1. Vai trò của tập luyện với người viêm VA
Giảm triệu chứng:
- Giảm sưng đau: Tập thể dục giúp người bệnh viêm VA giải phóng endorphin, một loại hormone có tác dụng giảm đau tự nhiên, cải thiện lưu thông máu, giúp giảm sưng và viêm.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Khi tập thể dục, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều tế bào bạch cầu hơn, giúp chống lại nhiễm trùng.
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Tập thể dục giúp người bệnh ngủ ngon hơn, điều này có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm VA .
Phòng ngừa tái phát:
- Tăng cường sức khỏe: Tập thể dục giúp tăng cường hệ miễn dịch, điều này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm VA và các bệnh nhiễm trùng khác.
- Giảm căng thẳng : Căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Tập thể dục là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng
Cũng giống như việc tập luyện, massage mang lại hiệu quả giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện tâm trạng.
Bên cạnh đó, massage còn có tác dụng giảm đau, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Massage có thể giúp cải thiện lưu thông máu đến họng và VA, giúp đưa oxy và chất dinh dưỡng đến các mô bị ảnh hưởng và hỗ trợ quá trình phục hồi.
Hình ảnh viêm VA.
2. Bài tập tốt cho người bệnh
- Dưỡng sinh
+ Xoa mũi
Tư thế: Ngồi hoa sen hoặc ngồi xếp bằng, giữ lưng thẳng.
Cách thực hiện:
- Dùng hai ngón trỏ và giữa xoa thân mũi từ dưới lên và từ trên xuống; đồng thời hít vào - thở ra mạnh, 5 – 10 lần.
- Để ngón tay trỏ ấn vào chỗ giáp giới giữa xương và sụn ở thân mũi, day 10 lần.
- Day huyệt nghinh hương 10 lần. Dùng ngón tay trỏ (chiều dài ngón tay trỏ) bên này xoa chân cánh mũi bên kia 10 lần. Bẻ rồi vuốt đầu mũi qua lại 5 – 10 lần.
Người viêm VA tự xoa mũi giúp giảm tắc nghẽn.
+ Xoa cổ
Tư thế: Ngồi hoa sen hoặc ngồi xếp bằng.
Cách thực hiện:
- Ngửa cổ mặt ngó lên trời, một bàn tay xòe ra, ngón cái một bên, 4 ngón kia một bên.
- Dùng 2 bàn tay luân phiên xoa từ dưới cằm đến trên xương ức 10 – 20 lần.
- Day ấn huyệt thiên đột 10 – 20 lần.
- Yoga
+ Tư thế cánh cung
Cách thực hiện:
- Nằm sấp với hai tay đặt bên cạnh, lòng bàn tay hướng lên.
- Co đầu gối và lấy tay nắm giữ cổ chân .
- Nhấn xương mu xuống, kéo bụng dưới vào trong và hướng lên.
- Khi hít vào, nắm chặt cổ chân trong tay, nâng ngực và đùi, trượt bả vai xuống, về phía sau để mở ngực.
- Giữ tư thế một vài nhịp thở, hít vào thông qua ngực và xương sườn. Khi thở ra, thả lỏng cổ chân, nhẹ nhàng nằm sấp xuống bụng trong một vài nhịp thở.
Tư thế cánh cung.
+ Tư thế cây cầu
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, cong đầu gối, úp bàn chân xuống sàn, đặt cách hông một khoảng cách thoải mái. Đặt cánh tay dọc theo hai bên cạnh xương sườn.
- Có thể uốn cong khuỷu tay 90 độ để các ngón tay hướng lên trần nhà hoặc giữ chặt các cạnh ngoài của thảm.
- Khi hít vào, ấn lưng - vai và chân xuống sàn, nâng hông lên. Nhấn cạnh phía trong của bàn chân xuống một cách chủ động, giữ cho đầu gối không dang rộng ra,
- Có thể đan hai tay lại dưới lưng. Giữ tư thế trong 5 – 15 nhịp thở.
- Để thoát khỏi tư thế, thả hai tay ra, đồng thời thở ra, cuộn cột sống xuống.
Tư thế cây cầu.
+ Tư thế lạc đà
Cách thực hiện:
- Quỳ trên hai đầu gối, khoảng cách đầu gối rộng ngang hông, sau đó nhón các ngón chân lên.
- Ngả người ra sau, đưa hai tay bám vào gót chân , nâng ngực, siết cơ đùi trong và giữ tư thế trong vài nhịp thở.
- Hít vào để nâng người lên trở lại, sau đó ngồi trên gót chân với cột sống thẳng ở giữa trong giây lát.
Tư thế lạc đà.
+ Tư thế chân dựa tường
Cách thực hiện:
- Đặt chăn mềm hoặc thảm tập yoga trên sàn nhà, cạnh chân tường và có thể sử dụng 1 chiếc gối nhỏ để kê đầu khi cần thiết.
- Nằm ngửa với mông đặt gần sát tường. Tốt nhất là phần xương cụt vẫn còn đặt trên sàn nhà còn phần mông càng gần tường càng tốt.
- Giữ lưng, đầu thẳng hàng và vuông góc với tường, giơ cao chân, dựa sát vào tường, bàn chân ở tư thế song song với sàn nhà, thả lỏng gối. Lúc này người tập sẽ cảm thấy 2 chân căng ra.
