Chuyên mục  


Ngày 28/10, Phòng Phúc thẩm Dân sự Đặc biệt số 31 của Tòa án Sáng chế Hàn Quốc đưa ra phán quyết trong vụ kiện do công ty hàng xa xỉ Louis Vuitton Malletier đệ trình chống lại thợ chế tác đồ thủ công Lee Kyung-han.

Theo tờ Maeil Business Newspaper, năm 2017-2021, ông Lee đã làm túi xách, ví với nhiều kích thước, hình dáng và công dụng khác nhau bằng vải túi Louis Vuitton được khách hàng bàn giao. Mỗi sản phẩm cải tiến có chi phí chế tác từ 100-700 nghìn won (1,8 đến 13 triệu đồng).

Việc tái chế túi xách của Louis Vuitton vừa bị tòa án tại Hàn Quốc phán quyết là vi phạm pháp luật. Ảnh: Crom Salvatera

Louis Vuitton đã đệ đơn kiện ông Lee vào tháng 2/2022, cáo buộc vi phạm quyền nhãn hiệu bằng cách làm suy yếu chức năng ghi nhãn nguồn và đảm bảo chất lượng của nhãn hiệu này.

Tòa án quận trung tâm Seoul, Phòng thỏa thuận dân sự số 63 trong phiên sơ thẩm ngày 12/11 năm ngoái đã ra phán quyết "sản phẩm cải cách cũng là sản phẩm" và phải chịu trách nhiệm nhãn hiệu. Bị đơn Lee thua kiện, phải bồi thường cho Louis Vuitton 15 triệu won (khoảng 275 triệu đồng).

Ông Lee sau đó kháng cáo và được xét xử phúc thẩm hôm 28/10, song kết quả vẫn không thay đổi. Tòa phúc thẩm cho rằng ông Lee không được sản xuất sản phẩm cải tiến bằng vải của chiếc túi có nhãn hiệu Louis Vuitton.

Tại phiên sơ thẩm, trước việc bị đơn lập luận "sản phẩm cải cách không phải là sản phẩm mới", tòa án phân tích để áp dụng hành vi vi phạm luật nhãn hiệu cần xem sản phẩm ông Lee chế tác có phải là sản phẩm hay không.

Theo tòa, sản phẩm chế tác vẫn là sản phẩm vì chúng được giao dịch với giá cao và có giá trị như sản phẩm độc lập trên thị trường giao dịch hàng đã qua sử dụng giống như sản phẩm gốc.

"Vì nhãn hiệu của nguyên đơn vẫn được để nguyên trên sản phẩm ông Lee chế tác, còn sản phẩm lại không được đánh dấu là "cải tiến, sao chép" từ Louis Vuitton, nên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng do Louis Vuitton chính hãng sản xuất", tòa nêu trong bản án phúc thẩm.

Tòa giải thích những thay đổi nhỏ sẽ không đủ điều kiện là "sản phẩm mới" và do đó sẽ không vi phạm quyền nhãn hiệu. Tuy nhiên, những thay đổi đáng kể về kích thước, thiết kế hoặc cấu trúc, như trong trường hợp của người sửa túi Lee, dẫn đến sản phẩm hoàn toàn mới là cấu thành hành vi vi phạm nhãn hiệu.

Nhãn hiệu Louis Vuitton do đó đã bị Lee xâm phạm khi sử dụng nhãn hiệu mà không có sự cho phép của Louis Vuitton.

Ông Lee cho hay thất vọng với phán quyết vì như vậy, trong tương lai không ai dám tái chế các sản phẩm cũ hỏng vì sợ bị xem là hành vi bất hợp pháp và sẽ bị kiện.

Louis Vuitton ban đầu đã yêu cầu bồi thường tới 30 triệu won, gấp đôi phán quyết của tòa. Thương hiệu này ra đời năm 1854, mang tên người sáng lập người Pháp, nhiều năm được vinh danh là thương hiệu xa xỉ có giá trị nhất thế giới, hoạt động tại 50 quốc gia với gần 500 cửa hàng, doanh thu 9,9 tỷ USD vào năm 2023.

Hải Thư (Theo Maeil Business Newspaper, Korea Times, LVMH)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020