Chuyên mục  


Nghe tin diễn viên qua đời ngày 2/11, học trò của ông - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - nói: "Thầy là điển hình cho thế hệ nghệ sĩ cống hiến hết mình, không vụ lợi". Ông từng công tác tại Đoàn Văn công Bộ đội biên phòng, nhiều năm giảng dạy ở Đại học Sân khấu Điện ảnh.

nghe-si-mai-ngoc-can-trong-phim-cuoi-ngay-keo-e-1667482724.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3zHy3Ng5BbWEjl8pByBEtQ
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trong phim 'Cưới ngay kẻo ế'

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn trong phim cuối cùng - "Cưới ngay kẻo ế". Video: Youtube Nụ Cười Vàng

Cuối đời, dù chịu nhiều nỗi đau bệnh tật, ông luôn giữ tinh thần lạc quan. Bốn năm trước, khi đang quay phim hài Tết Cưới ngay kẻo ế (Vượng Râu sản xuất, Khải Hưng đạo diễn), ông phát hiện mắc ung thư thận giai đoạn cuối nhưng giấu vì sợ ảnh hưởng cả đoàn. Chiến Thắng nhớ những lúc nghỉ ngơi, ông ngồi bệt xuống đất, ăn cơm bình dân cùng các diễn viên trẻ. Trà My ấn tượng ông ăn mặc giản dị, luôn đúng giờ, không bao giờ đến muộn. Những lúc phải chờ lâu, ông không hề tỏ ra mệt mỏi. Một lần, cả đoàn bật nhạc Modern Talking nhảy. Vì không biết ông đang ốm nặng, mọi người kéo vào chung vui, ông cũng vui vẻ nhảy cùng.

Ở nhà, những lúc rảnh rỗi, ông viết nhiều kịch bản sân khấu, truyện ngắn. Tháng ngày bệnh tật hành hạ, ông phải từ bỏ sở thích viết lách vì không đủ thể lực. Vài năm cuối đời, nghệ sĩ đi lại khó khăn, thường nằm hoặc ngồi yên một chỗ. Trong căn nhà đơn sơ trên phố Bùi Ngọc Dương (Hà Nội), ông thích lật giở những tấm ảnh từ thời sang Nga tu nghiệp, đến Trung Quốc làm phim, ôn lại kỷ niệm xưa.

nghe-si-mai-ngoc-can-bi-ung-thu-van-khao-khat-dong-phim-1550745872.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=A6kTTorYsS240fuXmzTTsg
Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn bị ung thư vẫn khao khát đóng phim

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn tâm sự về khao khát đóng phim dù mắc bệnh hiểm nghèo, video quay năm 2019. Video: Nhật Quang, Hà Thu

Nghệ sĩ từng nói ông đến với nghề nhờ duyên, cuối cùng thành cái nghiệp không thể bỏ. Năm 15 tuổi, bố ông từng định đưa con sang Nga học nhưng gặp trục trặc. Ông trở thành công nhân mỏ Cẩm Phả, Quảng Ninh, được học lắp ráp, sửa chữa ôtô. Cứ hết giờ làm, ông ra xem phim của đoàn chiếu bóng lưu động rồi mê mẩn. Ông thích phim đến nỗi nếu được phân làm ca tối, ông sẽ đổi sang ca sáng để có thể thưởng thức điện ảnh. Một lần, nghe lời một nhà làm phim trẻ, ông trốn về Hà Nội thi tuyển vào Trường Ðiện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội).

Ngày ấy, ông chưa học qua diễn xuất, vào thi "run như cầy sấy". Khi giám thị yêu cầu diễn tiểu phẩm, ông ngơ ngác hỏi "Tiểu phẩm là gì ạ?". Được các thầy hướng dẫn diễn hoạt cảnh đau lòng khi nghe tin bạn mất vì tai nạn, ông bỗng xuất thần, vừa diễn vừa khóc nhập tâm nên trúng tuyển. Bạn học của ông là nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Trà Giang, Lâm Tới, Ngọc Lan...

mai-ngoc-can-trong-phim-nguoi-tu-te-sa-nga-1667462220.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bWgkQjOhiW3_jrCdD0ZKAg
Mai Ngọc Căn trong phim 'Người tử tế sa ngã'

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn (đội mũ) trong phim "Người tử tế sa ngã". Video: Youtube Phim Việt Nam xưa

Ông tham gia nhiều phim như Vợ chồng A Phủ, Kim Đồng, Lều chõng, Nếp nhà, Đất và người, chủ yếu là vai phụ, có những nhân vật thậm chí không có tên nhưng ai cũng nhớ mặt... Nghệ sĩ quan niệm vai dài hay ngắn không quan trọng, cốt là cách thể hiện gây ấn tượng.

Diễn viên Chiều Xuân - một trong những học trò của ông - nói: "Thầy hóa thân đủ dạng vai như ông già, trí thức, nông dân... Trên màn ảnh, thầy thường gắn với các nhân vật hiền lành nhưng khi làm đạo diễn, phong cách của thầy mạnh mẽ, quyết liệt".

Sinh thời, nghệ sĩ tâm sự ông xúc động vì được khán giả mọi miền yêu mến. Nhiều lần, ông ăn phở buổi sáng, đến lúc trả tiền, chủ quán ngạc nhiên nói: "Có người trả tiền cho ông rồi mà". Lần khác, một người chở hàng nhìn thấy ông liền hỏi: "Này ông, đi quay phim à? Ông cầm lấy cái bánh mà ăn". Nhiều học trò, khán giả thương ông đến cuối đời không có danh hiệu, nhưng nghệ sĩ không bận tâm. Ông từng nói: "Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu của Nhà nước, còn tôi là nghệ sĩ của nhân dân, sống trong lòng công chúng".

Nghệ sĩ Mai Ngọc Căn bên vợ - bà Tống Thị Thanh Sơn - năm 2019. Ảnh: Ludmila, Yozy

Ông còn được ngưỡng mộ bởi cuộc tình bền lâu với vợ - nghệ sĩ múa Tống Thị Thanh Sơn. Hai người quen nhau năm 1965, khi bà 21 tuổi, còn ông 24. Bà kể: "Lúc ấy, chồng tôi đẹp trai, tốt tính, có nhiều người thích. Vậy mà chẳng hiểu sao ông từ chối các bạn khác, chỉ quanh quẩn ở bên tôi".

Cưới nhau thời kháng chiến chống Mỹ, cặp nghệ sĩ chỉ có sáu đồng, không dám mời nhiều khách. Ông bà tích trữ được một ít bột mỳ theo tiêu chuẩn, mua thêm sữa rồi nhờ họ hàng làm bánh chiêu đãi mọi người. Ông Mai Ngọc Căn mặc áo lính, còn vợ may được một chiếc áo dài mới. Địch ném bom liên tục, trong lúc tổ chức đám cưới, hai vợ chồng phải xuống hầm trú ẩn đến sáu, bảy lần.

Khi ông ngã bệnh, bà ở bên chăm sóc mỗi ngày. Những lúc sức khỏe ông tốt lên, bà rủ chồng đi bộ, vận động hoặc khiêu vũ nhẹ nhàng. Nhớ về ông, bà nói: "Nhiều năm bên nhau, tôi luôn cảm thấy an toàn, tin cậy khi ở bên chồng".

Hà Thu

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020