Thời gian qua, Công an Đà Nẵng đã bắt quả tang, xử lý nhiều vụ việc, người liên quan hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán súng trái phép - Ảnh: H.B.
Sau khi "hàng" là những khẩu súng tự chế ra lò thì đăng video lên kênh YouTube để quảng cáo và bán cho người có nhu cầu.
Theo đam mê làm súng tự chế trên mạng, mang án ngoài đời
H.V.Q. (35 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) thông qua hội đam mê súng săn trên YouTube có quen biết với N.T.L. (trú Đà Nẵng). Và cũng từ hội đam mê này, Q. quen biết với P.N.L. (trú Đà Nẵng) là người có cùng sở thích súng săn, súng thể thao, công cụ hỗ trợ trên thế giới mạng.
Đầu năm 2021, N.T.L. thuê căn nhà ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) để sử dụng, chừng ba tháng sau, khi chuẩn bị xuất cảnh sang Mỹ định cư, L. bàn giao nhà cho H.V.Q. Q. lấy căn nhà trên để hoạt động chế tạo, tàng trữ, mua bán súng đạn thể thao, súng săn, công cụ hỗ trợ.
Q. liên hệ đặt mua nhiều linh kiện các loại súng và đạn thể thao, súng săn, bình xịt hơi cay của những người (chưa rõ lai lịch) đăng bán trên mạng xã hội YouTube.
Người cung cấp hàng chuyển các linh kiện cho Q. thông qua ô tô chở hàng, chở khách chạy tuyến Bắc - Nam. Q. mua các linh kiện súng và đạn, bình xịt hơi cay cất giấu tại căn nhà đã thuê. Tiếp đó Q. sử dụng các thiết bị bơm, nén khí, mỏ lết, bơm tay để tự lắp ráp thành các khẩu súng hoàn chỉnh.
Ban đầu, Q. tự quay video các khẩu súng và đạn, bình xịt hơi cay do mình lắp ráp rồi đăng lên YouTube để quảng cáo. Khi nào có người mua, Q. gửi "sản phẩm" qua đường ô tô chở hàng hoặc xe khách.
Chưa dừng lại, để thuận tiện cho hoạt động, Q. thuê P.N.L. giúp quay các video mà Q. tự bắn thử súng đạn để dùng các video này đăng lên hai tài khoản YouTube.
Q. đã bán được 30 khẩu súng săn, súng thể thao (tặng kèm 30 bình xịt hơi cay) và bán nhiều linh kiện cho nhiều người khác nhau thông qua mạng xã hội. Q. sử dụng tài khoản ngân hàng để chuyển và nhận tiền mua "hàng".
Hôm tòa xét xử, Q. thừa nhận hành vi, ăn năn hối hận và xin tòa xem xét hoàn cảnh gia đình để giảm nhẹ hình phạt.
Tòa nhận định hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về quản lý vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, những quy định nhằm đảm bảo an toàn công cộng và trật tự công cộng.
Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì mục đích vụ lợi nên vẫn thực hiện.
Do đó, cần phải xử phạt bị cáo thỏa đáng để giáo dục, răn đe và phòng chống tội phạm…
Tòa tuyên phạt Q. phạm tội chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ với mức án 3 năm tù.
"Hàng nóng" trên mạng xã hội
Công an TP Đà Nẵng cho biết thời gian qua các đơn vị của Công an TP đã liên tục phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều vụ việc, người liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán súng trái phép. Thậm chí có trường hợp đã đặt mua và bán lại cho người khác hơn 100 khẩu súng các loại.
Trong đó, đáng chú ý là việc nhiều người lợi dụng mạng xã hội để phục vụ cho các hành vi trên.
Như mới đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị của Công an Đà Nẵng làm rõ L.V.B. (19 tuổi, trú tỉnh Thừa Thiên Huế) khi người này đang nhận một khẩu súng quân dụng được giấu trong gói hàng chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng xe khách.
B. thừa nhận đã dùng tài khoản Facebook để đặt mua khẩu súng trên với giá 2 triệu đồng để "phòng thân".
Mở rộng điều tra, công an bắt quả tang N.H.Đ.K. (trú TP.HCM) và thu giữ thêm một khẩu súng quân dụng. Từ đây, nhóm người chế tạo và mua bán súng dần lộ diện.
Theo đó, khoảng đầu năm 2023, N.C.T. (trú tỉnh Bắc Giang) lên mạng đặt mua hai khẩu súng ZP5 kèm theo hai bộ linh kiện để về tự độ chế thành súng quân dụng.
T. đưa súng cùng bộ linh kiện và máy mài cho N.H.Đ.K. để về tự độ chế và hướng dẫn K. lên mạng tham khảo các video trên YouTube. K. đem về phòng trọ cất giữ và tiến hành độ chế. Do cần tiền tiêu xài, K. đăng lên mạng xã hội để bán súng và được L.V.B. liên hệ hỏi mua.
Tiếp tục khám xét khẩn cấp tại nơi ở của N.C.T., cơ quan công an thu giữ một số tang vật nghi là vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao và trang thiết bị để chế tạo gồm hai khẩu súng ngắn hoàn chỉnh, một khẩu súng dài hoàn chỉnh, một khẩu súng chưa hoàn chỉnh, 590 viên đạn các loại, các loại phụ kiện, ống nhòm, thuốc súng… Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam các nghi phạm liên quan.
Một vụ khác cũng sử dụng mạng xã hội để đăng quảng cáo, trao đổi việc bán các loại súng. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Phòng An ninh điều tra (Công an Đà Nẵng) kiểm tra, phát hiện Đ.P.Q. (25 tuổi) tàng trữ bốn khẩu súng, phụ kiện và đạn (trong các gói hàng). Khám xét nhà của Q., công an thu giữ thêm bốn khẩu súng và đạn các loại.
Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định số "hàng" trên của H.V.N.P. (30 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng). P. khai nảy sinh ý định bán súng để kiếm thêm thu nhập nên đã lên mạng đặt mua các loại súng, linh kiện và đạn.
P. lập các kênh YouTube để đăng tải các video quảng cáo và trao đổi việc bán các loại súng. Khi có người đặt hàng, P. sẽ phân chia các thiết bị ra nhiều gói hàng rồi thuê người chở tới các bưu cục để chuyển.
Từ tháng 7-2023 đến khi bị phát hiện, P. đã đặt mua và bán lại cho người khác hơn 100 khẩu súng các loại.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân cần tự giác khai báo và giao nộp vũ khí, vật liệu nổ... cho công an xã, phường gần nhất để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thu hồi gần 2.000 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Tại Đà Nẵng, hồi đầu năm chủ tịch UBND TP đã có thư kêu gọi toàn dân thực hiện cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Mới đây, Công an Đà Nẵng tổng kết đợt cao điểm tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn.
Công an các xã, phường đã tổ chức thành lập trên 200 điểm tiếp nhận và hoạt động trong tất cả các ngày trong tuần. Qua đó đã vận động giao nộp và thu hồi 1.975 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại, trong đó có nhiều người đã đến giao nộp súng đạn…