Ngày 1/11, BS.CK1 Lê Văn Tuyến, Khoa Tim mạch và Can thiệp mạch máu, Bệnh viện CIH, cho biết chụp động mạch vành với máy DSA ghi nhận tắc nghẽn đồng thời hai nhánh động mạch vành nuôi tim bên phải và bên trái với mức độ hẹp lên đến 99%, nguy cấp tính mạng. Các bác sĩ can thiệp đặt stent tái thông lần lượt cả hai nhánh mạch vành bị tắc nghẽn, giúp bệnh nhân thoát nguy cơ tử vong.
Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định sức khỏe, không còn các triệu chứng trước nhập viện, cơn đau bụng và đau ngực biến mất hoàn toàn. Trước đó, ông thường đau âm ỉ đau nặng bụng vùng thượng vị, uống thuốc điều trị dạ dày không khỏi. Vài ngày trước nhập viện, các cơn đau bụng lan dần lên vùng ngực và hai vai, sau đó đi cấp cứu vì đau thắt ngực dữ dội, khó thở.
BS.CK1 Lê Văn Tuyến thăm khám bệnh nhân. Ảnh: Ngô Hiền
Theo bác sĩ Tuyến, đây là trường hợp rất đặc biệt, bởi triệu chứng không điển hình. Thay vì đau nhiều tại vùng ngực thì trước đó bệnh nhân đau chủ yếu tại vùng bụng thượng vị, sau lưng và hai vai, dễ dẫn đến các chẩn đoán sai lầm. Bên cạnh đó, do bệnh nhân tắc nghẽn đồng thời hai nhánh mạch máu chính của tim nên việc can thiệp rất phức tạp.
"Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe định kỳ và không bỏ qua bất kỳ triệu chứng nào, dù là nhỏ nhất", bác sĩ nói, thêm rằng với nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim), việc nhận diện các triệu chứng sớm và can thiệp kịp thời có thể cứu sống tính mạng.
Bệnh có thể xảy ra bất ngờ, nhưng nhiều trường hợp có thể được cảnh báo trước qua những triệu chứng như đau thắt ngực. Người bệnh thường cảm thấy đau tức, nặng nề trong lồng ngực, có thể lan ra sau lưng, cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Cơn đau thường kéo dài trên 15 phút và không giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
Ngoài ra, những triệu chứng đi kèm như mệt mỏi, hồi hộp, khó thở và vã mồ hôi cũng cần được chú ý. Đặc biệt, ở người cao tuổi, phụ nữ hoặc người mắc bệnh tiểu đường, triệu chứng có thể không rõ ràng. Họ có thể chỉ cảm thấy khó thở, thay đổi tri giác, ngất xỉu hoặc huyết áp tụt xuống dưới 90/60 mmHg, mà không có dấu hiệu đau ngực điển hình.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thực hiện tầm soát sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và các bệnh lý liên quan mạch vành. Khi phát hiện tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... cần kiểm soát và điều trị tốt. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn, không tự mua thuốc theo đơn cũ.
Xây dựng lối sống tích cực, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích. Ăn uống điều độ, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ. Tập luyện thể dục hàng ngày. Tránh căng thẳng quá mức và kéo dài...
Lê Phương