Chuyên mục  


PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người cao tuổi nguy cơ cao mắc biến chứng hô hấp nghiêm trọng khi nhiễm cúm, như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi do vi khuẩn. Các biến chứng khác có thể gặp gồm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy giảm chức năng tim nói chung và tăng nguy cơ đột quỵ tim.

PGS Phạm Nguyễn Vinh dẫn thống kê của UCLA Health trên những bệnh nhân cúm cao tuổi nhập viện. Trong đó, biến chứng tim nghiêm trọng xảy ra ở khoảng 1/8 bệnh nhân, 7% trong số này tử vong. Nhóm này có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim vào tuần đầu sau khi mắc cúm cao gấp 6 lần so với các bệnh khác. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm là viêm phổi và suy hô hấp, tác động gây rối loạn nhịp tim hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng suy tim.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính người trên 65 tuổi chịu gánh nặng bệnh tật do cúm lớn, 50 đến 70% ca mắc cúm nhập viện từ 65 tuổi trở lên, trong đó có 70 đến 85% trường hợp tử vong.

Còn tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thống kê hàng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Giải thích rõ hơn về cách virus cúm gây biến chứng ở người cao tuổi, bác sĩ Vinh trích dẫn nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ) hồi vào tháng 11/2022, được công bố trên tạp chí Nature Communications. Nghiên cứu chỉ ra người già có nhiều prostaglandin E2 (PGE2 – chất điều hòa miễn dịch lipid có thể thúc đẩy chuyển dạ hoặc gây viêm) trong phổi hơn. Sự gia tăng PGE2 tác động, làm giảm các đại thực bào trong phổi vốn được coi là lá chắn đầu tiên bảo vệ phổi khỏi mầm bệnh.

Bên cạnh đó, người cao thường mắc nhiều bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), do đó làm tăng các nguy cơ biến chứng do cúm.

Người lớn tuổi tiêm cúm tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Có nhiều biện pháp phòng cúm, ví dụ rửa tay thường xuyên, nhằm giảm thiểu mầm bệnh lây nhiễm vào cơ thể; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, có thể sử dụng khăn giấy hoặc khăn tay để tránh nhiễm bẩn bàn tay, tránh lây lan virus ra môi trường xung quanh; tránh đến nơi đông người; tiêm vaccine phòng bệnh...

Trong đó, biện pháp vaccine được nhiều chuyên gia khuyến cáo. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết vaccine giúp người cao tuổi giảm mắc cúm, giảm nguy cơ trở nặng và gặp biến chứng do cúm.

Theo Bộ Y tế, vaccine cúm an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ từ 70 đến 90%. Ở những người cao tuổi, vaccine cúm làm giảm 60% tỷ lệ mắc bệnh và giảm 70 đến 80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.

Một số nghiên cứu quan sát đăng tải trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ năm 2016 cho thấy chủng ngừa cúm có thể ngừa từ 15 đến 45% nguy cơ nhồi máu cơ tim. Vaccine giúp giảm từ 30 đến 57% nguy cơ nhập viện ở người già, giảm 79% nguy cơ nhập viện ở người bệnh tiểu đường và giảm biến chứng, tỷ lệ tử vong do cúm ở bệnh nhân tim mạch. Ở những bệnh nhân nhập viện với hội chứng mạch vành cấp, nhóm tiêm vaccine ít gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn so với nhóm không tiêm (9,5% so với 19%).

Nghiên cứu năm 2014 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ cũng cho thấy tiêm phòng giảm nguy cơ nhập viện và giảm 74% nguy cơ diễn tiến nặng nhập khoa hồi sức nhi trong các mùa cúm 2010-2012; giảm 80% ca tử vong liên quan đến cúm (theo nghiên cứu năm 2018); giảm chi phí y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bệnh; đặc biệt giảm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, giúp tập trung nguồn lực điều trị cho các loại bệnh khác.

Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo nhóm người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt, nên tiêm nhắc lại hàng năm. Hiện VNVC cung cấp vaccine cúm tứ giá thế hệ mới có thể phòng 4 chủng virus A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata, B/Victoria. Trong đó, mũi tiêm cúm bất hoạt tiểu đơn vị, chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm; có thể sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi, người già, có bệnh nền.

Gia Nghi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020