Khu đất 15ha mà hai công ty đã ký hợp đồng đặt cọc - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
"Giằng co" 93 tỉ
Công ty CP thép Dana - Ý là chủ sử dụng 15ha đất tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh (Đà Nẵng) có nhu cầu bán và Công ty CP Trung Nam muốn mua nên hai bên đã ký hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên sau đó cả hai nảy sinh tranh chấp.
Cuối năm 2023, TAND quận Hải Châu (Đà Nẵng) xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng đặt cọc và yêu cầu phản tố tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu, nguyên đơn là Dana - Ý và bị đơn là Trung Nam.
Hồ sơ thể hiện 15ha đất có 13ha (khu đất số 1) đã được cấp "sổ đỏ", 2ha (khu đất 2) sử dụng theo hợp đồng giao đất.
Giá chuyển nhượng 15ha mà hai công ty "chốt" là 930 tỉ đồng, việc thanh toán được thực hiện theo từng đợt tương ứng với nghĩa vụ mỗi bên phải làm sau khi đặt cọc.
Tiền đặt cọc tương ứng 20% giá trị hợp đồng, Trung Nam phải chuyển tiền đặt cọc làm 2 đợt vào tài khoản tạm khóa mở tại ngân hàng. Đợt 1: 10% giá trị chuyển nhượng (93 tỉ đồng) trước ngày 15-8-2022; đợt 2 trước 31-8-2022.
Dana - Ý cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ nhưng Trung Nam chỉ chuyển tiền đặt cọc đợt 1. Tiền cọc đợt 2 phải được Trung Nam chuyển trước ngày 31-8-2022, nhưng quá hạn gần 2 tháng Trung Nam vẫn không chuyển tiền cũng như ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Dana - Ý đã thông báo chấm dứt thực hiện hợp đồng đặt cọc và khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố Trung Nam bị mất số tiền cọc 93 tỉ đồng; buộc Trung Nam phải trả tiền lãi phát sinh…
Phía trước khu đất - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Còn Trung Nam trình bày thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, đã chuyển tiền đặt cọc đợt 1 là 93 tỉ đồng.
Trung Nam cho rằng vì Dana - Ý cung cấp hồ sơ chứng từ pháp lý liên quan đến 15ha không đầy đủ, trái quy định pháp luật gây nhiều rủi ro nên không thể thanh toán tiếp lần 2. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Dana - Ý vi phạm điều cấm…
Trung Nam có đơn phản tố đề nghị tòa tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu; Trung Nam được nhận lại tiền cọc 93 tỉ đồng.
Sơ thẩm, phúc thẩm tuyên bị đơn mất 93 tỉ nhưng…
Tòa sơ thẩm bác yêu cầu phản tố của Trung Nam.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng đặt cọc của Dana - Ý đối với Trung Nam.
Tuyên bố Trung Nam bị mất số tiền đặt cọc đợt 1 là 93 tỉ đồng.
Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Dana - Ý về nội dung trả tiền lãi chậm.
Cả hai công ty kháng cáo bản án sơ thẩm.
Phiên tòa phúc thẩm TAND TP Đà Nẵng đã có nhiều nhận định về nội dung kháng cáo của các đương sự, như: Có cơ sở xác định trước khi ký kết hợp đồng đặt cọc các bên đã có thời gian trao đổi, cung cấp tài liệu và Trung Nam đã biết, hiểu rõ về tình trạng, cơ sở pháp lý về quyền sử dụng đất đối với 15ha, quyền chuyển nhượng của Dana - Ý… Trung Nam mong muốn được nhận chuyển nhượng nên mới ký hợp đồng đặt cọc.
Quyền sử dụng đất của Dana - Ý đã được cấp giấy chứng nhận, không có tranh chấp, không bị kê biên, trong thời hạn sử dụng. Như vậy, Dana - Ý có quyền chuyển nhượng đối với diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận theo Luật Đất đai.
Đối với khu đất 2: Dana - Ý được giao đất có thu tiền sử dụng đất. Trong đó có 2.502m2 đã được cấp giấy chứng nhận; diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận là hơn 17.660m2. Tổng số tiền công ty đã nộp cho khu đất và cho công tác đền bù giải tỏa là trên 16,2 tỉ đồng.
Theo thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc, trong thời hạn 15 tháng kể từ ngày công chứng chuyển nhượng khu đất số 1 Dana - Ý có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận và công chứng hợp đồng chuyển nhượng đối với khu đất 2.
Thời điểm phát sinh tranh chấp hợp đồng đặt cọc hai bên chưa công chứng chuyển nhượng khu đất 1 và cũng chưa hết thời hạn công chứng chuyển nhượng đối với khu đất 2, cũng không có căn cứ nào xác định khu đất 2 thuộc trường hợp không được cấp giấy chứng nhận.
Do đó, Trung Nam cho rằng Dana - Ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi khu đất 2 chưa có giấy chứng nhận đã vi phạm điều cấm là không có cơ sở…
Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Sau khi nhận được đơn của Công ty Trung Nam đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, ngày 8-5-2024, ông Phạm Việt Cường - phó chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng - đã có công văn yêu cầu hoãn thi hành bản án.
Tiếp đó, chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.
Mới đây, quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hải Châu xét xử sơ thẩm lại.