Chuyên mục  


dpvacxincovid-17152166632762068196492.jpg

Vắc xin AstraZeneca từng cứu mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có Việt Nam - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thông tin này được phát ra không lâu sau khi AstraZeneca thừa nhận vắc xin do họ sản xuất có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm dù rất hiếm gặp.

AstraZeneca giải thích việc loại bỏ vắc xin này khỏi thị trường đơn thuần xuất phát từ lý do thương mại. Công ty này cho biết vắc xin AstraZeneca đã không còn được sản xuất hay phân phối và đã được thay thế bằng các loại vắc xin cập nhật nhằm đối phó với các biến thể mới.

"Niềm tự hào của nước Anh"

Theo báo Independent, vắc xin COVID-19 được AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford và do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Loại vắc xin này đã được cấp phép trên hơn 150 quốc gia, trong đó có Anh và Ấn Độ.

Ca tử vong đầu tiên được xác nhận do COVID-19 gây ra được cho xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 1-2020. Đến ngày 11-2 cùng năm, giáo sư Sarah Gilbert và Andy Pollard (cùng thuộc Đại học Oxford) dẫn đầu nhóm nghiên cứu nhằm phát triển và sản xuất một loại vắc xin giúp bảo vệ con người khỏi loại vi rút Corona chết người khi đó đang lây lan trên khắp thế giới.

Một số nghiên cứu trong thời kỳ đại dịch cho thấy loại vắc xin này có hiệu quả từ 60 đến 80% trong việc bảo vệ chống lại chủng vi rút Corona mới khi ấy.

Báo Guardian đưa tin việc tạo ra vắc xin COVID-19 là một hành trình đáng ghi nhận với nhóm chuyên nghiên cứu về vắc xin tại Đại học Oxford. Cùng với đó, hai lãnh đạo của nhóm là bà Gilbert và ông Pollard đã có nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo ra một loại vắc xin với giá rẻ, dễ phân phối, cũng như đã bảo vệ thành quả của mình trước những nghi ngờ từ nhiều học giả và các chính trị gia.

Vắc xin AstraZeneca chỉ một năm sau khi bắt đầu việc nghiên cứu đã được tiêm cho hàng triệu người trên khắp nước Anh và tại nhiều quốc gia khác. Đến tháng 2-2021, giáo sư Kate O'Brien - người đứng đầu bộ phận tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - mô tả loại vắc xin này là "hiệu quả" và "là một loại vắc xin quan trọng đối với thế giới".

Vào thời điểm đó, một số nhà quan sát Mỹ đã chỉ trích quy trình thử nghiệm của vắc xin AstraZeneca, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng về việc loại vắc xin này "gần như không hiệu quả" đối với những người trên 65 tuổi.

Tuy nhiên, WHO cùng lúc đó cũng bác bỏ kiên quyết các nghi ngờ này và khuyến nghị việc sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Vào tháng 12-2021, thủ tướng Anh lúc ấy Johnson khen ngợi các nhà khoa học đứng sau vắc xin AstraZeneca là "xuất sắc" khi loại vắc xin này đã "cứu sống hàng triệu người".

Một năm sau khi được phê duyệt sử dụng tại Anh (30-12-2020), hơn 50 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được sử dụng trên khắp nước Anh và khoảng 2,5 tỉ liều trên khắp thế giới. Ông Johnson nói nước Anh "có thể vô cùng tự hào" về những nhà khoa học đã tạo ra vắc xin này.

italia-vacin-astra-1715216762498657619315.jpg

Ý viện trợ vắc xin cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX vào tháng 9-2021 - Ảnh: Twitter

Uy tín giảm dần

Tháng 3-2021, các nhà khoa học lần đầu tiên xác định được mối liên hệ giữa vắc xin AstraZeneca và biến chứng giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do tiêm vắc xin COVID-19 (Vaccine Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia: VITT), thời gian ngắn sau khi loại vắc xin này được triển khai.

