Chuyên mục  


Năm 2023, bê bối tấn công tình dục của Johnny Kitagawa, cố chủ tịch tập đoàn giải trí Johnny & Associates, khiến công chúng chú ý đến tội phạm tình dục đối với nam giới và trẻ em trai. Điều này không chỉ giới hạn trong ngành giải trí, đã có một làn sóng phản đối rộng rãi ở Nhật Bản về thực trạng vấn nạn này và những hậu quả của nó.

'Cô gái hàng xóm'

Takeshi, khoảng 40 tuổi, ở vùng Kanto, mắc bệnh tâm lý sau khi bị lạm dụng hồi nhỏ.

Năm lớp hai, Takeshi thường chơi với một chị gái hàng xóm tuổi teen. Một ngày, cô gái đến nhà Takeshi khi bố mẹ đi vắng. Trong lúc chơi đùa, cậu bé nghe thấy cô gọi "lại đây" từ một căn phòng khác. Bước vào, Takeshi bối rối khi thấy chị hàng xóm khỏa thân. Cô gái nói: "Nhóc là đồ tồi" và "Đừng nói cho ai biết".

Sau đó, khi được mời đến nhà cô gái, Takeshi có "cảm giác xấu", nhưng không thể phán đoán được chuyện gì đang xảy ra. Khi bước vào phòng, Takeshi lại nhìn thấy cô gái khỏa thân... Takeshi không biết gì về tình dục và không hiểu điều gì đang xảy ra với mình, nhưng quá xấu hổ và không dám di chuyển.

'Hãy quên chuyện đó đi'

Chẳng bao lâu, cô gái và Takeshi trở nên xa cách, những chuyện trước đó dần biến mất khỏi trí nhớ của cậu bé. Nhưng Takeshi bắt đầu mắc chứng mất ngủ.

Ở trường cấp hai, Takeshi bắt đầu nghĩ: "Tôi không đáng sống. Tôi muốn chết". Ngay cả khi đã vào cấp ba rồi đại học, ý muốn được chết vẫn còn dai dẳng. Bố mẹ lo lắng đưa Takeshi đến phòng khám tâm lý nhưng họ không tìm ra nguyên nhân.

Vào năm đầu tiên ở trường đại học, một nữ sinh kể với Takeshi rằng cô từng bị tấn công tình dục khi còn nhỏ. Câu chuyện đã gợi lại ký ức về "chị gái hàng xóm". Takeshi nói: "Tôi cũng vậy".

Đọc sách về tấn công tình dục, Takeshi cảm thấy đã tìm ra nguyên nhân bệnh tâm lý của mình. Muốn ai đó hiểu được nỗi đau bản thân đã trải qua lúc đó, Takeshi chọn một người bạn lớn tuổi đáng tin cậy để nói chuyện, nhưng phản ứng anh nhận được không như mong đợi. Người bạn cười và nói: "Tôi ghen tị với cậu", dù không hề có ý xúc phạm.

Takeshi sau đó lần đầu tiên tâm sự với bố mẹ về trải nghiệm của mình. Bố bảo hãy quên chuyện đó đi. Mẹ không nói gì. Takeshi đoán họ không biết cách giải quyết.

Takeshi vẫn phải chống chọi với bệnh tâm lý sau khi đi làm tại một tổ chức liên quan đến phúc lợi. Anh hỏi ý kiến sếp về "trải nghiệm gây sang chấn" và được giới thiệu một hội thảo do một nhóm phi lợi nhuận tổ chức.

Những người tham gia chia sẻ cảm giác đau đớn của họ và nghiêm túc lắng nghe Takeshi kể về việc trở thành nạn nhân tình dục. Sau đó, anh tham gia một nhóm tự lực dành cho các nạn nhân nam bị tấn công tình dục để vượt qua cảm xúc của mình.

Khi Bộ luật Hình sự Nhật Bản sửa đổi vào năm 2017, nam giới mới được pháp luật công nhận có thể là nạn nhân hiếp dâm. Việc sửa đổi đã coi hiếp dâm là tội "quan hệ tình dục không có sự đồng thuận" và xử phạt nghiêm khắc hơn.

