Chuyên mục  


Ngày 31/12, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết 6 người này khi nhập viện tình trạng nặng, bị toan chuyển hóa, suy hô hấp, sốc, rối loạn ý thức, hôn mê, phải hồi sức tích cực và lọc máu. Nay họ đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản.

"Các bệnh nhân này vẫn đang tiếp tục điều trị, theo dõi, hy vọng những tổn thương dừng lại và cải thiện", bác sĩ Nguyên nói. Trong số họ có 3 người bị tổn thương não, một tổn thương phổi. 8 bệnh nhân khác ổn định sức khỏe được ra viện hôm nay.

Trung tâm Chống độc liên tục tiếp nhận 14 ca này vào đêm 19 và ngày 20/12, lúc đấy nghi ngộ độc thực phẩm. Họ cùng tham gia tiệc liên hoan tại một nhà hàng ở Long Biên, Hà Nội hôm 19/12. Hai người khác được ghi nhận chết ngoại viện. Sau đó, từ ngày 21/12 đến ngày 24/12, bệnh viện tiếp nhận thêm 5 ca, cũng là người tham gia tiệc, nâng tổng số ca lên 19. Tất cả bệnh nhân đến sau đều nhẹ, hồi phục nhanh chóng và xuất viện ngay, điểm chung là họ không uống rượu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy hai mẫu rượu trắng lấy tại buổi tiệc có chứa hóa chất acetonitrile, là nguyên nhân gây ngộ độc. Nồng độ các chất độc, nồng độ hóa acetonitrile trong máu của 14 bệnh nhân đều rất cao, gấp hàng trăm lần so với nồng độ chấp nhận được. Ngoài ra, họ uống rượu có cồn công nghiệp methanol nhưng không bị ngộ độc chất này là do nồng độ methanol và tổng lượng rượu uống chưa tới liều đủ gây ngộ độc, theo bác sĩ Nguyên.

"Nhiều người trong vụ ngộ độc này được cứu sống là do thời gian chuyển hóa gây độc của acetonitrile chậm, các bác sĩ kịp cấp cứu, hồi sức, giải độc, thải độc cho bệnh nhân trước khi có các tổn thương nặng có thể gây tử vong", bác sĩ Nguyên nói.

Bệnh nhân ngộ độc được khám sau khi rút ống cai máy thở. Ảnh: Nguyên Hà

Bác sĩ Nguyên cho biết acetonitrile (CH3CN) là một hóa chất hữu cơ được dùng làm dung môi trong công nghiệp, trong chiết xuất dược liệu, pin lithium, đặc biệt được dùng trong các máy xét nghiệm sắc ký để xét nghiệm kiểm tra thuốc, độc chất... không phải thành phần sinh ra trong quá trình sản xuất rượu trắng.

Khi vào cơ thể, acetonitrile được chuyển hóa chậm thành xyanua và gây độc chậm với triệu chứng xuất hiện muộn sau nhiều giờ. Trung bình sau uống khoảng 3-12 giờ, thậm chí tới 24 giờ thì các triệu chứng ngộ độc mới xuất hiện. Nếu bệnh nhân uống rượu đồng thời chất này thì tốc độ chuyển hóa gây độc của acetonitrile sẽ chậm hơn và biểu hiện ngộ độc có thể xuất hiện chậm tới 48 giờ sau uống.

Chất chuyển hóa của acetonitrile là xyanua cực độc, ức chế hô hấp tế bào, gây chết tế bào và tổn thương các cơ quan khác, đặc biệt là tim mạch và não. Bệnh nhẹ thì đau đầu, nặng thì hôn mê, co giật, mạch nhanh, tụt huyết áp, tổn thương tim, não đa cơ quan, đặc biệt nổi bật là nhiễm toan chuyển hóa tăng cao lactat, tỷ lệ tử vong rất cao.

Lê Nga

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020