Cùng vào tháng 3-2021, AstraZeneca thông báo việc điều chỉnh lại mức độ hiệu quả của vắc xin, cho biết vắc xin này có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 là 76% thay vì con số 79% trước đó và ở mức 85% đối với nhóm tuổi từ 65 trở lên.

Trước đó, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAD) Anthony Fauci đã bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của loại vắc xin này. Tuy nhiên trong một thông cáo vào tháng 3-2021, WHO cho biết lợi ích của vắc xin AstraZeneca lớn hơn rủi ro và khuyến nghị nên tiếp tục tiêm chủng. Cơ quan này lưu ý rằng việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không làm giảm bệnh tật hoặc tử vong do các nguyên nhân khác và các biến cố xuất hiện huyết nói chung cũng thường xảy ra.

Tháng 4-2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra kết luận các cục máu đông bất thường, kèm theo lượng tiểu cầu trong máu thấp, phải được liệt kê là tác dụng phụ rất hiếm gặp của Vaxzevria. EMA khuyến nghị chuyên gia chăm sóc sức khỏe và những người được tiêm vắc xin lưu ý về khả năng xảy ra các trường hợp đông máu "rất hiếm gặp", kết hợp với lượng tiểu cầu trong máu thấp, xảy ra trong vòng hai tuần sau khi tiêm chủng.

Những người đã được tiêm vắc xin được khuyến cáo nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu họ xuất hiện các triệu chứng của tình trạng nêu trên.

Trong bối cảnh đó, Đài DW (Đức) tháng 3-2021 đưa tin Đức, Ý và Pháp đã ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa COVID-19. Các nước Iceland, Ireland và Bulgaria khi đó cũng có động thái tương tự, trong khi Na Uy và Thụy Điển đã tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca cho đến khi cơ quan y tế của họ có thể đánh giá được tình hình.

Các nước châu Âu khác như Estonia, Lithuania, Luxembourg, Latvia và Romania cũng đã đình chỉ sử dụng một lô vắc xin AstraZeneca, sau khi Áo ra quyết định dừng tiêm vắc xin từ lô này khi có ghi nhận một trường hợp tử vong do đa huyết khối 10 ngày sau khi tiêm, cùng một trường hợp khác phải nhập viện vì tắc mạch phổi sau tiêm.

Cùng vào tháng 3-2021, Canada đình chỉ việc sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho những người dưới 55 tuổi vì lo ngại tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến các cục máu đông. Tiến sĩ Shelley Deeks, phó chủ tịch Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng (Canada), khi đó cho biết dữ liệu mới từ châu Âu cho thấy nguy cơ đông máu hiện có khả năng cao tới 1/100.000, cao hơn nhiều so với nguy cơ 1/1 triệu được tin tưởng trước đây.

vac-xin-covidttd-17152168185241946714307.jpg

Chích ngừa vắc xin AstraZeneca đợt đầu tiên cho người dân ở TP.HCM vào tháng 6-2021 - Ảnh: T.T.D.

Và rút lui

Như vậy, AstraZeneca đã không còn được sử dụng ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sau khi chính hãng dược này đã tự nguyện nộp đơn xin rút "quyền tiếp thị" vào ngày 5-3-2024. Việc này có hiệu lực từ hôm 7-5.

Tờ Telegraph nhận định động thái rút vắc xin khỏi thị trường của AstraZeneca là dấu chấm hết cho việc sử dụng loại vắc xin COVID-19 từng được cựu thủ tướng Anh Boris Johnson gọi là "chiến thắng cho khoa học Anh" và được ghi nhận đã cứu sống hơn 6,5 triệu nhân mạng trong năm đầu tiên sản xuất.

