Chuyên mục  


Ngày 4/3, tại cuộc tập huấn về quy định kinh doanh thuốc trong điều trị Covid-19, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán Molnupiravir cho F0 được bác sĩ khám và kê toa, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế. Đại diện ngành y tế TPHCM lý giải, Molnupiravir thuộc danh mục thuốc kê đơn.

Nhà thuốc lo khó cho bệnh nhân

Như vậy sau hơn một tuần người dân chỉ cần có giấy xác nhận F0 hoặc thậm chí quay clip quá trình tự test nhanh tại nhà để chứng minh đã dương tính là mua Molnupiravir được, điều kiện bán thuốc này hiện đã được siết chặt lại.

Trao đổi với PV Dân trí sáng 5/3, một lãnh đạo của hệ thống nhà thuốc Long Châu cho biết, không chỉ TPHCM mà quy định "có toa mới bán" Molnupiravir đã được Hà Nội và một số tỉnh khác như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng… yêu cầu. Bên bán bày tỏ lo lắng, điều này sẽ khiến các bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận thuốc đúng lúc.

Phía Long Châu lý giải, F0 khi điều trị tại nhà, muốn liên hệ với cơ quan chức năng xin giấy xác nhận F0 đã là một áp lực, giờ lại phải tiếp tục liên hệ bác sĩ để được xin toa thuốc có chữ ký của người chịu trách nhiệm thăm khám, điều trị sẽ thêm bất tiện, kéo dài thời gian. Trong khi đó, bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là các trường hợp có triệu chứng, cần sử dụng thuốc càng sớm càng tốt để kháng virus, nếu chờ đợi xong các thủ tục có thể đã trễ thời gian sử dụng.

Nhà thuốc lo quy định "có toa mới bán" thuốc Molnupiravir gây khó cho bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).

Đại diện Long Châu cho biết, tại các nhà thuốc của hệ thống này đều có triển khai phiếu sàng lọc. Người đến mua Molnupiravir sẽ được nhân viên khảo sát về triệu chứng, bệnh nền của F0 để tư vấn việc có nên sử dụng thuốc kháng virus hay không, nên không có chuyện bán "bừa".

"Khó thực sự cho dân. Sở Y tế TPHCM cũng cố gắng tháo gỡ, bằng việc cho phép người dân sử dụng toa thuốc điện tử, nhưng cũng không phải dễ. Chúng tôi hy vọng Bộ Y tế sớm có quy định cụ thể để thống nhất quy định về việc bán thuốc Molnupiravir" - nguồn tin nói.

Còn đại diện truyền thông hệ thống Pharmacity lại cho rằng, yêu cầu cần có toa thuốc của Sở Y tế TPHCM là phù hợp, vì Molnupiravir có những tác dụng phụ không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng uống được thuốc. F0 cần được bác sĩ thăm khám, xác định tình trạng cụ thể, có bị bệnh nền gì ảnh hưởng xấu hơn nếu dùng thuốc hay không.

"Chúng tôi nghĩ việc có toa thuốc do bác sĩ kê sẽ giúp bảo vệ an toàn sức khỏe tốt hơn cho người dân" - phía Pharmacity nhận định.

Thuốc Molnupiravir "chợ đen" tung hoành

Việc siết chặt quy định bán thuốc Molnupiravir vô tình khiến một bộ phận người dân quay sang săn lùng loại thuốc này ở thị trường chợ đen.

Trên các diễn đàn buôn bán thuốc và ở các tài khoản cá nhân, thuốc Molnupiravir từ ngoại nhập đến "made in Vietnam" được vô tư chào bán với đủ mọi giá cả, biến động theo từng ngày, thậm chí từng giờ.

Thuốc Molnupiravir "made in Vietnam" hiện được rao đủ giá trên thị trường chợ đen (Ảnh: NVCC).

T. một đầu nậu thuốc trị Covid-19 chào giá thuốc Molnupiravir (hàng Ấn Độ) giá 1,2 triệu đồng/hộp, còn các loại thuốc Molnupiravir đang bán tại các nhà thuốc Việt giá 295.000 đồng/hộp (giá gốc 250.000 đồng). Giá này được cho biết đã rẻ hơn các ngày trước, muốn lấy bao nhiêu cũng có, thay vì chỉ được một hộp như đường chính ngạch.

Nếu mua cả hộp Movinavir (thành phần Molnupiravir 200mg) 100 viên do Mekophar sản xuất, giá từ 900.000 đồng đến một triệu đồng tùy lô. Trước đó, có thời điểm thuốc này được "hét" đến hơn 5 triệu đồng/hộp.

Còn T.V., chào giá cạnh tranh hơn khi chỉ 290.000 đồng/hộp và quảng cáo mình lấy trực tiếp từ công ty nên có giá tốt nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có nhiều người chốt hàng chục hộp.

Có thời điểm thuốc Movinavir do công ty Việt sản xuất bị "hét" hơn 5 triệu đồng/hộp (Ảnh: MXH).

Trao đổi với PV về vấn đề trên, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM nhận định, khi người dân mua thuốc trôi nổi sẽ ảnh hưởng chất lượng, hàm lượng không đảm bảo và từ đó gia tăng hiện tượng kháng thuốc, gây nguy hiểm cho y tế công cộng. Bệnh nhân vừa điều trị không có hiệu quả cho mình, ngược lại còn gây nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ thì vẫn có.

PGS Dũng mong người dân tỉnh táo, hiểu chỉ định khi nào cần dùng thuốc và tránh mua các thuốc chợ đen, thuốc không rõ nguồn gốc rao bán trôi nổi trên mạng. Các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có nhu cầu được tiếp cận thuốc, điều này sẽ giảm việc mua bán thuốc ở chợ đen, giảm tình trạng kháng thuốc.

Cơ quan chức năng có thể học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác để giúp bệnh nhân dễ tiếp cận thuốc, như cho phép bác sĩ tuyến cơ sở có thể chỉ định, hay đừng quá đặt nặng câu chuyện trách nhiệm, sẽ gây e dè cho bác sĩ khi cho toa.

"Tại một số quốc gia sẽ có bảng kiểm tra, khi các bác sĩ đánh giá F0 đầy đủ các tiêu chí cụ thể thì sẽ chỉ định cho mua thuốc. Và bệnh nhân khi có nhiều diễn biến, biến cố khác nhau, bác sĩ sẽ không phải chịu các biến cố này. Cách này vừa an toàn cho bệnh nhân, vừa đảm bảo việc quản lý thuốc chặt chẽ hơn" - chuyên gia đề xuất.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020