Chuyên mục  


"Chức năng gan của người hiến rất tốt, đưa người đàn ông nhận tạng vào phòng mổ trước để lấy bỏ gan cũ ra ngoài, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để đón em bé từ Sóc Trăng đến", TS.BS Trần Công Duy Long, 48 tuổi, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật và Ghép gan, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, nói qua điện thoại cùng êkíp sau khi hoàn tất lấy gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hồi tháng 8.

Khoảng 50 người gồm phẫu thuật viên, gây mê, dụng cụ phòng mổ, chẩn đoán hình ảnh... chạy giữa các phòng mổ trong đêm để chuẩn bị 3 ca đại phẫu cùng lúc. Khi bác sĩ Long mang gan từ Chợ Rẫy về tới Bệnh viện Đại học Y dược, lúc khoảng 10h đêm 22/8, người nhận tạng đã được đưa vào phòng mổ.

Hơn một giờ sau, hoàn tất việc chia đôi lá gan, anh đưa phần gan phải lớn hơn sang ghép thay thế lá gan đã hỏng do ung thư gan, xơ gan giai đoạn cuối của người đàn ông. Lúc này, bé gái một tuổi từ Sóc Trăng, bị xơ gan ứ mật, cũng kịp vượt khoảng 200 km đến viện. Khoảng 1h sáng, một kíp mổ khác bắt đầu ghép phần gan trái còn lại với diện tích nhỏ hơn cho bé. Đến sáng, các thành viên mới thở phào vì hoàn tất những việc khó "chưa bao giờ thực hiện".

Đây là lần đầu bác sĩ Long chỉ huy ê kíp mổ tách đôi gan và ghép đồng thời cho hai bệnh nhân. "Lúc làm việc căng thẳng không biết mệt, đến khi xong ai nấy mới thấy mệt rã rời, nhưng rất vui vì đã cứu được hai sinh mệnh, nhiều người nhìn lại còn bảo không hiểu vì sao có thể làm được", bác sĩ nói, ngày 2/12, khi nhớ lại không khí "như một trận đánh lớn", "chạy như con thoi giữa các phòng mổ" hôm ấy.

TS.BS Trần Công Duy Long và lá gan trước khi mổ tách đôi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Năm 2023, trong chuyến huấn luyện về phẫu thuật lấy gan ít xâm lấn ở Nhật Bản, bác sĩ Long được tham gia một ca tách đôi gan từ người hiến chết não. Ấn tượng rất lớn, anh ấp ủ mong muốn có thể sớm triển khai tại Việt Nam nhưng chưa có cơ hội. Đến khi nhận thông tin Bệnh viện Chợ Rẫy có trường hợp hiến tạng chết não, Bệnh viện Đại học Y dược lại có đến hai trường hợp đứng đầu danh sách ưu tiên, anh nghĩ ngay đến việc chia đôi lá gan.

Khi đó, bác sĩ Long đã có kinh nghiệm đã thực hiện khoảng 40 ca ghép gan người lớn và gần 20 ca ghép gan trẻ em, đều từ người hiến sống. Điều này giúp anh khá hiểu nguyên lý tách và ghép gan ở cả người lớn lẫn trẻ em. Lá gan có hai thùy trái phải, cấu trúc mạch máu và ống mật chủ riêng biệt nhưng có thể kết nối. Trước nay, người lớn thường được lấy thùy gan phải để ghép, trẻ em chủ yếu lấy gan trái. Bởi, gan bên phải lớn hơn, chiếm khoảng 60-70% thể tích gan, còn gan trái chiếm 30-40%.

Do tình trạng của nam thanh niên hiến tạng tại Chợ Rẫy không cho phép kéo dài lâu, bác sĩ Long không thể chia tách gan trực tiếp trên cơ thể người hiến, chỉ có thể đến mổ lấy gan mang về phẫu tích trên mâm phẫu thuật. So với chia gan trực tiếp trên cơ thể người hiến, việc tách gan bên ngoài khó khăn, đối diện nhiều rủi ro hơn. Trong cơ thể, gan được tưới máu bình thường, các mạch máu phồng lên giúp thấy rõ cấu trúc giải phẫu hơn, hai phần gan sau tách được mang ra ngoài bảo quản lạnh rồi đem về chỉ việc ghép vào.

Đưa gan về tách ngoài cơ thể, đòi hỏi ê kíp phải khéo léo hơn, tách đảm bảo các cuống mạch sống được cả hai gan. Bác sĩ còn phải áp lực làm thật chính xác, phối hợp tính toán để giảm thời gian gan bị thiếu máu lạnh. Chưa kể, gan ghép xong khi tái tưới máu có thể xảy ra tình trạng chảy máu, đòi hỏi phải cầm máu thật tốt. Tách gan trong cơ thể tối ưu hơn, nhưng tách gan ngoài cơ thể vẫn diễn ra phổ biến hơn.

"Cùng lúc mổ tách gan và ghép cho hai bệnh nhân, chúng tôi phải khẩn trương tính toán sát sao từng giờ, từng phút bởi gan sau khi lấy ra khỏi cơ thể phải được ghép càng sớm càng tốt", bác sĩ Long nói.

