Chuyên mục  


Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 14/4, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Hội đồng chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tham dự Hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu chống độc Việt Nam cùng các bác sỹ đã tham gia trực tiếp vào công tác điều hành, chỉ đạo công tác điều trị bệnh nhân nặng tại các Trung tâm Hồi sức COVID-19 trên cả nước như bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai...

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, để có tình hình dịch bệnh được kiểm soát như hiện nay, đội ngũ các cán bộ y tế cả nước đã nỗ lực không ngừng.

Trong đó Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết, liên tục xây dựng các văn bản hướng dẫn để triển khai trên toàn quốc.

Tất cả mọi hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 đều được cập nhật các Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Hiện nay, tỷ lệ mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong trên cả nước đều giảm, các hoạt động kinh tế- xã hội, văn hoá, du lịch đang từng bước trở lại bình thường mới. Tuy nhiên, thách thức của ngành y tế vẫn là bệnh nhân nặng. Do đó, Hội thảo là nơi để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và rút ra những bài học kinh nghiệm cho đội ngũ các cán bộ y tế kế cận.

Nhắc lại những bài học từ dịch SARS năm 2003, khi thay mặt Bộ Y tế tuyên bố đóng của Bệnh viện Việt Pháp- nơi bùng phát dịch SARS, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: "Những bài học trong dịch SARS và dịch COVID-19 sẽ luôn mang lại những giá trị và ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho các giai đoạn mới."

[Ngày 14/4: Thành phố Hà Nội ghi nhận 1.677 ca mắc COVID-19]

Thông qua quá trình chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ khi bệnh nhân đầu tiên xuất hiện, đến việc thành lập các Đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ tại Sơn Lôi-Vĩnh Phúc; Thành lập Trung tâm điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 hội chẩn những ca bệnh nặng; Phân tầng điều trị, thành lập các Trung tâm Hồi sức điều trị COVID-19, đến việc điều phối nhân lực…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đề nghị các chuyên gia tiếp tục thảo luận và trao đổi về kinh nghiệm quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, phân tuyến điều trị, sử dụng nhân lực, trang thiết bị, các phương pháp kinh điển và phương pháp mới… để ngành Y tế luôn chủ động đối với các dịch bệnh mới nổi.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân nặng, sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ như HFNC, thảo luận điều trị bệnh nhân suy hô hấp nặng tại các Trung tâm Hồi sức điều trị Bệnh nhân COVID-19, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương...; nghe tham luận về kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng tại Thái Lan của đại diện Bệnh viện  Chulalongkorn, Thái Lan.

Theo bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, bệnh COVID-19 là bệnh hoàn toàn mới, giai đoạn đầu bệnh viện cũng bắt đầu điều trị bệnh nhân từ kinh nghiệm điều trị bệnh nhân SARS, cúm… Sau đó, việc điều trị được hoàn thiện từng bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế và trên thế giới.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm lớn nhất miền Bắc, đã điều trị trên 8.800 bệnh nhân COVID-19, trong đó số ca nhập ICU trên 2.100 bệnh nhân, có 63 ca ECMO, 671 ca tử vong, trong đó trên 82% ca tử vong tại Bệnh viện đều tuổi cao, bệnh nền, chưa tiêm vaccine./.

Lê Hảo (TTXVN/Vietnam+)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020