Chuyên mục  


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, không khí lạnh trong mùa Đông 2022-2023 hoạt động ở mức tương đương với trung bình nhiều năm.

“Đợt rét đậm năm 2022 vẫn tiếp tục có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12 và các ngày rét đậm, rét hại tập trung chủ yếu trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2023. Cao điểm rét đậm có khả năng xảy ra trong tháng 1/2023”, ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, nhiệt độ trung bình 12/2022 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; tháng 1/2023 nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Theo tính toán của cơ quan khí tượng, mùa Đông năm 2022, nền nhiệt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C.

ENSO (chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương-Đông Ấn Độ Dương được gọi là Dao động Nam) có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina (hay Hài đồng nữ - là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%.

"Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina - hiện tượng này ít gặp, thường chỉ có chu kỳ 2 năm. Dự báo số lượng bão sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa cũng nhiều hơn trung bình nhiều năm", ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, do tác động của biến đổi khí hậu, xu hướng nhiệt độ tăng trong tương lai gần như chắc chắn. Dù có thể cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức thì lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển hiện nay cũng đã làm cho trái đất nóng lên hơn 1 độ C so với giữa thế kỷ. Điều này có nghĩa trong tương lai, có thể có nhiều mùa Đông ấm.

“Theo các nghiên cứu cũng cho thấy các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ xảy ra nhiều hơn về tần suất và cường độ. Từ phân tích trên cho thấy, chúng ta vẫn sẽ chứng kiến các đợt lạnh mạnh và sâu trong bối cảnh mùa Đông ấm. Điển hình như đợt rét đậm, rét hại xảy ra 39 ngày năm 2008 tại khu vực Bắc Bộ, đợt mưa tuyết diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ năm 2016 có thể lập lại trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Hưởng nêu ví dụ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trước thời tiết lạnh và rét, người dân cần giữ ấm cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể; mặc ấm. Giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Các gia đình cần giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân tốt, không để bị ẩm mốc, tránh vi khuẩn cư ngụ, gây bệnh cho người thân.../.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020