Phía cổng khu khai thác mỏ cát - Ảnh: T.B.D.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-1, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cho biết vẫn chưa nhận được chỉ đạo và yêu cầu báo cáo liên quan đến đơn của ông Phan Thanh Dũng - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư thương mại Pha Lê (TP.HCM) - tố công ty con hiện đang khai thác mỏ cát tại xã Đại Sơn là Công ty TNHH thương mại Pha Lê Quảng Nam.
Kiện công ty con khai thác cát vì... không nghe lời
Trong đơn dài chín trang giấy trình bày nhiều vấn đề liên quan đến quá trình hình thành, điều hành hoạt động khai thác tại mỏ cát xã Đại Sơn (Đại Lộc), ông Phan Thanh Dũng cho biết năm 2018 đơn vị này thành lập doanh nghiệp con là Công ty Pha Lê Quảng Nam để phục vụ khai thác mỏ cát.
Gần đây, việc điều hành của công ty có một số vấn đề phát sinh. Là chủ sở hữu Công ty Pha Lê Quảng Nam (con) nhưng ông Phan Thanh Dũng cho rằng phía công ty mẹ gần như mất quyền điều hành.
Ông Phan Thanh Dũng cho biết đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị thu hồi quyền khai thác, chấm dứt hoạt động của công ty con đóng tại Quảng Nam để kiện toàn pháp lý.
Nhưng tại mỏ cát ở xã Đại Sơn, Công ty Pha Lê Quảng Nam vẫn hoạt động bình thường. Cuối năm 2024, khi cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản đình chỉ khai thác tại mỏ xã Đại Sơn thì phía ông Dũng không được thông báo.
Sau khi bị cơ quan chức năng xử lý, mới đây mỏ cát tại xã Đại Sơn lại được Công ty Pha Lê Quảng Nam cho khai thác trở lại. Tuy nhiên cũng như các lần trước, việc khai thác lần này ông Dũng cũng không được nắm.
"Chúng tôi gửi văn bản yêu cầu dừng khai thác để kiện toàn pháp lý, đơn gửi cho cả Công ty Pha Lê Quảng Nam lẫn các đơn vị chức năng, nhưng tới nay Công ty Pha Lê Quảng Nam vẫn tiếp tục tự ý mở mỏ, không tuân theo các quyết định và yêu cầu của chủ đầu tư.
Việc khai thác cát đã gây ra nhiều hệ lụy, hiện trạng nhiều hang hầm có thể gây sạt lở, hủy hoại môi trường và để lại hậu quả không thể giải quyết nếu giấy phép hết hạn khai thác" - đơn do ông Phan Thanh Dũng đề cập.
Ngoài việc không thể điều hành công ty con, Công ty Pha Lê cũng cho rằng không yêu cầu nộp thay các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước nhưng gần đây Công ty Pha Lê Quảng Nam lại tự ý thực hiện, việc này sẽ tạo ra các rủi ro pháp lý về sau.
Ngoài ra, Công ty Pha Lê không có văn bản ủy quyền hay bổ nhiệm nhân sự mới nhưng mới đây Công ty Pha Lê Quảng Nam lại ra quyết định bổ nhiệm ông Trần Chiến Thắng làm chủ tịch, ông Trần Quốc Huy làm giám đốc đại diện pháp luật cho Công ty Pha Lê Quảng Nam.
Từ thực tế công ty con không chịu sự điều hành của công ty mẹ, ông Phan Thanh Dũng kiến nghị các đơn vị tại Quảng Nam có văn bản dừng khai thác cát, ngừng xuất hóa đơn, kê khai thuế đối với Công ty Pha Lê Quảng Nam và hoàn trả Công ty Pha Lê "con" về cho công ty "mẹ".
Công ty con tố ngược công ty mẹ "vòi tiền"
Trong khi đơn của ông Phan Thanh Dũng đang được cơ quan chức năng xử lý theo quy trình thì trong động thái mới nhất, ông Trần Quốc Huy - giám đốc Công ty Pha Lê Quảng Nam - lại có đơn gửi Công an tỉnh Quảng Nam tố cáo ông Phan Thanh Dũng.
Theo ông Huy, năm 2017 ông Phan Thanh Dũng (lúc đó sở hữu Công ty đầu tư thương mại Pha Lê, trụ sở tại quận 1, TP.HCM) gặp ông Phạm Chiến Thắng để bàn mở công ty khai thác mỏ cát tại Đại Lộc (Quảng Nam).
Ngành chức năng yêu cầu doanh nghiệp phải có trụ sở tại Quảng Nam để tránh thất thu thuế nên "Công ty Pha Lê Quảng Nam" ra đời. Lúc thành lập, ông Dũng góp 55% cổ phần, ông Thắng góp phần còn lại.
Trong đơn, ông Huy nêu rằng từ năm 2019 Công ty Pha Lê Quảng Nam thay đổi cơ cấu góp vốn. Từ giữ 55% cổ phần, giai đoạn 2019 đến tháng 4-2024 ông Phan Thanh Dũng lần lượt bán và chuyển nhượng tỉ lệ sở hữu vốn của mình trong Công ty Pha Lê Quảng Nam qua các pháp nhân khác.
