Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từ lâu đã ủng hộ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, mời ông đến lễ ăn mừng đêm bầu cử, cùng đến xem trận bóng bầu dục cuối tuần trước và kín đáo ủng hộ ông trước những lời phàn nàn từ các thành viên Cộng hòa bảo thủ.
Đó là lý do nhiều người Cộng hòa sửng sốt khi Elon Musk, với sự đồng ý của ông Trump, chiều 18/12 tung ra loạt đòn công kích nhằm vào thỏa thuận chi tiêu ngắn hạn do Johnson đề xuất để giữ cho chính phủ Mỹ khỏi đóng cửa. Ông Trump sau đó lên tiếng, đe dọa sẽ chống lại bất kỳ nghị sĩ Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ dự luật này trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2026.
Tòa nhà quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington hôm 19/12. Ảnh: AFP
Trump còn làm tình hình thêm phức tạp khi kêu gọi nâng hoặc xóa bỏ hoàn toàn trần nợ công, công cụ mà đảng Cộng hòa đã sử dụng nhiều năm qua để gây áp lực buộc đảng Dân chủ cắt giảm chi tiêu, trước khi ông nhậm chức.
Tổng thống đắc cử nói rằng ông muốn tăng trần nợ công khi Tổng thống Joe Biden vẫn còn tại nhiệm, hơn là phải chịu trách nhiệm thực hiện điều này vào năm sau, khi ông nhậm chức và đảng Cộng hòa nắm toàn quyền kiểm soát quốc hội.
Với sự phản đối của Musk và những yêu cầu vào phút chót của ông Trump, dự luật chi tiêu lưỡng đảng do Johnson đàm phán và thống nhất với phe Dân chủ đã chết yểu khi loạt nghị sĩ Cộng hòa cũng lên tiếng chỉ trích nó.
Đến tối 19/12, Johnson đưa ra một dự thảo luật ngân sách mới, với những điều khoản hoàn toàn khác nhằm chiều lòng ông Trump và những thành viên cứng rắn của đảng Cộng hòa.
Giống như thỏa thuận lưỡng đảng ban đầu, dự luật mới sẽ kéo dài nguồn tài trợ của chính phủ ở mức hiện tại cho đến giữa tháng 3/2025 và cung cấp 100 tỷ USD viện trợ thiên tai cùng 10 tỷ USD viện trợ thanh toán trực tiếp cho nông dân.
Dự luật mới cũng bỏ qua một loạt thay đổi chính sách khác đã được đưa vào thỏa thuận ban đầu, song thay đổi lớn nhất cho đến nay, đóng vai trò như "nút thắt" gây bế tắc ở Hạ viện, là việc nó bổ sung yêu cầu đình chỉ giới hạn nợ công, tức xóa trần nợ công, trong hai năm, theo yêu cầu của ông Trump.
Nợ công của Mỹ dự kiến chạm trần vào tháng một, dù nhiều người cho rằng nó có thể kéo dài đến mùa xuân, và việc không tăng được giới hạn này có thể khiến quốc gia bị vỡ nợ.
Đình chỉ giới hạn nợ công hai năm có thể giúp chính quyền Trump tương lai thông qua các khoản cắt giảm thuế mạnh mẽ mà ông đã cam kết, đồng thời tạo tiền đề cho khoản nợ 36 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang tiếp tục tăng.
Ông Trump ủng hộ mạnh mẽ dự luật mới, gọi nó là "một thỏa thuận rất tốt cho người dân Mỹ".
"Tất cả đảng viên Cộng hòa, thậm chí cả đảng viên Dân chủ, nên làm những gì tốt nhất cho đất nước chúng ta và bỏ phiếu 'có' cho dự luật này, tối nay!", Tổng thống đắc cử viết trên mạng xã hội TruthSocial do ông sáng lập.
Nhưng đề xuất đó đi ngược lại quan điểm mà nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã duy trì trong nhiều năm qua, rằng họ sẽ không bao giờ ủng hộ việc tăng trần nợ công của chính phủ mà không cắt giảm chi tiêu để làm chậm tốc độ tăng nợ quốc gia.
"Ông ấy không có chút lòng tự trọng nào cả", hạ nghị sĩ Cộng hòa Chip Roy phát biểu tại Hạ viện, ám chỉ Tổng thống đắc cử. "Việc đề xuất dự luật này và tự chúc mừng mình vì nó ngắn hơn về số trang, nhưng lại làm tăng nợ lên 5 nghìn tỷ USD là điều ngu ngốc".
Hạ nghị sĩ Roy nói thêm rằng ông "hoàn toàn thất vọng vì một đảng luôn kêu gọi về trách nhiệm tài chính" nhưng lại sẵn sàng ủng hộ dự luật sẽ mở đường cho nhiều khoản nợ hơn nữa của chính phủ.
