Ngày 2/11, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết bệnh nhân đã uống thuốc nam để cải thiện sức khỏe nhưng không rõ loại. Kết quả nội soi tiêu hóa phát hiện tổn thương sùi loét chiếm 3/4 trực tràng, rất dễ chảy máu, sinh thiết chẩn đoán ung thư trực tràng. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị.
Ung thư trực tràng nằm trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới và đứng thứ 4 trong danh sách những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chỉ sau ung thư phổi, dạ dày và gan.
Theo Tổ chức Ung thư Thế giới năm 2020, ước tính mỗi năm có trên 1,9 triệu người bị mắc và khoảng 935 nghìn người bị chết vì ung thư đại tràng. Thống kê của Globocan 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong mỗi năm vì căn bệnh này. Ngoài ra, ung thư đại tràng còn ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Mô phỏng khối u ung thư phát triển trong ruột bệnh nhân. Ảnh: Diabetes
Hầu hết trường hợp ung thư trực tràng xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên do họ có nguy cơ cao mắc polyp trực tràng. Ngoài ra, người có tiền sử hoặc người thân trong gia đình có polyp hoặc ung thư đại trực tràng; người có hội chứng đa polyp đại trực tràng di truyền; viêm loét ruột... cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm các triệu chứng thường âm thầm, kín đáo nên rất khó phát hiện. Một số dấu hiệu thường gặp như rối loạn đại tiện, tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc đi phân mỏng và dẹt như lá lúa. Cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên. Người bị đau bụng thường xuyên, mệt mỏi thường xuyên, sút cân không rõ nguyên nhân...
Ung thư đại tràng, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo ung thư đại trực tràng nguy hiểm nhưng vẫn có thể chủ động phòng tránh bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tầm soát ung thư định kỳ.
Thùy An