Lấy thành công viên sỏi nặng 700g ở bàng quang người đàn ông ở Đắk Lắk
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện này vừa phẫu thuật và lấy thành công một viên sỏi nặng 700g cho một bệnh nhân nam bị u bàng quang. Bệnh nhân là ông YKE (45 tuổi, ngụ huyện Krông Ana, Đắk Lắk)
Trước đó, người này được đưa vào Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đau quặn bụng dưới, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, tái nhợt, tiểu ra máu.
Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một khối u trong lòng bàng quang, kèm khối sỏi rất to, cần phải mổ lấy sỏi và cắt khối u.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng khoa Thận tiết niệu cho biết, bệnh nhân tiểu ra máu, bị suy thận nên phải truyền nhiều đơn vị máu mới có thể phẫu thuật.
Viên sỏi lớn nằm trong bàng quang dính với khối u chèn vào miệng niệu quản gây 2 thận ứ nước.
Quá trình mổ khá khó khăn do sỏi bám vào khối u buộc cắt khối u bàng quang và giải phóng chỗ tắc 2 miệng niệu quản để thông nước tiểu.
"Sau gần 2 giờ đồng hồ mổ, chúng tôi đã lấy được viên sỏi bàng quang nặng 700g. Hơn 20 năm trong nghề nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một viên sỏi bàng quang của bệnh nhân có kích thước lớn đến như vậy", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Viên sỏi trong bàng quang bệnh nhân. Ảnh: BV
Sỏi bang quang là gì?
Sỏi bàng quang là những mảnh khoáng chất cứng xuất hiện trong bàng quang. Sỏi bàng quang thường xảy ra khi bạn không tiểu hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài; nước tiểu kết cụm lại với nhau và tạo thành các tinh thể khoáng chất gọi là sỏi.
Nguyên nhân gây ra sỏi bàng quang
Sa bàng quang: Ở phụ nữ, thành bàng quang có thể suy yếu và sa xuống âm đạo, điều này có thể chặn dòng chảy nước tiểu và hình thành sỏi bàng quang;
Phì đại tiền liệt tuyến: Ở nam giới, khi tuyến tiền liệt to lên sẽ chặn dòng chảy nước tiểu và làm cho nước tiểu đọng lại trong bàng quang;
Hội chứng bàng quang thần kinh: Dây thần kinh gửi tín hiệu từ não bộ đến các cơ bàng quang của bạn. Nếu chúng bị thương tổn hoặc bị hư hỏng do một số bệnh, bàng quang sẽ không làm việc hiệu quả và dẫn đến sỏi bàng quang;
Viêm: Khi bị viêm bàng quang, sỏi có thể được hình thành;
Thiết bị y tế: Những dụng cụ y tế được đặt trong bàng quang như ống thông tiểu, thiết bị tránh thai cũng có thể gây hình thành sỏi;
Sỏi thận: Sỏi thận có kích thước nhỏ và có thể trôi xuống bàng quang qua niệu quản và trở thành sỏi thận bàng quang nếu không được loại bỏ.
Triệu chứng của sỏi bàng quang
Những viên sỏi xuất hiện ở bàng quang nhỏ có thể tự động rơi ra ngoài khi đi tiểu mà không gây ra bất cứ vấn đề gì. Khi các viên sỏi phát triển lớn hơn, bệnh nhân phải đối mặt với một số triệu chứng như:
Đau bụng dưới: Khi sỏi bàng quang hình thành và lăn qua lăn lại trong bàng quang, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội;
Đau hoặc khó chịu dương vật ở nam giới;
Tiểu khó, tiểu buốt hoặc gián đoạn dòng nước tiểu: Là hiện tượng tia nước tiểu tắc lại kèm theo triệu chứng đau buốt bộ phận sinh dục. Tình trạng này thường tăng khi người bệnh đi lại, vận động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi;
Tiểu rắt, tiểu nhiều lần: Sự tồn tại của sỏi trong bàng quang có thể gây tắc nghẽn đường tiểu, từ đó gây ra hiện tượng tiểu són, tiểu nhiều lần trong ngày;
Tiểu máu hoặc nước tiểu sậm: Đây là tình trạng nhiễm trùng tại thận mà bàng quang chính là nguyên nhân khiến nước tiểu có màu đục. Khi tiểu tiện, những viên sỏi bàng quang nhỏ có thể theo ra bên ngoài và cọ xát vào đường tiểu gây chảy máu, từ đó gây ra hiện tượng tiểu lẫn máu.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh sỏi bàng quang?