Các nghị sĩ Dân chủ cũng không ủng hộ việc tăng giới hạn nợ mà họ cho rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông Trump và đảng Cộng hòa thông qua các đợt cắt giảm thuế lớn cho giới giàu bằng cách bóc lột người lao động.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Rosa DeLauro, thành viên cấp cao trong Ủy ban Tài chính Hạ viện, chỉ trích đảng Cộng hòa vì nhượng bộ Musk và từ chối thỏa thuận lưỡng đảng mà Chủ tịch Johnson đã đàm phán.
"Chúng ta phải kiên quyết phản đối những kẻ đang tìm cách chiếm đoạt quyền lực của quốc hội Mỹ và người dân Mỹ một cách bất hợp pháp", bà nói.
Dự luật chi tiêu mới chỉ được công khai khoảng hai giờ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra và Chủ tịch Hạ viện Johnson đã sử dụng một thủ tục đặc biệt để đẩy nhanh quá trình, với hy vọng nó sẽ được thông qua trước nửa đêm 20/12, thời điểm chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa do không còn nguồn ngân sách hoạt động.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson phát biểu với giới truyền thông tại Đồi Capitol ở Washington ngày 19/12. Ảnh: AFP
Nhưng trong cuộc bỏ phiếu được triệu tập vội vã, các nghị sĩ đã không thể đạt được ngưỡng 2/3 ủng hộ cần thiết để thông qua dự luật. Chỉ có hai đảng viên Dân chủ là hạ nghị sĩ Kathy Castor và Marie Gluesenkamp bỏ phiếu đồng ý.
Hầu hết nghị sĩ Dân chủ và hàng chục đảng viên Cộng hòa từ chối đáp ứng những yêu cầu đột ngột mà ông Trump đưa ra trong dự luật mới. Kết quả này là một thất bại lớn đối với Tổng thống đắc cử Trump và tỷ phú đồng minh Musk, cũng như cho thấy ảnh hưởng hạn chế của Johnson trong chính đảng Cộng hòa.
Giới chuyên gia đánh giá đây rõ ràng là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng phản ánh mối chia rẽ sâu sắc giữa những đảng viên Cộng hòa bên trong quốc hội cũng như với Tổng thống đắc cử, báo hiệu một chặng đường khó khăn phía trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng một, dù đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.
Đặc biệt, nó cho thấy rằng các chương trình nghị sự đầy tham vọng mà Tổng thống đắc cử hứa hẹn, trong đó có kế hoạch cắt giảm thuế lớn, vẫn sẽ phải đối diện với thách thức tại Đồi Capitol, ngay cả khi chính đảng của ông nắm quyền.
Ông Trump tại sự kiện vận động ở Las Vegas, bang Nevada, ngày 23/8. Ảnh: AP
Lần gần nhất ông Trump buộc chính phủ Mỹ phải đóng cửa là vào năm 2018 trong một cuộc tranh cãi về kinh phí xây dựng bức tường biên giới phía nam. Lúc bấy giờ, quốc hội đã thông qua các dự luật tài trợ cho một số cơ quan trong chính phủ liên bang, trong đó có Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu binh, nhưng khoảng 800.000 trong 2,1 triệu viên chức đã phải nghỉ làm không lương hơn một tháng.
Lần này, quốc hội chưa thông qua bất kỳ dự luật chi tiêu đơn lẻ nào để tài trợ cho chính phủ vào năm tới, đồng nghĩa nếu các nghị sĩ không hành động trước nửa đêm nay, toàn bộ chính phủ sẽ đóng cửa.
Trong trường hợp đó, lượng lớn nhân viên bưu điện và Cơ quan An ninh Giao thông có thể bị buộc phải làm việc không lương. Các chế độ phúc lợi như Medicare và An sinh Xã hội không bị gián đoạn vì chúng được quốc hội cho phép không cần phải gia hạn hàng năm.
Hỗn loạn xảy ra vào thời điểm không thể tệ hơn đối với Chủ tịch Johnson, người đang hy vọng có thể tái đắc cử ghế lãnh đạo Hạ viện vào ngày 3/1.
Tối 18/12, Tổng thống đắc cử đã ngầm gửi một thông điệp cảnh báo tới Johnson về dự luật chi tiêu, tuyên bố trên Fox News rằng Chủ tịch Hạ viện sẽ "dễ dàng" tái đắc cử vào năm tới nếu làm theo những gì ông muốn.
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 19/12 liệu ông có còn tin tưởng Chủ tịch Johnson không, Tổng thống đắc cử trả lời NBC News rằng "chúng ta hãy cùng chờ xem".
Vài giờ sau, dự luật mà ông yêu cầu Chủ tịch Johnson đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện đã thất bại. Nhưng Johnson dường như vẫn quyết tâm cứu vãn tình hình trước thời hạn nửa đêm 20/12. "Chúng tôi sẽ tập hợp lại và đưa ra một giải pháp khác, vì vậy hãy theo dõi", ông nói sau cuộc bỏ phiếu.
Vũ Hoàng (Theo AP, AFP, Reuters)