Chuyên mục  


Bệnh nhân đến phòng khám ngày 29/10, được cho uống hai viên thuốc "trục thai" không rõ loại, hẹn tái khám. Ngày 30/10, bệnh nhân quay lại, được một nữ bác sĩ khám, chỉ định tiêm thuốc và lấy thai. Trong lúc khám, bác sĩ báo thai lớn nên đây là ca khó, cần phải làm gói không đau, yêu cầu chuyển thêm 65 triệu đồng. Vì không đủ tiền, người nhà bệnh nhân gọi điện thoại đến Sở Y tế cầu cứu.

Ngày 31/10, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, cho biết Thanh tra Sở Y tế đã triển khai Quy trình phản ứng nhanh, kiểm tra đột xuất phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tháng Tám, địa chỉ 74 Cách Mạng Tháng Tám, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận êkíp điều trị cho bệnh nhân gồm một bác sĩ, một điều dưỡng. Bác sĩ cho biết đã khám chữa cho bệnh nhân, chỉ định thuốc dưỡng thai, thuốc bổ vitamin và sắt, "còn vấn đề tư vấn và cho thuốc đình chỉ thai thì không rõ".

Điều dưỡng xác nhận có tư vấn gói dịch vụ phá thai không đau cho bệnh nhân giá 65 triệu đồng, cao hơn giá tư vấn ban đầu là 10 triệu đồng, tự ý cho hai viên thuốc đình chỉ thai "Misoprostol 200mcg", không theo chỉ định của bác sĩ.

Thanh tra yêu cầu cơ sở phải tạm ngưng mọi hoạt động khám chữa bệnh từ thời điểm kiểm tra cho đến khi xử lý xong vụ việc. Người bệnh trên được đoàn kiểm tra gọi Trung tâm Cấp cứu 115 đến hỗ trợ, chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ tiếp tục điều trị.

Phòng khám đa khoa Tháng Tám. Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Phòng khám này được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh ngày 25/8/2022. Nơi này chỉ được phê duyệt danh mục kỹ thuật "phá thai bằng thuốc cho tuổi thai đến hết 7 tuần". Tuy nhiên, trước đó, bác sĩ (phụ trách) đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh trong hai tháng, kể từ ngày 25/9.

Theo ông Thượng, tại địa chỉ này, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Trong đó, năm 2022, cơ sở bị phạt vì hoạt động có biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định, người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện.

Năm 2023, nơi này bị xử phạt vì nhân viên không đeo biển tên, lập sổ khám chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 4 cá nhân có liên quan bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh có thời hạn.

Năm nay, phòng khám vi phạm quảng cáo có sử dụng từ ngữ "nhất" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, quảng cáo không được xác nhận nội dung trước khi thực hiện, người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh, lập sổ khám chữa bệnh không ghi chép đầy đủ. 6 người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có thời hạn.

Thanh tra Sở Y tế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an TP HCM điều tra xem xét truy tố các hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và quyền lợi của người dân. Vài ngày trước, Sở cũng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra trường hợp người phụ nữ 32 tuổi, phá thai tại Phòng khám Y học Sài Gòn, giá 5 triệu đồng, quá trình thủ thuật bị "dùng các chiêu trò, hù dọa gây sức ép" yêu cầu trả 17 triệu đồng.

Sở Y tế khuyến cáo người dân khi khám chữa bệnh, tra cứu vào trang tracuu.khambenh.gov.vn để biết các kỹ thuật mà phòng khám đã được phê duyệt, biết được bác sĩ hành nghề tại phòng khám.

Khi nghi ngờ phòng khám hoạt động không phép, bác sĩ hành nghề quá phạm vi cho phép, gọi đường dây nóng 0989401155 hoặc phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế kịp thời nắm bắt thông tin, kiểm tra đột xuất.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020