- Sỏi bàng quang chủ yếu xảy ra ở nam giới;
- Sỏi bàng quang có xu hướng xảy ra ở những người từ 50 tuổi trở lên;
- Người mắc các bệnh: phì đại tiền liệt tuyến, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do nhiễm trùng hay do phẫu thuật khiến bàng quang bị cản trở lối thoát;
- Người có di chứng của đột quỵ, tổn thương tủy sống, bệnh Parkinson, thoát vị đĩa đệm, tiểu đường,...
Sỏi bàng quang nguy hiểm thế nào?
Khi sỏi bàng quang to sẽ gây viêm bàng quang.
Viêm nhiễm bàng quang do sỏi là một biến chứng thường gặp bởi sỏi to làm tổn thương niêm mạc bàng quang, khi co bóp, sỏi cọ xát nhiều lần, vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, thậm chí chảy máu;
Viêm bàng quang cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm mãn tính, từ đó có thể gây teo bàng quang hoặc rò bàng quang do lượng nước tiểu thay đổi liên tục.
Sỏi bàng quang còn có thể gây nên các biến chứng rất nguy hiểm là viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận. Đây là các biến chứng gây nên không ít khó khăn cho điều trị, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng;
Biến chứng rò bàng quang, tầng sinh môn hoặc âm đạo (nữ giới), khiến nước tiểu cũng chảy ri rỉ qua âm đạo hoặc hậu môn, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và gây nhiễm trùng;
Một số trường hợp sỏi bàng quang to có thể gây bí tiểu hoàn toàn làm nước tiểu ứ lại trong bàng quang, bàng quang căng phồng, tạo nên "cầu bàng quang" ở trên xương mu.
Biện pháp phòng ngừa sỏi bàng quang
Để hạn chế nguy cơ bị sỏi ở bàng quang cần lưu ý:
Uống nhiều nước: Mỗi ngày nên uống 2 – 3 lít nước, giúp cơ thể đào thải những chất độc, cặn bã ra khỏi thận, bàng quang, từ đó tránh sự kết tủa tạo sỏi.
Bổ sung thực phẩm ít chất béo: Các loại thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo hay không béo nên được bổ sung vào thực đơn mỗi ngày. Ngoài ra, nên hạn chế các món ăn chiên xào rán, không dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn hộp.
Ở những người có tăng axit uric trong máu nên hạn chế thức ăn giàu đạm: Đạm có khả năng làm tích tụ axit uric trong máu, làm hình thành tinh thể muối urat và tích tụ ở bàng quang. Khi đó, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị sỏi. Mỗi ngày chỉ nên bổ sung tối đa 200g thịt, ưu tiên thịt nạc, ức gà và hạn chế hải sản, tôm, cua.
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: Các thực phẩm chứa lượng chất xơ dồi dào nên bổ sung hằng ngày là rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu… Nam giới bổ sung khoảng 30 – 38g/ngày và nữ giới là 21 – 25g/ngày.
Tránh sử dụng các chất kích thích: Nên hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác. Vì các hóa chất này tích tụ trong cơ thể rất dễ tạo thành sỏi.
Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cũng khuyến cáo, sỏi bàng quang để lâu không điều trị có thể biến chứng thành suy thận, ung thư bàng quang rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Khi có dấu hiệu sỏi ở hệ tiết niệu, người bệnh nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị sớm.
Sáng 27/5, nguồn tin từ Bệnh viện Đa khoa TP Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại niệu của bệnh viện này vừa phẫu thuật lấy viên sỏi bàng quang nặng 1,5kg cho một bệnh nhân.