Ngày 7/11, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết thành phố ghi nhận 349 trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh từ đầu mùa dịch, chiếm 24% tổng số ca mắc, đặc biệt là nhóm từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi từ ngày 31/8, sau khi UBND công bố dịch, góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi. Do đó, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế tiêm vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng hai mũi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Trẻ nhỏ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Lê Phương
Bộ Y tế yêu cầu TP HCM xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% tại các xã phường và tuân thủ các biện pháp an toàn. Giám sát chặt chẽ, đảm bảo không bỏ sót trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ đang nằm viện. Vaccine tiêm sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng là vaccine đơn giá được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thành phố tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Ngoài ra, ngành y tế vừa bổ sung 2 nhóm mới vào chiến dịch, gồm người trong lớp học có ca mắc sởi tại trường, người chăm sóc người suy giảm miễn dịch tại các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc các trại cai nghiện.
Tuần qua, TP HCM ghi nhận 141 ca sởi, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên gần 1.500. Ca sởi từ các tỉnh nhập viện thành phố đang tăng nhanh. Ngành y tế kêu gọi các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi và người thân trong gia đình này cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi để bảo vệ cho trẻ khi trẻ chưa đủ tuổi được tiêm chủng.
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.
Lê Phương