Chuyên mục  


Một ngày trong năm Ung Chính thứ 13 (năm 1735), một cặp vợ chồng sống tại Hà Nam đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến to tiếng. 

Nguyên nhân cuộc cãi vã là vì người đàn ông Vương Hắc Tiểu sai khiến người vợ Dư thị pha trà. Nhưng vì tình trạng sức khỏe không ổn nên cô đã không đi pha trà ngay lập tức. Mặc cho người chồng la lối nhiều lần liên tiếp nhưng Dư thị vẫn không nhúc nhích tay chân. 

Vương Hắc Tiểu tức giận đã lớn tiếng mắng Dư thị nhưng cô cũng không vừa, đáp trả từng câu với chồng. Vừa nóng giận vì vợ không vâng lời, vừa bị vợ mắng chửi không hề dễ nghe, Vương Hắc Tiểu đã bước đến đấm thẳng vào tai trái Dư thị.

Người phụ nữ bị đánh bất ngờ nên ngã xuống đất nhưng miệng càng mắng chửi nặng nề hơn: "Cha mẹ già chết tiệt của ông đã nuôi dạy ông thành một kẻ man rợ như vậy hả?".

Câu nói này khiến Vương Hắc Tiểu không còn giữ được lý trí nữa, nhặt một thanh củi trong góc nhà và liên tục đánh vào người vợ. Dư thị sau đó đã giơ tay trái che gương mặt vừa bầm tím vừa chảy máu. Nhưng lúc này, người chồng đã rất điên tiết, vẫn tiếp tục đá vào đầu Dư thị. Cô ngất xỉu tại chỗ rồi tắt thở sau đó. 

Ảnh minh họa.

Vương Hắc Tiểu thấy vợ nằm bất động trên mặt đất mới chợt hoàn hồn, biết mình đã sai khi đánh chết vợ, anh ta bắt đầu sợ hãi. Tuy nhiên, người chồng lại quyết định thực hiện kế hoạch trốn tội: Dùng một sợi dây thừng siết cổ người vợ đã chết để tạo hiện trường chết do treo cổ tự tử; vết máu trên thi thể được lau khô và thay quần áo cho người chết rồi đặt lên giường. 

Sau khi nghĩ rằng mọi đã ổn thỏa, Vương Hắc Tiểu rơi vài giọt nước mắt rồi chạy sang gia đình thúc thúc (chú) của vợ báo tin buồn. Anh ta nói, hai vợ chồng cãi nhau và Dư thị vì suy nghĩ không thông nên đã treo cổ chết.

Dư Thủ Nhạc, chú của nạn nhân, vội chạy đến nhà họ Vương. Khi thấy phần đầu và tay trái của cháu gái đầy kín vết thương và bầm tím, ông nảy sinh nghi ngờ nên đã vội vàng báo án đến quan địa phương. 

Huyện lệnh (người đứng đầu một huyện ngày xưa) và Ngỗ tác (người làm nghề pháp y ngày xưa) Lý Đạo Như nhanh chóng có mặt tại hiện trường để khám nghiệm tử thi.

Mặc dù Ngỗ tác Lý Đạo Như phát hiện hàng chục vết thương ở tay trái và phần đầu của nạn nhân nhưng ông chỉ viết trong báo cáo là "Có dấu vết dây thừng ở phần cổ". Ông không nói rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết kia. Sau cùng, Huyện lệnh đã kết tội "Vô ý giết vợ" cho Vương Hắc Tiểu, sau đó báo cáo kết quả cho Tri phủ (người đứng đầu một phủ hoặc châu ngày xưa)

Tri phủ sau đó phái Ngỗ tác khác đến khám nghiệm tử thi một lần nữa. Lần này báo cáo khám nghiệm ghi rõ: "Trên cổ thi thể không có vết bầm tím mà chỉ có những vết trắng", Tri phủ quyết định tái thẩm với bản báo cáo này.

Sau nhiều lần đề thẩm (đưa đi xét hỏi) Vương Hắc Tiểu, hắn ta cũng đã khai nhận sự thật. Lời khai của người chồng hoàn toàn trùng khớp với kết quả khám nghiệm xác chết Dư thị lần 2. 

Cuối cùng, Vương Hắc Tiểu bị kết án về tội "Chồng đánh vợ đến chết" và hình phạt là xử trảm. Huyện lệnh và Ngỗ tác Lý Đạo Như có sai sót trong quá trình xét xử nên đã bị phạt đánh 80 gậy mỗi người.

Đáng lẽ Vương Hắc Tiểu phải thi hành án tử vào mùa thu cùng năm nhưng hắn ta lại gặp may. Quá trình thẩm tra xét xử vụ án này diễn ra vào thời điểm Hoàng đế Ung Chính băng hà và Hoàng đế Càn Long lên ngôi. Theo thông lệ từ trước, tân Hoàng đế đã ban sắc lệnh đại xá (ân xá) vào ngày 3 tháng 9 năm Ung Chính thứ 13, miễn giảm hình phạt cho tất cả các tội phạm đang bị giam giữ chờ thi hành án. Lệnh ân xá cũng nhấn mạnh, nếu những kẻ này phạm thêm bất kỳ tội nào nữa sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc hơn.

Vào ngày 18 tháng 9 năm Càn Long thứ 1 (năm 1735), Hình bộ đã trình vụ án của Vương Hắc Tiểu, đề xuất ân xá cho anh ta theo lệnh đại xá. Hoàng đế Càn Long đã phê chuẩn và kẻ giết vợ đã thoát khỏi chế tài của pháp luật như thế.

Nguồn: Toutiao

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020