Trước đó vào tháng 2-2024, AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây ra tác dụng phụ hình thành huyết khối hiếm gặp. AstraZeneca bị hàng chục nguyên đơn kiện lên tòa án ở Anh, cáo buộc vắc xin COVID-19 của công ty này gây ra nhiều ca tử vong và thương tật nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trong tuyên bố quyết định thu hồi vắc xin, AstraZeneca khẳng định động thái này không liên quan đến việc kiện tụng vừa nêu và cũng không liên quan đến chuyện thừa nhận vắc xin của hãng có tác dụng phụ, thay vào đó nói rằng thời điểm của các sự vụ trên chỉ là sự trùng hợp.

"Chúng tôi vô cùng tự hào về vai trò của Vaxzevria trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu. Theo các ước tính độc lập, hơn 6,5 triệu sinh mạng đã được cứu chỉ trong năm đầu tiên vắc xin được đưa vào sử dụng và hơn 3 tỉ liều đã được cung cấp trên toàn thế giới...

Nỗ lực của chúng tôi đã được chính phủ của nhiều nước trên thế giới công nhận và được xem là một yếu tố quan trọng góp phần chấm dứt đại dịch (COVID-19) trên toàn cầu", báo Telegraph dẫn thông cáo của AstraZeneca.

Trong khi đó, Chính phủ Anh đã cho ngừng phần lớn việc sử dụng vắc xin AstraZeneca vào mùa thu năm 2021 - thời điểm hơn 50 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được phân phối ở Anh. Các loại vắc xin COVID-19 được đưa vào sử dụng thay thế tại Anh là Pfizer và Moderna, nhằm đáp ứng kịp thời cho chiến dịch tiêm chủng tăng cường vào cuối năm 2021.

do-hoa-1715216953575278721034.jpg

Nguồn: COVID-19 Vaccine Tracker - Dữ liệu: NGHI VŨ - Đồ họa: TUẤN ANH

"Đã cứu sống hàng triệu người, không nên bị lãng quên"

Trong những tranh cãi về AstraZeneca ở giai đoạn cuối, thế giới vẫn thừa nhận đóng góp của loại vắc xin do hãng này sản xuất với biết bao người trên thế giới trong đại dịch.

Hôm 8-5, tờ Guardian dẫn lời giáo sư Catherine Bennett, người đứng đầu mảng dịch tễ học tại Đại học Deakin (Úc), nhận định vắc xin của AstraZeneca đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là trong những ngày đầu của đại dịch khi số lượng vắc xin còn hạn chế.

"Nó đã cứu sống hàng triệu người và điều đó không nên bị lãng quên", bà Bennett nhấn mạnh.

Một số lời từ chối

* Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca chưa bao giờ được chấp thuận sử dụng tại Mỹ.

* Báo Guardian hồi tháng 7-2022 đưa tin Canada đã phải bỏ đi 13,6 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca dù nước này khi đó đang không đủ cung cho nhu cầu tiêm chủng. Trước đó, năm 2020 Canada đã ký hợp đồng với AstraZeneca cho 20 triệu liều vắc xin và 2,3 triệu người Canada thời điểm đó đã được tiêm ít nhất một liều.

Tuy nhiên, sau những lo ngại trong nửa đầu năm 2021 về tình trạng hình thành huyết khối hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong do vắc xin AstraZeneca, Canada đã tập trung vào việc sử dụng nguồn cung cấp vắc xin mRNA từ Pfizer-BioNTech và Moderna.

* Tại Úc, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã không còn được sử dụng từ tháng 3-2023, mặc dù việc sử dụng loại vắc xin này tại đây đã được ngừng từ tháng 6-2021, khi có sự phổ biến rộng rãi của các loại vắc xin mới hơn.

