Chuyên mục  


Nhiều bà mẹ chia sẻ khi mang thai, bản thân luôn trong tình trạng lo lắng, hoang mang không biết thai nhi trong bụng có khoẻ hay không, đặc biệt là vào những tháng đầu khi các bé chưa đạp. Việc đi khám, được nhìn thấy em bé đang cử động trên màn hình khiến họ cảm thấy yên tâm hơn, chính vì thế mà nhiều chị em có xu hướng đi khám thai liên tục, thậm chí 1 tuần đi khám 2-3 lần. 

Liệu việc khám thai như vậy có ảnh hưởng tới em bé hay không, sóng siêu âm có gây độc hại hay dị tật cho em bé không là thắc mắc của nhiều chị em, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Dưới đây là những lời khuyên dành cho các bà bầu về việc đi khám thai của mình. 

Lợi ích của việc siêu âm

- Xác nhận mang thai và vị trí của thai: Một số thai có thể phát triển bên ngoài tử cung, trong ống dẫn trứng. Do đó, siêu âm thai có thể giúp bác sĩ phát hiện trường hợp thai ngoài tử cung để có hướng xử lý kịp thời. 

- Xác định tuổi thai: Khi biết tuổi thai, bác sĩ sẽ dự kiến ngày sinh và lên lịch, theo dõi các mốc quan trọng khác trong suốt thai kỳ. 

- Xác nhận số lượng em bé: Nếu bác sĩ nghi ngờ đa thai, siêu âm được thực hiện để phát hiện số lượng thai nhi trong tử cung. 

Mẹ nên đi siêu âm để bác sĩ đưa ra chẩn đoán cho tình trạng sức khoẻ của bản thân và thai nhi trong bụng.

- Đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi: Bác sĩ sử dụng siêu âm để xác định xem liệu thai nhi đang phát triển với tốc độ bình thường hay không và theo dõi chuyển động, nhịp thở và nhịp tim của thai. 

- Đánh giá nhau thai và nước ối. 

- Xác định dị tật bẩm sinh. 

- Tìm nguyên nhân của các triệu chứng bất thường: Nếu sản phụ bị chảy máu hoặc có các biến chứng khác, siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân. 

- Thực hiện các xét nghiệm khác: Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để hướng dẫn vị trí chọc kim trong các xét nghiệm tiền sản như chọc ối hoặc lấy mẫu lông nhung màng đệm. 

- Xác định vị trí của thai trước khi sinh.  

Siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến em bé không?

Đến thời điểm hiện nay, chưa có nghiên cứu có ý nghĩa lâm sàng về việc sóng siêu âm gây ảnh hưởng xấu hay gây dị tật đến thai. Tuy nhiên, việc các sản phụ đi siêu âm quá nhiều là không cần thiết và gây lãng phí về tài chính cho thai phụ.

Do đó, các thai phụ nên đi khám thai, siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ, đặc biệt không nên bỏ qua 3 thời điểm vàng trong siêu âm để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi, để được sự tư vấn từ bác sĩ và có kế hoạch quản lý thai nghén phù hợp.

Dù siêu âm không ảnh hưởng tới em bé nhưng mẹ không cần thiết phải đi siêu âm quá nhiều. Ảnh minh hoạ.

Hiện nay siêu âm thai là một hình thức thăm khám khá phổ biến ở hầu hết các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh. Các chuyên gia y tế khuyên các mẹ chỉ cần khám thai định kỳ theo các mốc thời gian cần thiết chứ không nên lạm dụng việc đi siêu âm thai.

Trong cả chu kỳ, nhiều người mẹ trung bình siêu âm từ 9 - 10 lần nhưng có người mới mang thai ở tuần thứ 20 mà số lần thực hiện siêu âm đã lên tới 14 - 15 lần. Điều này diễn ra phổ biến ở Việt Nam ngay cả khi sức khoẻ của mẹ và bé hoàn toàn bình thường.

Các mốc thời gian quan trọng để tiến hành siêu âm thai

Đi khám và siêm âm thai lần 1 (5 - 8 tuần)  

- Xác định có thai, tình trạng của thai. 

- Siêu âm xác định số lượng thai, vị trí túi thai (nằm trong buồng tử cung hay nằm ngoài tử cung), kiểm tra tim thai, tính tuổi thai, ngày dự sinh.  

