25 bác sĩ tim mạch trên toàn thế giới, trong đó có nhiều bác sĩ Việt Nam đã được thực hành trực tiếp trên tim heo thật - Ảnh: XUÂN MAI
Từ ngày 17 đến 19-1, Liên chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM tổ chức Hội nghị quốc tế bệnh tim cấu trúc và bẩm sinh thường niên tại TP.HCM với chủ đề “Can thiệp ống động mạch từ A đến Z”, sau ba năm tạm hoãn vì ảnh hưởng đại dịch COVID-19.
Điểm nhấn của hội nghị là giới thiệu can thiệp tim thai của Việt Nam qua các ca can thiệp teo van động mạch phổi và hẹp van động mạch chủ ở bào thai, hay sử dụng công nghệ tạo hình 3D tim mạch, cuộc thi của những nhà can thiệp tim mạch nhi khoa trẻ.
Đặc biệt tại hội nghị còn có buổi huấn luyện trực tiếp can thiệp tim mạch trên tim heo thật. Đây là hình thức huấn luyện y khoa khá phổ biến trên thế giới dành cho bác sĩ can thiệp tim mạch, nhưng lần đầu tiên có ở Việt Nam.
Chiều 17-1, 25 bác sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã được thực hành trực tiếp trên tim heo thật, do giáo sư Yen Ho - chuyên gia nổi tiếng thế giới về hình thái học tim mạch của Bệnh viện Royal Brompton (Anh) - trực tiếp huấn luyện tại chỗ.
Hội nghị còn diễn ra 34 ca can thiệp trực tiếp (live case), được thực hiện tại 6 trung tâm hàng đầu trong và ngoài nước. Hình ảnh các ca điều trị này được truyền đến hội nghị để các đại biểu tham dự bàn luận, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
TS.BS Đỗ Nguyên Tín - chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM - chia sẻ Hội nghị quốc tế bệnh tim cấu trúc và bẩm sinh là cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và gắn kết lĩnh vực can thiệp tim mạch nhi khoa của Việt Nam và thế giới - Ảnh: XUÂN MAI
TS.BS Đỗ Nguyên Tín - chủ tịch Liên chi hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM - chia sẻ sau ba năm không tổ chức được vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ năm 2024 hội nghị thường niên của liên chi hội sẽ được tổ chức lại đều đặn.
Sau 9 lần tổ chức, hội nghị đã tạo được tiếng vang trên thế giới. Hằng năm có nhiều hội nghị quốc tế về can thiệp tim mạch nhi khoa, nhưng số đại biểu tham dự hội nghị thường niên của liên chi hội chỉ đứng sau Hội nghị PICS (Mỹ) và Hội nghị CSA (Đức).
“Hội nghị là cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và gắn kết lĩnh vực can thiệp tim mạch nhi khoa của Việt Nam và thế giới, qua đó nâng cao vị thế của y khoa Việt Nam trong khu vực và thế giới”, TS.BS Tín nói.
Về chủ đề hội nghị năm nay “Can thiệp ống động mạch từ A đến Z”, TS.BS Tín cho hay đây cũng là chủ đề hội nghị lần đầu của liên chi hội vào năm 2012.
Theo đó, ống động mạch (PDA) là tình trạng tồn tại ống động mạch ở trẻ sau sinh. Bình thường ống động mạch sẽ tự đóng sau khi trẻ chào đời, nhưng nếu chúng không đóng lại sẽ gây ra những vấn đề tim mạch cho trẻ và cần được giải quyết.
Trước đây bệnh lý này chủ yếu được điều trị bằng phẫu thuật, nhưng ngày nay bệnh thường được giải quyết bằng can thiệp. So với hơn 10 năm trước, giờ đây can thiệp tim mạch nhi khoa đã phát triển vượt bậc nên PDA cũng được giải quyết khá đơn giản.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (Journal of the American Heart Association - JAHA) tháng 9-2022 ghi nhận PDA là dị tật tim mạch phổ biến nhất ở trẻ sinh non, với tần suất mắc tỉ lệ nghịch với tuổi thai.
Bằng chứng mới nhất cho thấy trên 50% trẻ sinh dưới 26 tuần tuổi sẽ bị PDA quá 2 tháng sau sinh. Trong số các trẻ sinh đủ tháng, khoảng 1/2.000 trẻ bị PDA, chiếm 5 - 10% tổng số dị tật tim bẩm sinh.
Hội nghị có khoảng 200 chuyên gia can thiệp tim bẩm sinh hàng đầu thế giới và 100 chuyên gia lĩnh vực tim mạch nhi khoa trong nước tham dự.
Trong ba ngày hội nghị (từ ngày 17 đến 19-1), 55 báo cáo viên trong và ngoài nước sẽ trình bày hơn 100 báo cáo khoa học và trình diễn những ca can thiệp trực tiếp.
Các bài báo cáo tập trung vào những chủ đề quan tâm hiện nay như đóng ống động mạch ở trẻ sơ sinh sinh non, thay van động mạch phổi qua da, đặc biệt là can thiệp bào thai - kỹ thuật tiên tiến vừa triển khai ở Việt Nam và gặt hái thành công bước đầu.