Nếu không tách đôi, đem nguyên lá gan ghép cho một người, êkíp khỏe hơn rất nhiều, nhưng không thể "nhân đôi sự sống". Trong khi đó, tạng hiến của người chết não là món quà vô giá, xuất phát từ nghĩa cử rất cao đẹp, anh và đồng nghiệp "luôn trăn trở làm sao để phát huy ý nghĩa và giá trị cao nhất". Đến nay, hai người bệnh đều hồi phục tốt sau ghép, bắt đầu cuộc sống mới với một phần gan của người hiến trong cơ thể. Người đàn ông nhận gan được xuất viện trước, đã ghé thăm em bé cùng chia nửa lá gan với mình.

Người đàn ông nhận một nửa lá gan, khi xuất viện đã ghé thăm em bé cùng chia gan với mình. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Từ kinh nghiệm trường hợp đầu tiên, đến khi thực hiện ca chia gan thứ hai, trực tiếp ngay trên cơ thể người hiến là chàng trai 18 tuổi chết não tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) hôm 26/11, êkíp bác sĩ Long phối hợp thuận lợi với nhóm TS.BS Ninh Việt Khải từ Bệnh viện Việt Đức.

Phần gan phải được bác sĩ Khải mang về Hà Nội ghép cho bệnh nhân người lớn. Phần gan phải được bác sĩ Long ghép cho bệnh nhi 3 tuổi tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Bé gái có chỉ định ghép gan gần hai năm qua, song bố mẹ đều không phù hợp để hiến, hai tháng trước cấp cứu và điều trị một tháng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì xuất huyết tiêu hóa, tưởng chừng không qua khỏi.

Việc chia gan trong cơ thể người hiến chết não đòi hỏi phải phối hợp tốt với các êkíp lấy tạng khác. Thông thường, thứ tự lấy tạng lần lượt là tim, gan, thận. Lần này, kíp lấy gan được ưu tiên vào cuộc trước, vì chia gan sẽ phức tạp và tốn thời gian nhất. Bác sĩ Long và bác sĩ Khải phối hợp chia tách, bởi gan có chung một ống mật, phần gan người lớn được ưu tiên nhiều hơn.

Khoảng 30 phút, đang tách gan nửa chừng thì huyết áp người hiến tạng tụt, nguy cơ ngưng tim tử vong, sẽ làm hỏng toàn bộ các tạng hiến. Trong lúc kíp gây mê hồi sức nỗ lực nâng huyết áp, kíp lấy gan quyết định đặt ống nước rửa tạng vào sẵn động mạch lớn nhất, cũng như đặt sẵn ống đầu ra ở tĩnh mạch, để nếu rủi ro sẽ khởi động ngay hệ thống tưới rửa tạng.

Dù chưa hoàn thiện việc tách gan, hai bác sĩ chủ động ra ngoài để đội lấy tim vào cuộc trước. Sau khi tim được lấy ra ngoài, kíp gan quay vào tiếp tục lấy gan rồi đến nhóm lấy thận, giác mạc. Thay vì tổng thời gian lấy tạng khoảng 3 giờ, các bác sĩ tốn 4 giờ vì thêm thời gian chia gan, song hai phần tạng chia tách đã giúp hồi sinh hai cuộc đời.

Bác sĩ Long mang thùng chứa nửa lá gan từ chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng từ Bệnh viện Thống Nhất về Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Long, nhiều nghiên cứu trên thế giới ghi nhận việc ghép gan tách đôi và ghép nguyên lá gan có hiệu quả tương tự nhau. Gan có khả năng phát triển, tăng sinh, lớn lên trong cơ thể. Đa số người lớn cần ghép một thùy gan phải, trẻ em dưới 20 kg cần một thùy gan trái là đủ. Chỉ một số ít trường hợp đòi hỏi phải ghép nguyên lá gan, như bệnh nhân quá to cao, cần mảnh gan kích thước lớn, hoặc tình trạng bệnh quá nghiêm trọng, cần mảnh ghép rất mạnh. Do đó, tùy từng ca cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc ưu tiên cả lá gan hay có thể chia tách.

Gan trái vẫn có thể tiếp tục chia đôi nếu ghép cho trẻ vài tháng tuổi, chỉ cần diện tích mảnh ghép rất nhỏ, với điều kiện bác sĩ phải có tay nghề rất cao. Điều này có nghĩa một lá gan của người hiến chết não có thể cứu 3 người, gồm một người lớn và hai trẻ em.

Hiện nay, số người hiến tạng chết não tại Việt Nam đang tăng dần mỗi năm, nhờ người dân ngày càng hiểu được ý nghĩa cao đẹp của hành động này, cũng như thêm nhiều bệnh viện được huấn luyện đánh giá chết não và hồi sức chết não, chính sách điều phối tạng ghép ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận cản trở lớn trên con đường phát triển ghép tạng Việt Nam là thiếu tạng ghép. Tỷ lệ hiến tạng trên một triệu dân Việt Nam năm 2023 là 0,15% (nghĩa là 10 triệu người mới có 1,5 người chết hiến tạng), chỉ bằng 1/300 của Tây Ban Nha và 1/40 của Thái Lan, thuộc nhóm nước thấp nhất trên thế giới.

"Số bệnh nhân chờ ghép gan trong danh sách ngày càng nối dài, việc chia tách gan là xu hướng phát triển tất yếu, đòi hỏi các bác sĩ phải nỗ lực không ngừng để cứu thêm nhiều người bệnh", bác sĩ Long nói, tin rằng lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020