- Xét nghiệm: HIV, giang mai, Rubella, HbsAg, đường huyết, huyết đồ, nước tiểu. Điện tâm đồ.

- Ở thời điểm này nhiều mẹ bầu hiện nay cũng chọn xét nghiệm Nipt, tuy giá đắt đỏ hơn nhưng cũng giúp phát hiện những bất thường sớm hơn.  

Đi khám và siêu âm thai lần 2 (11 tuần - 13 tuần 6 ngày) 

- Siêu âm đo độ mờ da gáy. 

- Làm xét nghiệm Double test tầm soát dị tật thai nhi.  

Đi khám và siêu âm thai lần 3 (16 tuần - 22 tuần) 

- Siêu âm 2D đánh giá hình thái và sự phát triển thai nhi. 

- Làm xét nghiệm Tripple test (nếu chưa làm xét nghiệm Double test). Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các vấn đề sức khỏe của thai nhi như các rối loạn về gen, dị tật ống thần kinh. 

Đi khám và siêu âm thai lần 4 (22 tuần - 28 tuần)

- Theo dõi sự phát triển bất thường của thai; phát hiện những bất thường của thai nhi và mẹ. 

- Siêu âm 4D đánh giá hình thái thai nhi. 

- Siêu âm đánh giá độ dài cổ tử cung (trường hợp có nguy cơ sinh non). 

- Tiêm phòng uốn ván lần 1. 

- Thực hiện xét nghiệm dung nạp đường. 

Các mẹ nên nắm rõ mốc đi khám thai của mình nhé. Ảnh minh hoạ.

Đi khám và siêu âm thai lần 5 (28 tuần - 32 tuần)

- Kiểm tra ngôi thai. 

- Siêu âm 4D đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn...  

- Tiêm uốn ván lần 2 (nếu sản phụ sinh con lần đầu hoặc lần 2 sau 5 năm). 

Đi khám và siêu âm thai lần 6 (32 tuần - 34 tuần)

- Siêu âm 2D theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn...  

- Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring (Non-stress test). 

Đi khám và siêu âm thai lần 7 (34 tuần - 36 tuần) 

- Siêu âm 2D đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn...  

- Tổng phân tích nước tiểu. Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring (Non-stress test).

Đi khám và siêu âm thai lần 8, 9, 10 (36 tuần - 39 tuần)

- Theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện những bất thường của thai và mẹ. Hẹn tái khám 1 lần/ tuần. 

- Siêu âm 2D đánh giá tình trạng của thai nhi, xác định ngôi thai, vị trí nhau, tình trạng nước ối, dây rốn,...  

Đi khám và siêu âm thai sau 39 tuần

- Hẹn tái khám 3 ngày/ lần. Siêu âm 2D, siêu âm màu (nếu thai trên 40 tuần).  

- Tổng phân tích nước tiểu. Theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitoring (Non-stress test). 

Lưu ý: Khi có những dấu hiệu như ra huyết, nước âm đạo, đau bụng, thai máy bất thường hoặc không máy, thai phụ cần đi khám ngay. 

Những thước ảnh này chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm đáng quý.

Mẹ bầu cần lưu ý điều gì khi đi siêu âm?

Trước khi đi siêu âm mẹ bầu nên tham khảo trước cơ sở siêu âm phù hợp và thuận tiện với nơi ở hiện tại. Trước lúc tiến hành siêu âm mẹ bầu không nhất thiết phải nhịn ăn nhưng nên uống nhiều nước để bàng quang căng hơn trong trường hợp thai nhi dưới 10 tuần tuổi, từ đó giúp hình ảnh thu về được rõ nét và dễ quan sát.

Bên cạnh siêu âm, trong một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm cần thiết để bao quát được tình trạng sức khoẻ của mẹ. Đối với những thai phụ mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh về huyết áp, tim mạch,... số lần thăm khám cũng như siêu âm có thể nhiều hơn bình thường vì phòng những biến chứng phức tạp có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.

Ngoài ra để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần lưu ý tới chế độ ăn và chăm sóc bản thân thật kỹ. Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, giữ tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, tránh căng thẳng và chăm chỉ vận động nhẹ nhàng để hai mẹ con đều được khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

(Tổng hợp)

https://afamily.vn/me-bau-sieu-am-nhieu-lan-co-anh-huong-toi-thai-nhi-khong-va-nhung-dieu-can-luu-y-khi-kham-thai-20220617112812539.chn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020