Chuyên mục  


anh-bai-sk-10-21-5read-only-1675960782905529137692-17288240988822019357649.jpg

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) phối hợp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ghép gan thành công cho một bệnh nhi vào cuối năm 2021 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tâm sự của ông L.M.H., người đã hiến tặng mô tạng của con gái cứu sống bốn người mắc trọng bệnh, cũng là tâm sự chung của nhiều gia đình có người thân hiến tạng để trao truyền sự sống cho người khác.

Hằng ngày, hàng ngàn người đang chờ đợi để được ghép tạng. Họ mong chờ một phép màu đến với họ, mà phép màu ấy chỉ đến khi có được nguồn tạng hiến từ người hiến tặng sau khi qua đời hoặc chết não.

Theo ông Đồng Văn Hệ, phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kiêm giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, 14 năm qua tại Việt Nam đã có 139 người chết não hiến tặng mô tạng cứu người.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 24 người chết não hiến tạng. Nhờ nguồn mô tạng hiến tặng đặc biệt này, cứ 10 người được ghép tạng trong năm 2024 có 1 người từ tạng hiến của người hiến chết não.

Việt Nam đã thực hiện được ghép tạng từ 1993, khởi đầu là ghép thận, đến nay các bác sĩ Việt đã thực hiện được ghép tim, gan, phổi, giác mạc, thận, ghép đa tạng tim - gan, thận - gan, thận - tim... cứu sống nhiều người bệnh.

'Thay vì vùi nguồn sống vào lòng đất hay thiêu cháy thì chúng ta có thể dùng nó để cứu người. Nguồn tạng hiến là niềm hy vọng cho sự sống hồi sinh'.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên bộ trưởng Bộ Y tế

Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, số lượng ca ghép và số người chết não hiến tặng mô tạng ở Việt Nam còn ít ỏi, nhiều người bệnh tử vong vì không không có tạng ghép. So với Thái Lan ngay bên cạnh, dù số ca ghép thực hiện ít hơn nhưng 50-80% số ca ghép là từ tạng hiến tặng của người hiến chết não.

Để tăng cường nhận thức về hiến ghép mô tạng, như nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói là "cách làm từ thiện cao cả nhất", nhân Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam, báo Tuổi Trẻ phối hợp Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến "Tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức đăng ký hiến tặng mô tạng tại Việt Nam", bắt đầu từ 15h30 ngày 14-10.

Ngay từ bây giờ, quý bạn đọc có câu hỏi về cách thức đăng ký hiến tặng mô tạng, các kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam, người bệnh có cơ hội được ghép tạng như thế nào... có thể gửi câu hỏi tới các khách mời:

- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam

- PGS.TS Đồng Văn Hệ, giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

- Thượng tá - Bác sĩ Nguyễn Lê Trung, phó chủ nhiệm bộ môn - khoa mắt, Bệnh viện Quân y 103, có mẹ là cố đại úy Lê Thị Hồng Minh, Bệnh viện Quân y 103 đã hiến tặng giác mạc khi qua đời.

Những nội dung trao đổi và giải đáp của các khách mời sẽ được cập nhật trên Tuổi Trẻ Online từ 15h30 ngày 14-10, mời bạn đọc đón xem.

gltt-hien-tang-17288248056961783259416.png

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020