Bí mật của những người sống thọ nằm trong tế bào gốc của họ? - Ảnh: UNSPLASH
Tại Boston, Massachusetts (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã lập trình lại tế bào gốc từ máu của những người 100 tuổi và chia sẻ chúng với các nhà khoa học khác nhằm tìm hiểu yếu tố thúc đẩy sự sống thọ.
Những phát hiện ban đầu đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về sự lão hóa của não bộ.
George Murphy - một nhà sinh học tế bào gốc tại Trường Y Chobanian & Avedisian thuộc Đại học Boston (Mỹ) - cho biết có một cụ già 100 tuổi mà ông từng nghiên cứu đã sống sót qua đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1912 và hai lần thắng COVID-19.
Theo ông, khả năng phục hồi đặc biệt này có thể nhờ vào cấu trúc gene giúp cụ kháng lại bệnh tật.
Tuy nhiên, việc kiểm chứng giả thuyết này không dễ vì số người sống thọ 100 tuổi rất hiếm, do đó mẫu máu và da của họ là tài nguyên vô giá đối với nghiên cứu.
Để giải quyết vấn đề, nhóm của Murphy đã thành lập một ngân hàng tế bào chứa tế bào của những người 100 tuổi, sẵn sàng chia sẻ với các nhà khoa học khác.
Murphy đã hợp tác với Tom Perls, một bác sĩ chuyên về lão khoa tại Đại học Boston, người dẫn đầu "Nghiên cứu 100 tuổi New England", là nghiên cứu lớn nhất về những người từ 100 tuổi trở lên.
Những người tham gia đã trải qua các bài kiểm tra về khả năng thể chất, nhận thức và cung cấp mẫu máu để phân tích. Nhiều người trong số họ vẫn duy trì sức khỏe tốt và có thể tự lập trong cuộc sống hằng ngày.
Nhóm nghiên cứu đã lấy tế bào máu từ khoảng 30 người sống thọ 100 tuổi và tái lập trình chúng thành tế bào gốc đa năng, có khả năng biến đổi thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể.
Phương pháp trên cho phép các nhà khoa học nghiên cứu các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến sự lão hóa mà không cần thay đổi mã di truyền.
Thí nghiệm ban đầu cho thấy khi chịu áp lực, các tế bào thần kinh lấy từ người sống thọ 100 tuổi có khả năng xử lý protein gây hại nhanh hơn so với tế bào từ người không 100 tuổi. Điều này có thể giúp ngăn chặn các bệnh liên quan đến lão hóa.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu khác đã sử dụng tế bào của người 100 tuổi để tạo mô hình 3D về bệnh Alzheimer, so sánh với mô hình của người ở độ tuổi 60.
Kết quả ban đầu chỉ ra rằng tế bào của người sống 100 tuổi biểu hiện mức độ gene liên quan đến việc bảo vệ chống Alzheimer cao hơn.
Trong tương lai, các nhà khoa học hy vọng mở rộng nghiên cứu, phát triển các loại tế bào liên quan đến lão hóa như tế bào gan, cơ, ruột hoặc thậm chí các mô hình cơ quan nhỏ.
Những phát hiện này có thể mang lại bước tiến lớn trong việc kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.