* Tại Singapore, Bộ trưởng Y tế On Ye Kung của đảo quốc này hồi tháng 4-2023 xác nhận Singapore chưa cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Nhớ những liều vắc xin trong tình huống khẩn cấp

Tại thời điểm được cấp phép ở Việt Nam, vắc xin COVID-19 do AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời đây cũng là loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Việt Nam đã hết vắc xin COVID-19 của AstraZeneca

Sau thông tin thu hồi vắc xin AstraZeneca, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho hay tại Việt Nam đã không còn sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca để tiêm chủng từ tháng 7-2023. "Từ tháng 7-2023, số vắc xin COVID-19 do hãng này sản xuất đã không còn hạn sử dụng. Theo quy định an toàn tiêm chủng, vắc xin đã không còn được sử dụng để tiêm chủng phòng COVID-19", vị này cho hay.

Về thông tin hãng dược AstraZeneca thu hồi vắc xin trên toàn thế giới, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng cho hay hiện Việt Nam đã không còn sử dụng loại vắc xin này. Số vắc xin được cấp phép lưu hành trước đó đã hết hạn sử dụng.

Sau đó, vắc xin COVID-19 của AstraZeneca không tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện chỉ còn một số loại vắc xin còn hạn sử dụng được lưu trữ để sử dụng trong phòng chống dịch COVID-19.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM đã hết vắc xin AstraZeneca từ tháng 6-2023. Đồng thời hiện nay TP đã không còn vắc xin COVID-19 dự trữ.

Ông Nguyễn Trung Hòa, giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho biết tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp từ lâu rồi đã không tiêm vắc xin AstraZeneca. Tháng trước, trung tâm còn khoảng 100 liều vắc xin Pfizer nên đã vận động người dân là những người cao tuổi, có bệnh nền để tiêm những liều vắc xin còn lại này.

Ông Lê Phước Hùng, giám đốc Trung tâm Y tế quận 1, cho biết hiện Trung tâm Y tế quận 1 cũng đã hết các loại vắc xin phòng COVID-19 nên hiện không tiêm cho người dân. Ông Hùng cũng cho biết hiện nay rất ít người dân có nhu cầu tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Còn tại Hà Nội, lãnh đạo CDC Hà Nội cũng cho hay địa phương đã không tiếp nhận vắc xin AstraZeneca từ giữa năm ngoái. "Từ đầu năm đến nay, chúng tôi vẫn gửi dự trù vắc xin COVID-19 để nhận phân bổ vắc xin. Tuy nhiên mỗi đợt cũng chỉ nhận về 2-3 lọ để tiêm bổ sung cho đối tượng nguy cơ cao. Loại vắc xin sử dụng là Pfizer", lãnh đạo CDC Hà Nội thông tin.

dpvacxin-5-17152169962522116014973.jpg

Ngày 24-2-2021, lô vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Liều vắc xin phòng dịch, tiếp niềm tin

Thời điểm bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam gây ra cái chết cho hàng ngàn người, vắc xin phòng COVID-19 được coi là một trong những "lá chắn" bảo vệ. Khi có nhiều loại vắc xin được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, nhiều người dân đã có sự lựa chọn vắc xin. Lúc này, Bộ Y tế cũng khuyến cáo liều vắc xin tốt nhất là liều vắc xin được tiêm sớm nhất.

Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vắc xin COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vắc xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Từng tiêm hai mũi vắc xin AstraZeneca, chị Hoa (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, vắc xin là "niềm tin" để mọi người chiến đấu với COVID-19.

"Lúc đó chắc nhiều người cũng chưa rõ các loại vắc xin có tác dụng chi tiết ra sao, nhưng ở thời điểm khẩn cấp, ai được tiêm vắc xin thì coi như đã có thêm niềm tin để chống chọi với dịch bệnh, không chỉ với bản thân mà còn cho gia đình, cộng đồng. Thậm chí, khi mắc COVID-19 sau đó, mình vẫn tin sẽ vượt qua bởi đã được tiêm vắc xin. Đến giờ, chiến thắng đó là sự thật", chị Hoa bày tỏ.

Tháng 2-2021, vắc xin AstraZeneca là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam. Sau đó, hàng triệu liều vắc xin này đã được tiêm chủng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020