Phiên tòa xét xử các bị cáo P.L. (57 tuổi), P.B.P. (30 tuổi, con bị cáo L.), P.B.T. (47 tuổi, em bị cáo L., cùng trú Đà Nẵng) - Ảnh: H.B.
Và hậu quả của việc đòi nợ sai cách là tiền thì chưa đòi được nhưng chủ nợ cùng người thân phải lãnh án tù.
Dùng vũ lực đòi nợ
Đó là trường hợp của bà N.T.K.O. (44 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) và kéo theo đó là những người thân, bạn bè gồm ông H.M. (54 tuổi), anh P.A.T. (28 tuổi, trú tỉnh Đắk Lắk) cũng vướng vào vòng lao lý.
Khoảng tháng 8-2022, chị V.T.T.K. (34 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) và bà N.T.K.O. có thỏa thuận mua bán các vật dụng, thiết bị liên quan đến chăm sóc sắc đẹp. Quá trình mua bán giữa hai người phụ nữ này có thỏa thuận cam kết ngày sẽ trả đủ tiền.
Sau thời hạn trên, theo như giấy cam kết thì chị K. mới thanh toán số tiền 2,3 triệu đồng. Bà O. và chị K. tiếp tục thỏa thuận về việc bà O. sẽ lấy lại một số vật dụng, thiết bị đã bán để trừ ra số tiền mà chị K. còn nợ khi mua hàng ban đầu.
Số tiền nợ còn lại hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục thanh toán bằng hình thức trả góp 300.000 đồng/ngày...
Nhiều lần bà O. yêu cầu chị K. thanh toán số tiền mua hàng theo thỏa thuận nhưng chưa được. Vì thế, bà O. cùng một số người thân của mình, trong đó có H.M., P.A.T., đến cơ sở chăm sóc sắc đẹp T.K. (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) do chị K. làm chủ để hỗ trợ bà O. lấy các vật dụng, thiết bị tại đây.
Bà O. cùng với M. đến spa T.K. trước. Khi đến bà O. vào và có hành vi xô xát, đánh nhau với chị K., sau đó lấy một số tài sản mang đi ra ngoài. Còn chị K. can ngăn, giằng co lại... Bà O. nói với những người trong nhóm của mình vào tiệm spa để lấy các tài sản mang ra xe tải chở về. Thấy vậy, chị K. cầm gậy inox đánh trả những người nói trên để ngăn việc lấy tài sản.
Sau khi ra ngoài, bà O. tiếp tục xông vào đánh nhau với chị K.. Những người đi theo bà O. cũng tham gia tháo dỡ các giường gội đầu, giường spa và lấy các tài sản khác tại spa T.K. đưa lên xe chở về...
Theo kết luận giám định, tổng giá trị tài sản bị xâm hại là hơn 18 triệu đồng.
Sau khi bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo O. 3 năm tù, M. 2 năm tù, T. 1 năm 6 tháng tù cùng về tội danh cướp tài sản (bản án sơ thẩm còn quyết định phần hình phạt đối với 4 bị cáo khác) thì ba bị cáo trên kháng cáo xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Cả nể mà mang họa vào thân
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo khai chiều 18-12-2022, tại cơ sở chăm sóc sắc đẹp T.K., bà O. cùng với nhóm của mình có hành vi dùng vũ lực tấn công chị K., sau đó lấy tài sản. Một số người tham gia tháo dỡ tài sản mang lên xe tải, giúp sức cho bà O. chiếm đoạt tài sản của chị K..
Tòa nhận định bị cáo O. là người khởi xướng, có hành vi dùng vũ lực cùng với bị cáo M. và bị cáo khác để chiếm đoạt tài sản; bị cáo M. mặc dù không có mâu thuẫn gì, thấy bị cáo O. đánh chị K. nhưng không can ngăn mà còn giúp sức, hỗ trợ bị cáo O. đánh chị K. để chiếm đoạt tài sản.
Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, vừa xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản vừa xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn.
Do đó cần phải cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian, để các bị cáo có điều kiện cải tạo, tu dưỡng trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của bị cáo... và xử phạt bị cáo O. 3 năm, bị cáo M. 2 năm tù là phù hợp. Vì vậy, hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo này.
Đối với bị cáo P.A.T., khi thấy bị cáo O. cùng với các bị cáo khác thực hiện hành vi thì không can ngăn mà còn giúp sức cho mang tài sản ra xe tải. Vì vậy cần có hình phạt tương xứng đối với bị cáo, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù là phù hợp.
Tuy nhiên xét thấy bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, vì người thân gọi điện cần giúp đỡ nên bị cáo cả nể đồng ý, giúp bưng một vài tài sản lên xe chứ không có hành vi nào khác.
Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu. Sau khi phạm tội, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường xong cho bị hại, bị hại có đơn kháng cáo xin cho bị cáo được hưởng án treo.
Hoàn cảnh bị cáo khó khăn, là lao động chính trong gia đình nuôi con nhỏ, vợ không có nghề nghiệp ổn định...
Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND TP Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo, xử phạt bị cáo T. 1 năm 6 tháng tù về tội cướp tài sản nhưng cho hưởng án treo.
Bắt nhốt luôn con nợ
Mới đây, TAND TP Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ bắt giữ người trái pháp luật đối với các bị cáo P.L. (57 tuổi), P.B.P. (30 tuổi, con bị cáo L.), P.B.T. (47 tuổi, em bị cáo L., cùng trú Đà Nẵng).
Theo hồ sơ, anh P.Q.K. (33 tuổi) đến cửa hàng của ông L. để mua thiết bị âm thanh thi công công trình. Anh K. là đối tác làm ăn lâu năm nên ông L. tin tưởng cho nợ 150 triệu đồng. Anh K. hứa sau khi bàn giao công trình sẽ thanh toán nợ.
Lâu vẫn không thấy anh K. quay lại nên ông L. gọi điện thì "con nợ" trả lời ấp úng. Ông L. nhờ người đi tìm và thấy anh K. đang ở quán cà phê.
Ông L. giật điện thoại và ép con nợ về cửa hàng để giải quyết nợ nần. Vì cửa hàng đang đông người nên ông L. đưa con nợ đi chỗ khác và hù dọa sẽ báo công an nếu không trả nợ hoặc trả lại hàng. Anh K. gọi điện cho người thân và xin hẹn vài ngày sẽ trả, nhưng ông L. yêu cầu phải trả ngay.
Sợ anh K. bỏ trốn nên ông L. nói P. chở K. qua công ty dịch vụ bảo vệ của anh H.C.T. để đội bảo vệ giám sát. Anh H.C.T. biết việc ông L. giữ anh K. trái ý muốn nên yêu cầu đưa đi nơi khác để tránh liên lụy.
Ông L. tiếp tục gọi con và em trai chở anh K. về nhà kho của mình để hôm sau giải quyết nợ nần. Sau khi nhốt con nợ trong kho, các bị cáo về đi nhậu.
Ông L. qua nhà kho ngủ trước cửa để canh giữ và đến sáng vào gọi anh K., nhưng người này đã treo cổ tự tử.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt L. 6 năm tù, P. và T. cùng 4 năm 6 tháng tù cùng về tội bắt giữ người trái pháp luật. Ông L. còn bị xử phạt 1 năm 6 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Sau đó các bị cáo kháng cáo, nhưng tòa phúc thẩm bác kháng cáo và giữ nguyên án sơ thẩm.