Khi phong trào #MeToo nổi lên và các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Nhật Bản vào năm 2019 nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực tình dục, Takeshi cũng tham gia. Hiện anh làm việc cho một nhóm hỗ trợ các nạn nhân bị tấn công tình dục.

Takeshi nói: "Hệ thống hỗ trợ nạn nhân nam bị lạm dụng tình dục không được tổ chức tốt bằng hệ thống dành cho phụ nữ". Anh mong muốn nhận được ủng hộ từ cộng đồng, như tư vấn và một môi trường giúp nam giới dễ dàng báo cáo sự việc hơn, đồng thời ngăn chặn tình trạng những nạn nhân như anh bị xem nhẹ hoặc bị buộc phải quên đi những gì đã xảy ra.

Takeshi nói muốn giúp đỡ những người chịu đau khổ giống mình trong cuộc gặp với truyền thông. Ảnh: Mainichi

'Bạn không phải là phụ nữ nên không sao'

Các nạn nhân nam bị lạm dụng tình dục khác cũng đang lên tiếng. Tại một sự kiện vào tháng 11/2023 ở Tokyo, những người tham gia nhấn mạnh rằng vấn đề không chỉ liên quan đến công ty giải trí Johnny's.

Satoshi, ngoài 40 tuổi, từng bị bắt nạt hồi học cấp hai. Một ngày, Satoshi bị các học sinh, cả nam và nữ, vây quanh trong lớp. Họ đánh đập, ép Satoshi thủ dâm rồi cười nhạo. Satoshi thấy nhục nhã nhưng chưa bao giờ coi mình là "nạn nhân tình dục". Anh cho rằng chỉ có phụ nữ mới là nạn nhân tình dục.

Reiji, ở độ tuổi 50, từng bị một người quen là nam giới ép thực hiện hành vi tình dục lúc cả hai học trung học. Khi kể mọi chuyện cho bạn nam, người bạn đó thốt lên thích thú. Sau đó, Reiji kể với một bạn nữ, cô trả lời: "Bạn không phải là phụ nữ nên cũng không tệ đến thế". Reiji kết luận rằng bản thân có lẽ không phải là nạn nhân của lạm dụng tình dục.

Satoshi và Reiji mắc bệnh tâm lý khi trưởng thành, cả hai đều kết nối với các nhóm tự lực. Họ chia sẻ những trải nghiệm đau thương của mình và hỗ trợ những nạn nhân bị tấn công tình dục khác.

'Định kiến hiếp dâm' là gì?

Hirokazu Miyazaki, nghiên cứu sinh tại Trường Khoa học Nhân văn thuộc Đại học Ritsumeikan, chỉ ra rằng "rất khó nhìn thấy nạn nhân nam của bạo lực tình dục".

Những hiểu lầm và định kiến về tấn công tình dục dựa trên ý thức về giới được gọi là "định kiến hiếp dâm". Trong trường hợp nạn nhân là nữ, định kiến nhằm bào chữa cho thủ phạm: "Đàn ông không thể cưỡng lại ham muốn tình dục".

Mặt khác, do cơ cấu xã hội nam quyền, có xu hướng cho rằng "đàn ông không thể là nạn nhân tình dục" và "phụ nữ sẽ không bao giờ phạm tội tấn công tình dục". Vì vậy, nạn nhân nam thường khó lên tiếng.

Miyazaki chỉ ra rằng "bản thân nạn nhân bị ràng buộc bởi quan niệm rằng đàn ông phải mạnh mẽ, và có nhiều người đàn ông chỉ có thể nói về việc họ trở thành nạn nhân như một 'câu chuyện' về một trải nghiệm thú vị". Ngay cả khi tâm sự với người khác, họ thường không được coi trọng, như trường hợp của Takeshi.

Miyazaki nói: "Đặc biệt khi thủ phạm là phụ nữ, có một quan niệm định sẵn rằng việc phụ nữ ép buộc một người đàn ông thực hiện hành vi tình dục là 'vô hại và thậm chí có chút may mắn'. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó thực sự gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần của nam giới".

Tuệ Anh (Theo Mainichi)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020