Chiều 28/12, ông Thắng tiếp tục được gọi lên bục khai báo để xét hỏi, phục vụ công tác xét xử tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Thắng bị VKSND tỉnh Khánh Hòa cáo buộc có sai phạm khi chỉ định nhà đầu tư là Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa (sau này là Công ty Cổ phần Thanh Yến) để ký Hợp đồng BT Trường Chính trị (phương án hoàn vốn là khu đất 01 Trần Hưng Đạo) mà không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;
Xác định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 01 Trần Hưng Đạo và ấn định giá trị là hơn 122 tỷ đồng được cố định và ổn định trong suốt thời gian có hiệu lực của Hợp đồng BT.
Những việc làm của ông Thắng là tiền đề cho toàn bộ các sai phạm, dẫn đến thất thoát hơn 62 tỷ đồng tài sản nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).
Tại phiên tòa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc ấn định giá trị khu đất cố định và ổn định là do Sở Tài chính có tờ trình tham mưu, chứ không phải mình ông này tự thực hiện.
"Thông báo về ấn định giá trị khu đất cố định và ổn định thì Sở Tài chính có tờ trình và được Giám đốc Sở có ký nháy, rồi tôi mới ký sau. Nhưng hôm nay tôi lại ngồi đây, còn người tham mưu thì không có, do đó đề nghị HĐXX xem xét lại tính công bằng trong tố tụng" - bị cáo này trình bày trước tòa.
Ngoài ra, ông Thắng còn khai báo việc ấn định trên đã được thông qua các cấp như Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Khánh Hòa và ông chỉ là người thực hiện.
"Nội dung về việc ấn định giá trị khu đất được thể hiện trong quyết nghị của HĐND, mà cơ quan này là cấp chính quyền cao nhất của địa phương, còn UBND chỉ là cấp chấp hành" - ông Thắng trình bày.
Về vấn đề chỉ định nhà đầu tư là Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa, bị cáo Thắng trình bày nội dung này ông đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền thực hiện "chỉ định nhà đầu tư" bằng văn bản 1191.
"Thời kỳ đó mà tìm được một nhà đầu tư như Công ty Hoàn Cầu là chúng tôi mừng lắm, vì công ty này rất có năng lực và kinh nghiệm đầu tư ở Khánh Hòa. Do đó khi được Thủ tướng ủy quyền tôi đã chọn Công ty Hoàn Cầu. Tôi làm những việc này cũng rất vô tư, không có vụ lợi cá nhân gì" - cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói.
Đại diện VKS hỏi ông Thắng việc Công ty Hoàn Cầu là đơn vị có năng lực vì sao lại chuyển cho Công ty Thanh Yến thực hiện hợp đồng BT, mà không trực tiếp làm? Bị cáo đã đánh giá năng lực của đơn vị này chưa?
Ông Thắng thừa nhận là chưa đánh giá năng lực của Công ty Thanh Yến, tuy nhiên cho rằng việc liên doanh, chuyển nhượng là điều pháp luật cho phép.
"Tôi nghĩ là Công ty Thanh Yến là công ty con của Hoàn Cầu, nên sẽ tài trợ cho Thanh Yến làm mà không kiểm tra" - cựu Chủ tịch Khánh Hòa khai trước tòa.
Chiều nay (29/12), VKSND tỉnh Khánh Hòa sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án cho 13 bị cáo trong vụ án này.