- Ở tuổi 30, anh áp lực thế nào khi là trụ cột của một gia đình có vợ hơn tuổi và hai người con đang tuổi đi học?
- Thi là người ‘tay hòm chìa khóa’ trong gia đình cũng như vận hành, điều hành công ty nên tôi không phải suy nghĩ quá nhiều. Tôi dành nhiều tâm tư cho việc giáo dục con. 3-6 tuổi là giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ nên càng cần phải chú ý.
Đối với tôi, chuyện học hành của con không quan trọng bằng thái độ của chúng với những người xung quanh. Tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ sinh ra trong gia đình có điều kiện, tỏ ra mình là 'rich kid', tỏ thái độ bề trên, nói năng trịch thượng, không lễ phép. Tôi biết các con đang được sống đầy đủ nên dễ nảy sinh tâm lý khinh thường người khác, đi sai đường nếu bố mẹ không sát sao.
Trong hai bé, Anna bướng bỉnh và khó bảo hơn. Nếu như Kubi chỉ cần nghe bố mẹ nói "con chào cô chú đi" là làm theo liền; Anna lại khác, không thích thì sẽ không chào. Anna từ nhỏ đã ra dáng 'mợ chảnh', mới hai tuổi đã đòi hỏi nên tôi khá lo lắng. Không muốn Anna lớn lên cũng như vậy nên giờ tôi cố gắng uốn nắn con từng câu, từng chữ.
- Quan điểm giáo dục con của anh và bà xã khác nhau như thế nào?
- Thi chiều chuộng con hơn, sẵn sàng mua cho chúng quần áo, đồ dùng đắt tiền trong khi tôi có quan điểm ngược lại. Tôi không muốn các con quen với việc lúc nào cũng sẵn có những thứ tốt nhất rồi sau này bỡ ngỡ với những va đập của cuộc sống. Vợ chồng tôi từng cãi nhau gay gắt vì mâu thuẫn trong cách giáo dục con nhưng may là cả hai đều đồng quan điểm không để con mắc bệnh 'rich kid', từ đó cùng rèn luyện lời ăn tiếng nói của các bé.
- Anh đồng hành với con như thế nào trong chuyện học?
- Khi Kubi vào lớp một, tôi có cảm giác mình đang học lại lớp một từ đầu vì chương trình hoàn toàn khác ngày xưa, thậm chí có những môn tôi chưa từng học. Vì thế tôi và bà xã chia ca, nghe giảng cùng rồi dạy lại cho con và lúc nào cũng có người đồng hành với bé trong việc học online. Thời gian giãn cách xã hội, ông bà nội giúp vợ chồng tôi chăm sóc và dạy hai bé học. Tuy nhiên, ông bà không biết tiếng Anh nên cứ đến giờ ngoại ngữ là chịu. Sau này, tôi mời giáo viên tiếng Anh về dạy riêng để bé theo kịp giáo trình.
- Anh tham vọng điều gì khi mở nhà hàng rộng hàng trăm mét vuông trong năm qua?
- Vợ chồng tôi may mắn có ông bà tài trợ mặt bằng rộng hàng trăm mét vuông để thực hiện ước mơ xây dựng khu liên hợp bao gồm quán cà phê, nhà hàng, sàn tập nhảy, studio quay phim. Tôi phụ trách quán cà phê, vừa để kinh doanh vừa tiếp đón bạn bè và thỏa mãn đam mê trồng kiểng lá của mình. Riêng tiền đầu tư cho quán đã hơn 1 tỷ đồng nhưng giờ tôi phải đóng cửa, chuyển sang hoạt động online vì gia đình có người già, trẻ em nên cần hạn chế tiếp xúc với người lạ trong thời gian dịch bệnh.
- Vợ chồng anh tính toán thế nào khi kinh doanh?
- Tôi và vợ thuộc hai thế hệ, sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khác nhau. Tôi lớn lên trong gia đình có truyền thống làm kinh doanh nên rất thực tế còn vợ từ nhỏ đã sống trong môi trường nghệ thuật nên rất bay bổng. Dù vậy, tôi tôn trọng mọi quyết định của bà xã trong việc kinh doanh. Thật lòng, tôi chỉ dám góp ý chứ không dám ý kiến vì sợ cãi nhau lắm (cười).
Chúng tôi không dựa dẫm vào bố mẹ, tự xoay xở mọi thứ nên cũng có lúc kiệt quệ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, có những ngày cứ mở mắt ra là nghĩ đến tiền. Đó cũng là lý do chính dẫn đến việc vợ chồng tôi căng thẳng, thường xuyên cãi nhau khi giãn cách xã hội. Sau dịch, chúng tôi dành thời gian vun đắp tình cảm bằng cách hẹn hò riêng, đi du lịch bụi.
- Không có nguồn thu trong thời gian giãn cách xã hội, tại sao anh vẫn đầu tư cho thú chơi kiểng lá?
- Nhiều người nói Phan Hiển bị hâm khi bỏ tiền tỷ vào mấy cái cây nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, nếu không có thú vui đó để giết thời gian chắc tôi sẽ stress lắm. Mỗi lần cãi nhau với bà xã, tôi sẽ trốn vô đó cho bớt căng thẳng.
Chuyện trồng cây của tôi cũng dở khóc dở cười lắm. Ban đầu tôi nói với bà xã mỗi cây chỉ vài trăm nghìn nhưng sau đó bị cô ấy phát hiện vì tài khoản cứ cạn dần. Hai vợ chồng đã có lúc cãi nhau vì cây cối nhưng từ khi nhận ra thú vui này có thể sinh lời, cô ấy không còn nói gì nữa. Tôi rất muốn dành nhiều thời gian cho kiểng lá nhưng vẫn còn nhiều mối quan tâm khác nên không thể.
- Ưu tiên và mục tiêu lớn nhất của anh bây giờ là gì?
- Sau nửa năm đình trệ vì giãn cách xã hội, vợ chồng tôi hiện rất bận rộn với đủ thứ công việc và mối quan tâm lớn nhất chính là việc thi đấu của tôi tại SEA Games 31. Bà xã vẫn đồng hành và ủng hộ tôi trên mọi chặng đường với tư cách huấn luyện viên. Mục tiêu của tôi là giành ba huy chương, trong đó bảo toàn huy chương vàng ở SEA Games lần trước. Tôi có kế hoạch ra nước ngoài tập huấn từ tháng 3 nhưng còn phải xem tình hình Covid-19, chủ trương của ban lãnh đạo cũng như đường bay giữa các nước. Giống như mùa trước, chúng tôi sẵn sàng đầu tư 'khô máu' cho việc luyện tập để đạt kết quả tốt nhất. Với thể thao, tôi và bà xã đều không tính toán lỗ, lãi.
Ảnh: NVCC