Chuyên mục  


Bệnh nhân bị hoại tử xương sọ, hàm, mặt được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: T.HIẾN

Theo các bác sĩ, hiện chưa có bằng chứng nào để chứng minh những ca bệnh hoại tử xương hàm gần đây do COVID-19 gây ra, tuy nhiên nhiều nhà lâm sàng đánh giá có yếu tố liên quan COVID-19.

Ca bệnh tăng đột biến

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chỉ trong vòng 2 tháng qua, bệnh viện đã liên tục tiếp nhận 11 trường hợp có những biểu hiện hoại tử xương hàm bất thường, trong đó có 2 ca đã tử vong, những bệnh nhân này đều có tiền căn từng mắc COVID-19.

PGS Trần Minh Trường - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết với những ca hoại tử xương nêu trên, nhìn bên ngoài trông các bệnh nhân nhìn bình thường nhưng xương bên trong mặt hoại tử hết và tử vong nhanh.

Biểu hiện đầu tiên là các ca bệnh đau rất nhiều ở vùng đầu, mặt, răng trong giai đoạn bị nhiễm COVID-19 và tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm; đi khám được chẩn đoán viêm xoang. Theo bác sĩ Trường, y văn thế giới từ tháng 5-2021 đến tháng 5-2022 ghi nhận có khoảng 80 báo cáo về tình trạng các bệnh giống hệt như các bệnh nhân nói trên, xuất hiện ở một số nước châu Âu, Trung Quốc, đặc biệt Ấn Độ.

Xảy ra chủ yếu trên bệnh nhân có đái tháo đường, có dùng thuốc corticoid và hậu COVID-19, không có bệnh lý tai mũi họng, răng hàm mặt trước đó. "Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng nào khẳng định những ca bệnh trên nguyên nhân do COVID-19 nhưng các nhà lâm sàng nghĩ có liên quan COVID-19", PGS Trường nhận định.

Chiều 13-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương (tại TP.HCM) - cho biết trước dịch COVID-19, bệnh viện có tiếp nhận một số bệnh nhân hoại tử xương hàm dưới, tuy nhiên số lượng không nhiều. Nguyên nhân là do bệnh nhân sau xạ trị ung thư, dùng thuốc điều trị loãng xương, xương hàm dưới ít mạch máu nuôi dưỡng hơn xương hàm trên. Hoại tử xương hàm trên cũng rất ít, khoảng 2 - 3 tháng mới có 1 ca, thường liên quan đến đái tháo đường.

Tuy nhiên, theo thống kê của bệnh viện từ tháng 2-2022 đến nay, số bệnh nhân đi khám hoại tử xương hàm trên cũng tăng đột biến, không rõ nguyên nhân. Bệnh viện tiếp nhận 16 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân hoại tử hàm trên lan lên đến sàn sọ và được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy để hội chẩn, điều trị.

Đặc điểm chung của 16 bệnh nhân này là đều mắc COVID-19 trước đó, thời gian khởi phát từ 1 - 3 tháng sau mắc, đa số đều có bệnh nền là đái tháo đường. Triệu chứng thường gặp nhất là lung lay răng và xương hàm trên (cả khối), có lỗ rò mủ, sưng đau vùng khẩu cái (vòm miệng), có những vết loét và lộ xương hàm trên. Kết quả chẩn đoán hình ảnh giúp thấy rõ mức độ lan rộng của xương hoại tử.

Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy hết xương hoại tử tới vị trí chảy máu thì ngừng lại. Sử dụng kháng sinh và theo dõi từ 3 - 4 tháng xem bệnh có tái phát hay không. Nếu bệnh nhân ổn định thì có thể phục hình lại hàm.

Chưa thể kết luận do COVID-19

Bác sĩ Tuấn cho biết hiện căn bệnh này chưa rõ nguyên nhân, nhưng theo y văn thế giới có 4 yếu tố nguy cơ bị hoại tử hàm trên sau khi mắc COVID-19: do COVID-19 bám vào thụ thể ACE-2 (ở niêm mạc mũi, miệng) có khả năng làm tắc mạch máu nuôi xương hàm trên và gây tăng đông, giảm máu nuôi dưỡng xương, sử dụng thuốc corticosteroid trong phác đồ điều trị COVID-19; bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm; những bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường...

Ông Tuấn khuyến cáo người bệnh sau khi nhiễm COVID-19, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường có các biểu hiện: răng lung lay cả hàm, chảy mủ... cần nhập viện để kiểm tra và điều trị sớm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho rằng trường hợp bệnh nhân được mô tả trên là tình trạng nhiễm nấm cơ hội. Vấn đề nguyên nhân có phải do COVID-19 hay không, cho đến nay trên thế giới cũng chưa nghiên cứu được đầy đủ, vì vậy tất cả hiện đang là giả thiết.

Bởi về lý thuyết thì COVID-19 gây rối loạn miễn dịch của cơ thể. Với một số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nặng thì giai đoạn sau COVID-19 có thể nhiễm vi khuẩn hoặc nấm cơ hội, dẫn đến tình trạng sức khỏe diễn biến nặng hơn.

Bác sĩ Cấp giải thích rằng các vấn đề sức khỏe gặp phải sau khi mắc COVID-19 rất đa dạng, nhiều bệnh lý còn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nên cơ chế bệnh sinh của chúng đa số mới chỉ là những giả thiết khoa học.

"Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa thì mới có thể hiểu được mối liên quan giữa việc nhiễm COVID-19 với những bệnh lý này. Việc cần làm là không nên để nhiễm bệnh, dù là bệnh nào cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Cấp cho biết.

Giám sát chặt bệnh lý nền

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết đối với những trường hợp hoại tử xương nêu trên chưa thể chắc chắn được do COVID-19 gây ra, trước đó cũng đã có bệnh nhân bị, sau COVID-19 thì nhiều bệnh nhân bị hơn nên có thể liên quan đến COVID-19. Muốn chứng minh được có phải do COVID-19 hay không cần phải có nghiên cứu rất lớn, phải tính được tỉ lệ lớn trong tổng số dân.

Bác sĩ Hùng nhận định sau khi nhiễm COVID-19 hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn dẫn đến những người có bệnh nền sẽ bị nặng hơn, dễ mắc các loại bệnh hơn, trong đó có thể có hoại tử xương. Một số bệnh nền dễ trở nặng sau khi nhiễm COVID-19 như: đái tháo đường, xơ gan, béo phì, nghiện rượu...

Sở Y tế TP.HCM sẽ làm rõ nguyên nhân

Ngày 13-7, trước việc các bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận hàng loạt ca bệnh bị hoại tử xương hàm trên hậu COVID-19, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn báo cáo tình hình tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân hoại tử xương hàm trên hậu COVID-19.

Ngay trong tuần sau, Sở Y tế tổ chức hội thảo chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân các ca bệnh hoại tử xương hàm trên trong thời gian qua.

TP.HCM: Tăng đột biến bệnh nhân hoại tử xương hàm sau mắc COVID-19

TTO - Ngày 13-7, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương tại TP.HCM cho biết sau dịch COVID-19, số bệnh nhân bị hoại tử hàm trên đến khám và điều trị tăng đột biến. Đặc điểm chung của các ca bệnh này là đều từng mắc COVID-19.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020