Bí đỏ nấu chín mềm được coi là thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu hóa - Ảnh minh họa
Chuyên gia khuyến cáo những thực phẩm dễ tiêu hóa thường có hàm lượng chất xơ và chất béo thấp. Chúng cũng thường nhẹ vị, không chứa nhiều axit hay cay nồng. Các loại thực phẩm mềm hoặc dễ nhai và nuốt thường dễ tiêu hóa hơn so với những loại khô, dai hoặc cứng.
Các loại thực phẩm dễ tiêu hóa giúp hệ tiêu hóa của bạn giảm bớt áp lực. Tiêu hóa đòi hỏi năng lượng, bao gồm năng lượng cơ học như nhai trong miệng và năng lượng hóa học như axit trong dạ dày và enzyme trong ruột non.
Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa khi bạn cảm thấy không khỏe, bị khó tiêu, hoặc gặp triệu chứng tiêu hóa khác như tiêu chảy, có thể giúp hệ tiêu hóa nghỉ ngơi. Điều này giúp cơ thể không phải làm việc quá sức trong quá trình tiêu hóa.
Dưới đây là một số nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa, phù hợp khi dạ dày hoặc ruột của bạn gặp vấn đề.
Các sản phẩm từ bột mì trắng
Hầu hết mọi người cần tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn, nhưng nếu bạn đang gặp rắc rối với hệ tiêu hóa, nên lựa chọn thực phẩm ít chất xơ.
Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt có thể làm tăng lượng thức ăn không tiêu hóa trong đường tiêu hóa và đẩy nhanh nhu động ruột, gây bất lợi nếu bạn có triệu chứng như đầy bụng và tiêu chảy.
Các sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng và mì ống trắng đã được loại bỏ thành phần chất xơ. Tạm thời chọn các loại thực phẩm ít chất xơ này có thể giúp ruột bạn nghỉ ngơi khi đang gặp khó chịu về tiêu hóa.
Trái cây gọt vỏ, đóng hộp hoặc hầm
Một vài loại trái cây giàu chất xơ thường khó tiêu hóa hơn. Chất xơ ở những loại trái cây này thường nằm ở vỏ và hạt. Ví dụ, quả mâm xôi là một trong những loại trái cây giàu chất xơ nhất bởi kích cỡ hạt khá lớn.
Các loại trái cây ít chất xơ có thể hữu ích hơn như chuối chín hoặc dưa đối với những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn hoặc tiêu chảy. Táo hoặc lê đã gọt vỏ cũng là một lựa chọn tốt với những ai đang gặp vấn đề về tiêu hóa.
Những loại trái cây mềm hơn như mận hầm hoặc đào đóng hộp cũng là lựa chọn tốt. Khi mua trái cây đóng hộp nên lựa chọn những sản phẩm nguyên miếng được đóng gói thay vì siro để hạn chế lượng đường bổ sung.
Rau nấu chín kỹ
Cũng giống như trái cây tươi, rau sống khó tiêu hóa hơn so với rau đã nấu chín. Khi rau được nấu chín, các thành tế bào thực vật trở nên mềm hơn, và các thành phần bên trong (như tinh bột) dễ dàng được enzyme tiêu hóa trong cơ thể xử lý, làm chúng nhẹ nhàng hơn với hệ tiêu hóa.
Một vài loại rau dễ tiêu hóa:
Bí xanh và bí đỏ (bỏ hạt); rau bina; khoai tây (bỏ vỏ); đậu que; củ dền; cà rốt.
Xúp, sinh tố và thức ăn được xay nhuyễn
Cách món ăn được chế biến có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa. Mặc dù các cách thay đổi kết cấu (như xay nhuyễn) không làm giảm hàm lượng chất xơ, chúng có thể làm nhỏ kích thước hạt xơ trong thực phẩm thực vật, giúp chúng dễ tiêu hóa hơn.
Ví dụ, cải xoăn sống dai và khó nhai, nhưng khi được nấu chín và xay nhuyễn thành xúp, chúng trở nên mềm mại hơn, dễ tiêu hóa hơn. Tương tự, trái cây nhiều xơ như dâu tây khi xay sinh tố cũng giảm độ cứng, giúp cho quá trình tiêu hóa trở nên dễ dàng hơn.
Ai nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa?
Có nhiều lý do để cần ăn thực phẩm dễ tiêu hóa. Sau phẫu thuật liên quan đến đường tiêu hóa, chế độ ăn thường bắt đầu từ chất lỏng, mềm, rồi chuyển sang thức ăn dễ tiêu trước khi quay lại ăn uống bình thường nhằm giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và hỗ trợ phục hồi.
Ngoài ra, thực phẩm này cũng hữu ích khi gặp triệu chứng như đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Những người mắc các bệnh như viêm túi thừa, viêm dạ dày, loét dạ dày, GERD, IBD, hoặc đang điều trị ung thư cũng có thể nên lựa chọn chế độ ăn này.
Các chuyên gia khuyên khi gặp các triệu chứng tiêu hóa, việc tạm thời chọn thực phẩm dễ tiêu hóa có thể hữu ích. Thực phẩm được nấu chín kỹ, ít chất xơ và chất béo thường dễ dung nạp hơn.
Tuy nhiên, không nên chỉ ăn thực phẩm dễ tiêu hóa quá lâu, vì điều này có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và hình thành những thói quen ăn uống không lành mạnh.
Hãy làm việc với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân gây triệu chứng. Sau đó cân nhắc gặp chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn cá nhân hóa, vừa đa dạng hóa chế độ ăn vừa kiểm soát triệu chứng.