Chuyên mục  


Vì sao áo phẫu thuật thường có màu xanh và luôn nhăn nheo? 

Phòng phẫu thuật ở bệnh viện là một trong những nơi có quy định khắt khe nhất, mọi chi tiết đều phải đảm bảo tiêu chuẩn vô trùng tuyệt đối để bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân. 

photo-1731086832706-17310868328291067900221.jpeg

Hình ảnh mang tính chất minh họa.

Hầu hết các bác sĩ và phẫu thuật viên đều mặc áo màu xanh dương hoặc xanh lá cây. Nhiều người nghĩ rằng đó là màu xanh của "hi vọng" hoặc tưởng tượng ra rất nhiều lý do thú vị khác... Tuy nhiên màu sắc này không phải ngẫu nhiên mà thực ra có lý do khoa học! 

Màu xanh giúp giảm thiểu hiện tượng mỏi mắt cho bác sĩ khi phải làm việc dưới ánh sáng mạnh. Đồng thời giúp mắt dễ dàng nhận diện các màu sắc tương phản như đỏ của máu, từ đó tập trung tốt hơn vào các chi tiết của ca mổ.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc chính là tại sao những chiếc áo phẫu thuật này luôn nhăn nheo, không phẳng phiu như những trang phục y tế khác. Liệu đây có phải là dấu hiệu của sự thiếu chuyên nghiệp?

Theo ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, giảng viên trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội), áo phẫu thuật hiện nay có hai loại chính:

1. Áo phẫu thuật vải dệt: Loại áo này được sử dụng nhiều lần, thường được làm từ chất liệu cotton hoặc vải pha poly. Đây là loại áo thường thấy trong nhiều bệnh viện. 

base64-17311188305161263274126.jpeg

Áo phẫu thuật vải dệt nhăn nheo sau quá trình hấp sấy cẩn thận.

2. Áo choàng không dệt, kháng thấm: Loại áo này được làm từ chất liệu giống như "áo giấy", chỉ sử dụng một lần rồi bỏ.

3483162546204355000379299042178346857116002n-17310863273111457635316.jpg

Áo choàng không dệt y tế, sử dụng một lần.

Theo BS Tuấn, lý do áo phẫu thuật vải dệt thường nhăn nheo là do quy trình tiệt trùng khắt khe mà chúng phải trải qua. Sau khi sử dụng, áo phải được tiệt trùng bằng cách hấp ở nhiệt độ cao (thường trên 121 độ C) để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, virus và các vi sinh vật khác. Chính nhiệt độ cao trong quá trình hấp sấy khiến chất liệu vải trở nên nhăn nheo và khó giữ được sự phẳng phiu như trước.

Ngoài quá trình hấp sấy tiệt trùng, còn có một số yếu tố khác khiến áo phẫu thuật trở nên nhăn nheo:

- Quá trình vận chuyển và đóng gói: Sau khi tiệt trùng, áo phẫu thuật được gói chặt và đóng kín trong các túi vô trùng để đảm bảo an toàn cho lần sử dụng tiếp theo. Việc áp lực và sự va chạm với các vật dụng khác trong quá trình vận chuyển có thể làm áo bị nhăn. 

- Tần suất sử dụng cao: Những chiếc áo này phải được sử dụng liên tục hàng ngày và sau đó lại trải qua quá trình hấp sấy và tái sử dụng. Vì thế khó có thể giữ áo phẳng như ban đầu.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần là phẳng áo phẫu thuật sẽ trông chuyên nghiệp và gọn gàng hơn. Tuy nhiên, thực tế là những chiếc áo phẫu thuật không cần thiết phải ủi phẳng vì chúng sẽ bị nhăn trở lại ngay sau khi trải qua quá trình hấp sấy. Ngoài ra, việc là ủi có thể làm hỏng tính chất kháng khuẩn của áo sau khi tiệt trùng.

Các bác sĩ cho rằng, dù là áo vải dệt hay áo không dệt, điều quan trọng nhất là đảm bảo vô trùng tuyệt đối để bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân. Việc áo nhăn nheo không ảnh hưởng đến hiệu quả của phẫu thuật, miễn là quy trình vô trùng được tuân thủ nghiêm ngặt".

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn giải thích: Vì sao áo phẫu thuật của bác sĩ nhăn nheo thế?

Hiện nay, nhiều bệnh viện lớn đã chuyển sang sử dụng áo choàng không dệt để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm và đảm bảo tiêu chuẩn vô trùng cao hơn. Tuy nhiên, do chi phí khá cao, không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện sử dụng loại áo này. Đối với các bệnh viện có ngân sách hạn chế, áo vải tái sử dụng vẫn là lựa chọn phổ biến để tiết kiệm chi phí.

Do đó, việc áo phẫu thuật của các bác sĩ trông nhăn nheo không phải là dấu hiệu của sự thiếu chuyên nghiệp mà là kết quả của quy trình tiệt trùng khắt khe và yêu cầu đảm bảo vô trùng tuyệt đối trong phòng mổ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020