"Đến ngày 28-4-2024, ông Dũng làm thủ tục chuyển nhượng 1% vốn còn lại cho một người tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Từ lúc này, ông Dũng không còn vốn góp trong công ty" - đơn của ông Trần Quốc Huy nêu.
Cũng theo ông Trần Quốc Huy, khi thoái vốn toàn bộ, ông Phan Thanh Dũng đã ra biên bản họp HĐTV Công ty Pha Lê (TP.HCM) về việc "chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu mỏ, quyền đầu tư khai thác, tổ chức sản xuất kinh doanh, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế, chuyển giao quyền hoạt động bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu và tuyến đường dân sinh vận chuyển cát" cho Công ty Pha Lê Quảng Nam.
"Thời gian qua hoạt động khai thác khoáng sản của chúng tôi đi vào nề nếp, nghiêm chỉnh chấp hành và khắc phục các sai sót đã được cơ quan pháp luật chỉ ra.
Tuy nhiên khi mọi thứ ổn định trở lại thì ông Phan Thanh Dũng lấy danh nghĩa là Công ty Pha Lê - công ty mẹ của Công ty Pha Lê Quảng Nam - để có những hành vi gây sức ép buộc Công ty Pha Lê Quảng Nam hằng tháng phải hỗ trợ một khoản tài chính.
Nếu không được chấp thuận thì ông Dũng sẽ dùng tư cách của mình ở công ty mẹ để đóng cửa mỏ. Việc này gây ảnh hưởng tâm lý, hoang mang cho hoạt động của doanh nghiệp tại Quảng Nam" - ông Trần Quốc Huy nói.
Nói với Tuổi Trẻ, ông Huy khẳng định rằng ông Dũng chỉ đại diện cho Công ty Pha Lê chủ sở hữu trên giấy tờ đối với Công ty Pha Lê Quảng Nam. Tới nay cổ phần của ông Dũng tại Quảng Nam cũng đã bán hết, nhận thấy không còn được chia lợi tức thì lại làm đơn thư đòi lại quyền sản xuất.
Chính quyền nói gì?
Trong đơn gửi các sở ngành tại Quảng Nam, ông Phan Thanh Dũng còn "tố" ông Lê Văn Tuân, phó Phòng TN&MT huyện Đại Lộc.
Theo ông Dũng, các cuộc họp giữa các bên gồm công ty mẹ, công ty con, chính quyền, Phòng TN&MT Đại Lộc thì "ông Tuân phát biểu quá nhiều vấn đề mà không mang lại kết quả nào, các ý kiến của Công ty Pha Lê cũng bị ông Tuân bác vì cho rằng không có căn cứ".
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-1, ông Lê Văn Tuân cho biết đơn vị này đã tìm nhiều cách đối thoại, giải thích thẩm quyền cho các bên nắm rõ. Dù vậy tới nay đơn thư vẫn được gửi tới cơ quan chức năng.
"Chức năng của phòng là mời họp, ghi nhận ý kiến các bên, quản lý nhà nước về khai khoáng chứ làm sao có thể thu hồi hoạt động của công ty này để đưa cho doanh nghiệp khác?
Các sai phạm của Công ty Pha Lê Quảng Nam đã bị xử lý, nay họ hoạt động trở lại và chấp hành đúng quy định pháp luật. Còn việc nội bộ có khúc mắc thì các bên cần tìm đến tòa, chứ thẩm quyền địa phương không thể giải quyết" - ông Tuân nói.
Đại diện công ty mẹ nói "bị ép buộc"
Bên trong mỏ cát của Công ty Pha Lê Quảng Nam
Nói với Tuổi Trẻ ngày 9-1, ông Phan Thanh Dũng cho biết công ty con tại Quảng Nam là do Công ty Pha Lê lập ra. Tuy nhiên các thành viên ở công ty con này dùng nhiều cách để đe nẹt, ép buộc ông ra khỏi doanh nghiệp.
Về các văn bản thống nhất thoái vốn, bán chuyển nhượng cổ phần... tại công ty con ở Quảng Nam, ông Dũng nói mình bị ép buộc phải ký.
"Các văn bản đó không có giá trị pháp lý, tới nay tôi cũng chưa nhận được tiền (chuyển nhượng, thoái vốn).
Là do họ ép tôi ký, tôi bị đánh tới bốn lần, bị hù dọa đủ cách. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm lãnh đạo tại Công ty Pha Lê Quảng Nam cũng không hợp pháp, bởi vì tôi là chủ sở hữu công ty nhưng tôi không ra các quyết định đó" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, ngày 2-11-2024 ông ký quyết định giải thể Công ty Pha Lê Quảng Nam, yêu cầu bàn giao sổ sách về công ty mẹ.
Tuy nhiên tới nay Công ty Pha Lê Quảng Nam vẫn hoạt động. Phó Phòng TN&MT huyện Đại Lộc cũng xác nhận tới nay mỏ cát tại xã Đại Sơn vẫn hoạt động bình thường.