- Từ từ hít thở sâu, thư giãn trong thời gian 2 – 3 phút hoặc duy trì động tác này lâu hơn nếu đã thích nghi.
- Khi đã hoàn thành mục tiêu, từ từ thoát khỏi tư thế gác chân lên tường. Sau đó cẩn thận, nhẹ nhàng chuyển sang tư thể ngồi, giữ yên trong ít nhất 30 giây.
Tư thế gác chân lên tường.
- Các hoạt động thể chất khác
Người bệnh viêm VA có thể luyện tập một số hoạt động thể chất sau:
- Đi bộ
- Bơi lội
- Đi xe đạp
- Thái cực quyền
3. Một số bài tập vận động phù hợp với trẻ em viêm VA
Trẻ em bị viêm VA cần lựa chọn bài tập vận động nhẹ nhàng, tránh gây căng thẳng cho hệ hô hấp. Dưới đây là một số bài tập phù hợp cho trẻ:
- Đi bộ trong công viên hoặc quanh nhà
- Các bài tập giãn cơ đơn giản như chạm ngón chân, duỗi cánh tay và xoay người
- Nhảy dây nhẹ nhàng
- Hít sâu vào bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng, có thể thực hiện khi đứng hoặc ngồi.
- Sử dụng bóng yoga để thực hiện các động tác như ngồi lên bóng và lăn nhẹ nhàng...
4. Những lưu ý khi tập luyện
Thời điểm tập tốt nhất trong ngày
Nên tập vào buổi sáng sớm giúp cơ thể sản sinh ra các hormone endorphin, có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và mệt mỏi để người tập bắt đầu một ngày mới với tinh thần sảng khoái, tràn đầy năng lượng. Không nên tập quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây ra khó ngủ .
Không tập khi cơ thể đang mệt mỏi, đói bụng hoặc sau khi ăn no
- Khả năng tập trung và sức mạnh cơ bắp có thể giảm đi khi cơ thể đang mệt mỏi. Nếu tập luyện trong tình trạng này, nguy cơ chấn thương sẽ tăng cao và lợi ích của bài tập không được tận dụng tối đa.
- Người tập có thể gặp vấn đề về năng lượng khi tập lúc bụng đói. Khi đó, việc tập luyện có thể làm giảm hiệu suất và tạo cảm giác mệt mỏi nhanh chóng.
- Sau khi ăn, máu được tập trung đưa đến dạ dày và ruột, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Tập thể dục ngay sau khi ăn no có thể làm cho dạ dày bị co thắt, gây cảm giác khó chịu hoặc buồn nôn.
Việc tập luyện thể lực tốt nhất nên được thực hiện ít nhất 1 - 2 giờ sau bữa ăn. Hãy đảm bảo cơ thể đang ở trong tình trạng năng lượng tốt. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc đói bụng, hãy nghỉ ngơi và cân nhắc tập luyện sau khi cơ thể đã phục hồi, được cung cấp đủ năng lượng.
Người mắc bệnh VA không nên thực hiện các bài tập sau khi ăn no.
Cách tập luyện thể lực không gây hại sức khỏe
- Cần lựa chọn các hoạt động phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân.
- Khởi động kỹ trước khi tập luyện, luôn bắt đầu từ từ, tập với cường độ thấp và tăng dần theo thời gian. Các động tác yoga nên tập luyện theo sự hướng dẫn của giáo viên có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.
- Cần dừng tập ngay nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu.
- Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện.
- Tránh tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
- Đối với trẻ em, cần tạo môi trường vui vẻ, thoải mái để trẻ ham thích tham gia tập luyện, hướng dẫn trẻ rõ ràng với ngôn ngữ đơn giản và hình ảnh minh họa nếu có thể, theo dõi sát quá trình tập luyện để đảm bảo an toàn và hiệu quả
- Việc tập luyện luôn phải đi đôi với chế độ ăn, chế độ sinh hoạt hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ
5. Cách massage tốt cho người bệnh
Có nhiều cách khác nhau để massage cho người viêm VA. Dưới đây là một số kỹ thuật massage đơn giản người bệnh có thể áp dụng:
- Massage quanh mũi: Đặt ngón tay trỏ và ngón tay giữa hai bên cánh mũi, nhẹ nhàng di chuyển ngón tay theo chuyển động tròn nhỏ, từ dưới lên trên, từ cánh mũi lên tới vùng trán giữa lông mày.
- Massage xoang trán: Đặt ngón tay trỏ và ngón tay giữa lên vùng trán ngay trên lông mày, xoa từ giữa trán ra hai bên thái dương.
- Massage vùng ngực: Đặt tay lên vùng ngực và nhẹ nhàng xoa theo chiều kim đồng hồ kết hợp với hít thở sâu.
- Ấn hoặc day các huyệt nghinh hương, tỵ thông, toán trúc, thái dương, ế phong, phong trì, hợp cốc.
Lưu ý
- Nên massage khi người bệnh đã ăn no và nghỉ ngơi đầy đủ
- Đảm bảo phòng massage ấm áp, yên tĩnh và thoải mái
- Dùng dầu massage có nguồn gốc tự nhiên và không gây dị ứng
- Bắt đầu với những động tác nhẹ nhàng và tăng dần lực ấn theo thời gian
- Tránh massage ở các vùng da bị bầm tím, sưng tấy hoặc có vết thương hở...