ông Trump đáp: "Vâng, tôi đoán vậy, có thể thua mà. Nhưng tôi nghĩ mình có một lợi thế khá lớn. Những điều tồi tệ có thể xảy ra. Anh biết đấy, mọi thứ đều có thể xảy ra, nhưng điều đó sẽ rất thú vị", ông nói.
Ông Donald Trump trong sự kiện vận động tranh cử ở bang North Carolina hôm 3-11 - Ảnh: REUTERS
Trích dẫn công ty thăm dò ý kiến AtlasIntel có trụ sở tại Brazil, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa tuyên bố ông đang dẫn đầu ở cả 7 tiểu bang chiến trường (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin). Vào năm 2020, AtlasIntel từng tự nhận là công ty thăm dò ý kiến "chính xác nhất".
Cựu tổng thống cũng không đồng tình với các bình luận trên chương trình Good Morning America của nhà báo Karl, rằng ông Trump thường nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác, trong khi ông Trump tự gọi đây là "cách nói đan xen".
"Anh nói thông điệp của tôi rối tung lên. Không phải thế. Xem này, chiêu đan xen này đã giúp tôi đắc cử tổng thống. Cách nói này là một điều tốt. Không ai khác có thể làm được. Rất ít người có thể làm được", ông nói.
Bà Harris với thông điệp hy vọng
Bà Harris vận động cử tri trong khuôn viên ĐH bang Michigan ngày 3-11 - Ảnh: AFP
Trái với không khí nặng nề phía ông Trump, tại bang chiến địa Michigan, bà Harris phát thông điệp: "Chiến dịch tranh cử của chúng tôi không nhằm chống lại ai, mà là nhằm đấu tranh vì một điều gì đó. Đó là cuộc đấu tranh cho tự do, cơ hội và phẩm giá của toàn bộ người dân Mỹ.
Chúng tôi đang có ưu thế vì chiến dịch của chúng tôi đánh vào tham vọng, khát vọng và ước mơ của người dân Mỹ. Vì chúng tôi lạc quan và hào hứng với những gì chúng ta có thể làm cùng nhau".
Bên cạnh đó bà cũng kêu gọi người dân Mỹ không bị lay động bởi những tuyên bố về gian lận bầu cử từ phía ông Trump.
"Tôi cụ thể yêu cầu những người chưa bỏ phiếu không bị chiến thuật này đánh lừa. Họ muốn mọi người dù mọi người có bỏ phiếu thì phiếu bầu của mọi người cũng không có ý nghĩa gì", bà khẳng định.
Trước đó, bà mở đầu sự kiện tranh cử trên bằng thông điệp về tình hình chiến sự căng thẳng ở Dải Gaza. Bà thừa nhận cuộc chiến đã dẫn đến những mất mát to lớn cho người dân ở đây và khẳng định sẽ làm một cách để kết thúc cuộc chiến.
Những tuyên bố này nhằm lấy lòng cử tri bang Michigan, nơi tập hợp bộ phận người dân gốc Ả Rập và tín đồ Hồi giáo đông đảo.
Bên cạnh đó bang này cũng có lượng sinh viên trẻ lớn. Cả ba bộ phận cử tri trên đều phẫn nộ trước cách chính quyền ông Biden và bà Harris xử lý cuộc xung đột tại Trung Đông trong thời gian qua.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.