Chuyên mục  


Thông tin được nêu trong báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15. Báo cáo chỉ ra vi phạm pháp luật của các cơ quan thi hành án hình sự trong công tác quản lý, giáo dục, thực hiện chế độ đối với phạm nhân. Trong số này có việc không lập hồ sơ đề nghị hoặc đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không đúng. Cảnh sát quản giáo tuần tra, canh gác, lục soát chưa chặt chẽ để phạm nhân cất giấu vật cấm tại buồng giam, nhất là điện thoại di động.

Một số quản giáo chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao để phạm nhân sử dụng điện thoại trong thời gian dài mà không phát hiện. Một số trại giam, tạm giam xếp loại thi đua cho phạm nhân không đúng; bán hàng căng tin cho phạm nhân vượt quá định lượng ăn hằng tháng; vi phạm về tổ chức liên lạc điện thoại, chế độ ở, lao động...

Các sai phạm trên được xác định đã xảy ra tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Đăk Lăk, Cà Mau, một số trại tạm giam thuộc Bộ Công an.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: Phạm Thắng

Báo cáo của VKSND Tối cao cho hay thông qua công tác kiểm sát còn phát hiện nhiều vi phạm trong thi hành chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc. Điển hình như áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trái quy định; chậm đưa người bị bắt buộc chữa bệnh vào cơ sở y tế; cho người bị bắt buộc chữa bệnh ra, vào tự do trong cơ sở điều trị; có người được bác sĩ điều trị cho về nhà.

VKSND Tối cao đánh giá việc phối hợp quản lý người bị bắt buộc chữa bệnh còn "sơ hở, buông lỏng quản lý, để người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn". Các vi phạm xảy ra tại Bình Định, Quảng Ngãi, Tiền Giang và Đồng Nai, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Một số cơ sở giam giữ một số tỉnh còn để bộc lộ nhiều sơ hở để phạm nhân trốn, phạm tội mới, đánh nhau, chết do tự sát. Trong đó 12 người chết do tự sát, hai người chết do lao động, 29 người trốn trại và nhiều người phạm các tội mới như Trộm cắp tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép chất ma túy.

Các phạm nhân tại thư viện ở Trại giam số 5, Bộ Công an. Ảnh: Ngọc Thành

Báo cáo nêu nhiều vi phạm khác trong tạm giữ, tạm giam như việc phân loại, bố trí tạm giữ, tạm giam không đúng quy định. Trong đó một số tỉnh như Điện Biên, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Gia Lai, Bình Thuận và Trại tạm giam T16, B14 (Bộ Công an) không có cán bộ nữ tham gia lục soát buồng giam người bị tạm giam nữ, chưa bố trí chiến sĩ canh gác đầy đủ.

Chiến sĩ cảnh sát bảo vệ thuộc trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, nhà tạm giữ Công an thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã nhận tiền và đưa điện thoại cho nhiều người bị tạm giam sử dụng.

Phạm nhân ở nhà tạm giữ Công an huyện Châu Đốc (An Giang) đã lợi dụng sơ hở để đưa ma túy, điện thoại, vật cấm vào buồng tạm giam cho 4 người bị tạm giam sử dụng.

Về chế độ với người bị giam giữ, một số đơn vị cũng chưa thực hiện đúng pháp luật. Tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an, báo cáo nêu đơn vị đã tổ chức cho người bị tạm giam gặp thân nhân vào ngày lễ, ngày thứ bảy, chủ nhật. Tại tỉnh Bình Thuận, có cơ sở cho người bị tạm giam gặp người không phải là thân nhân và gặp thân vượt quá số lượng quy định.

Tại Trại tạm giam T17 Bộ Công an và các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang, cán bộ cho người bị tạm giam nhận quà vượt số lần quy định (quá 3 lần/tháng); phiếu gửi quà không ghi đơn giá và thành tiền làm cơ sở xác định định lượng đồ ăn mà thân nhân gửi cho người bị tạm giam.

Một số nơi cơ sở vật chất chưa bảo đảm, chưa đủ buồng giam người bị kết án tử hình, buồng kỷ luật. Hệ thống kiểm soát an ninh nhòe mờ, hư hỏng không đảm bảo công tác quản lý giam giữ. Các vi phạm này xảy ra tại tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định...

Không chỉ các vi phạm liên quan tạm giữ, tạm giam, VKSND Tối cao nêu nhiều vi phạm khác liên quan hoạt động tư pháp. Trong ngành kiểm sát, có một số vụ án phải rút một phần quyết định truy tố; một số kiểm sát viên có hành vi trái pháp luật khi thực thi công vụ. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố 4 vụ án với 10 bị can là công chức ngành kiểm sát về tội Nhận hối lộ.

Trong ngành tòa án, VKS cũng phát hiện một số vi phạm pháp luật về thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa, tống đạt bản án, nhiều bản án có sai sót; một số cán bộ, thẩm phán nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã điều tra 11 vụ với 13 bị can là công chức ngành tòa án về các tội Nhận hối lộ, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Về thi hành án dân sự, vi phạm xảy ra trong phân loại, xác minh điều kiện thi hành án, ủy thác và nhận ủy thác thi hành án; hoãn, cưỡng chế và đình chỉ thi hành án; xử lý tiền, tài sản thi hành án. VKS đã thụ lý 18 vụ với 21 bị can là công chức các cơ quan thi hành án dân sự.

Trong năm 2024, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 55 vụ với 115 bị can nguyên là điều tra viên, cán bộ điều tra để xử lý về các tội: Nhận hối lộ (17 vụ, 39 bị can); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (2 vụ, 5 bị can); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (9 vụ, 16 bị can); Giả mạo trong công tác (3 vụ, 4 bị can); Dùng nhục hình (5 vụ, 8 bị can); Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (6 vụ, 24 bị can); Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn (3 vụ, 3 bị can).

Cả nước hiện khoảng 53 trại giam, 78 trại tạm giam, 720 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ ở các đồn biên phòng. Trong đó, Bộ Công an quản lý 69 trại tạm giam, 703 nhà tạm giữ, Bộ Quốc phòng quản lý 9 trại tạm giam, 17 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ của đồn biên phòng.

Phạm Dự

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020