Chuyên mục  


Ngày 25 và 26/6, TAND Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2, xét kháng cáo của 10 bị cáo và 5 nhà thầu (bị đơn dân sự).

Trong 10 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt có ông Mai Tuấn Anh, cựu tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC, án sơ thẩm tuyên 42 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cùng một số giám đốc, kỹ sư các gói thầu xây dựng.

12 bị cáo còn lại của vụ án không kháng cáo, trong đó có ông Trần Văn Tám, cựu tổng giám đốc VEC, án 5 năm 6 tháng tù.

Danh sách 10 bị cáo xin giảm án

Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A; tốc độ 120 km/h, đoạn đường khó đi là 100 km/h. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngoài các bị cáo, 5 nhà thầu cũng kháng cáo do không đồng ý với phần trách nhiệm bồi thường. Trong phiên sơ thẩm 8 tháng trước, TAND Hà Nội tuyên buộc 5 nhà thầu, chứ không phải các bị cáo, phải bồi thường cho VEC thiệt hại của vụ án, được xác định 460 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) bồi thường cho gói A1 giá trị 47,5 tỷ đồng; Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) gói A2 giá trị 129 tỷ đồng; Tập đoàn xây dựng tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) bồi thường gói A3 trị giá 85 tỷ đồng; Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) gói A4 trị giá 127 tỷ đồng và Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc) bồi thường gói A4 trị giá 71 tỷ đồng.

Tòa dành quyền cho 5 nhà thầu yêu cầu các bị cáo phải bồi hoàn trong vụ án dân sự khác, nếu có yêu cầu. HĐXX ghi nhận nhà thầu CC1 không yêu cầu các bị cáo bồi hoàn.

Theo HĐXX, các nhà thầu là bên có trách nhiệm thi công công trình, tạo ra sản phẩm theo hợp đồng với chủ đầu tư; tư vấn giám sát và chủ đầu tư có lỗi trong quản lý hợp đồng giám sát thi công, cũng không làm giảm đi trách nhiệm của nhà thầu với chất lượng công trình. Tư vấn giám sát thực hiện nhiệm vụ tư vấn giám sát với chủ đầu tư, giám sát chất lượng công trình, có quyền kiểm tra tất cả các hoạt động của nhà thầu ở bất cứ giai đoạn nào nhằm đảm bảo công trình đúng chất lượng.

"Do vậy, để xảy ra sai phạm, thiệt hại, trách nhiệm đầu tiên thuộc các bị cáo của nhà thầu thi công, sau đó là các bị cáo thuộc tư vấn giám sát, cuối cùng là các bị cáo khác (chủ đầu tư VEC và Ban quản lý dự án, thuộc VEC)", bản án nêu.

Tại tòa, đại diện nhà thầu Trung Quốc nói "sửng sốt" khi bị liên quan trách nhiệm trong vụ án. Nhận nằm trong "50 nhà thầu lớn nhất toàn cầu", thi công nhiều dự án quốc tế và tại Việt Nam còn thi công cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy xử lý rác Sóc Sơn (Hà Nội), nhà thầu nói đã thực hiện đúng hợp đồng, với quy chuẩn VEC yêu cầu. Đến nay chất lượng công trình vẫn đảm bảo, "các thiếu sót hỏng hóc chỉ mang tính cục bộ, sửa chữa được".

Trong khi đó, hai nhà thầu Hàn Quốc phản đối việc VEC yêu cầu các nhà thầu bồi thường với lý do "giám định kết luận không đúng, không chính xác, không đủ sức thuyết phục".

VKS cáo buộc trên toàn tuyến cao tốc có 550 điểm ổ gà. Ảnh: Đắc Thành

VKS khi tranh luận đã khẳng định kết quả giám định khách quan, khoa học, chính xác, xác định cả tuyến 140 km, có tổng 550 điểm ổ gà, bong tróc hư hỏng được phát hiện, sửa chữa, tức 254 m có một điểm; vừa đưa vào sử dụng đã bị hằn lõm vệt bánh xe. 5 nhà thầu đã được "ký xác nhận và tiến hành sửa chữa, chứ không thể nói "không biết gì về hư hỏng".

Phiên sơ thẩm kết thúc sau 12 ngày, kéo dài gấp đôi dự kiến.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài hơn 139 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi, khởi công ngày 19/5/2013, tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2021,giai đoạn I của vụ án đã được xét xử, liên quan 65 km không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại 811 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam giai đoạn 2, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, dài hơn 72 km, được xác định thiệt hại 460 tỷ đồng.

Thanh Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020