Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán 2023, đây là thời điểm mà nhu cầu tài chính của người dân tăng cao. Đặc biệt đối với những lao động vừa trải qua làn sóng cắt giảm nhân sự cuối năm cũng như đang gặp khó khăn trong việc tìm việc làm. Chính vì vậy, rất nhiều "công ty đầu tư tài chính" đã mọc lên với lời quảng cáo "đầu tư nhanh, lãi suất cao"... Tuy nhiên thực chất đây là chiêu trò lừa đảo tài chính khiến nhiều người không những mất sạch tài khoản mà còn mang nợ.
Núp bóng “đầu tư tài chính” để lừa đảo
Câu chuyện lừa đảo bằng cách kinh doanh đa cấp, đầu tư forex trên mạng thời gian qua diễn ra rất nhiều, dù được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo thế nhưng các nạn nhân vẫn liên tục sa bẫy.
Giữa tháng 11 vừa qua, Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của một người phụ nữ ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội về việc đã mất hơn 2 tỷ đồng sau khi tham gia đầu tư trên mạng.
Theo đơn trình báo, chị M. (SN 1973, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, trong thời buổi các kênh đầu tư đều khó khăn, để tiền ngân hàng thì lo lạm phát mất giá, chị đã tìm kiếm các kênh đầu tư trên mạng. Sau đó chị được một tài khoản facebook với tên gọi "Đầu tư thông minh an toàn 4.0" liên lạc. Được chào mời quá hấp dẫn với lãi suất ban đầu lên tới 30%/năm - gấp 6 lần lãi suất ngân hàng hiện tại, chị đã “mạnh tay” xuống tiền. Ban đầu chỉ vài chục triệu đồng, rồi cứ bị câu nhử dần dần với lãi suất tăng theo cấp số nhân lên đến hàng trăm % mỗi năm. Thế nhưng khi thấy có lãi suất, chị M. muốn rút tiền nhưng không được. Sau đó, các đối tượng yêu cầu chị phải nạp thêm tiền vào tài khoản trên sàn thì mới mở khóa để rút tiền. Chị M. đã chuyển hơn 2 tỷ đồng cho các đối tượng nhưng vẫn không rút được tiền ra. Lúc này chị mới biết mình bị lừa.
Người dân cần cảnh giác với những trò lừa đảo bằng công nghệ 4.0
Hay như trường hợp của chị N.T.H.H (ngụ tại quận 3, TPHCM) vốn chỉ là một công nhân nhưng sau khi được tư vấn tham gia đầu tư vào sàn giao dịch bất động sản, chị H. không những không thu lời được đồng nào mà còn mang thêm cục nợ hàng chục triệu vay mượn để đầu tư.
Đang lúc thời điểm nhiều doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, những công nhân như chị H. bị giảm giờ làm, dẫn đến thu nhập không ổn định thì chị được "mời" làm nhà đầu tư sàn giao dịch bất động sản. Với nhiều lời hứa hẹn hết sức hấp dẫn như "nhận tiền sau 24 giờ làm việc, nhà đầu tư nhận hoàn gốc 100%... chị H. đã tham gia với mong muốn kiếm thêm thu nhập.
Mặc dù cũng lo ngại bị lừa đảo nhưng chị H. vẫn tham gia. Ban đầu chị H. e dè và chỉ tham gia là 10 triệu đồng. Thế nhưng với lãi suất cao ngất ngưởng, bằng số tiền hơn cả một ngày làm việc cật lực mà chị nhận được sau những lần đầu tư đầu tiên, chị H. đã tin tưởng và tiếp tục "đầu tư" với số tiền lớn hơn. Vay mượn bạn bè, chị H. đầu tư thêm. Cho đến khi thấy không thể "moi" thêm được từ chị H., bọn lừa đảo khóa máy, cuối cùng nạn nhân ôm nợ vài chục triệu đồng sau khi đã trừ đi khoản lãi mà bọn lừa đảo dùng để "câu mồi".
Thông qua sự phổ biến của các MXH tại Việt Nam, các đối tượng đã phát tán thông tin lừa đảo.
Trường hợp như chị M. và chị H. chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người mất tiền triệu, tiền tỷ tiền tỷ vì nhẹ dạ cả tin, vì lòng tham làm mờ mắt. Nhiều "nhà đầu tư" cho biết, qua Facebook, Zalo và các mạng xã hội, họ liên tiếp nhận được lời mời tham gia các sàn giao dịch, với lời hứa đều đặn trả lãi cho nhà đầu tư lên tới 30%/tháng, thậm chí nếu mời được người khác tham gia, tổng cộng mức lợi nhuận, nếu tính cả hoa hồng, có thể lên tới 300%/tháng.
Lương tháng 13 có phải là thưởng Tết?
Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh các ngân hàng, công ty tài chính, cả quỹ đầu tư để tạo uy tín, mời nhà đầu tư tham gia đầu tư qua mạng xã hội với lãi suất rất cao.
Như mới đây, Công ty CP Quản lý Quỹ VinaCapital (VinaCapital) vừa phát đi cảnh báo về việc cá nhân mạo danh để lừa đảo khách hàng. Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên của công ty gọi điện thoại mời chào với mức lãi suất hàng ngày rất cao. Các cá nhân này sẽ yêu cầu nhà đầu tư chuyển tiền vào một tài khoản của cá nhân để đặt lệnh dẫn đến việc nhà đầu tư bị lừa mất tiền.
Công ty quản lý quỹ này khẳng định số tiền đầu tư vào các quỹ mở VinaCapital không bao giờ được yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân, chỉ chuyển vào tài khoản của quỹ mở tại ngân hàng giám sát. Tài khoản quỹ tại ngân hàng giám sát được kiểm soát bởi Ủy ban chứng khoán nhà nước để bảo đảm tiền của các quỹ được sử dụng đúng vào mục đích đầu tư. Các số tài khoản của các quỹ đã được công bố trên trang web của VinaCapital.
Các đối tượng còn mạo danh cả các quỹ tài chính để lừa đảo người tham gia.
Tương tự, một quỹ đầu tư khác là Dragon Capital Việt Nam cũng ghi nhận thông tin có các đối tượng mạo danh là nhân viên quỹ này tiếp cận nhiều người qua các kênh chat room, facebook và kể cả cộng đồng nhà đầu tư Dragon Capital Việt Nam nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi nạn nhân bị lừa với số tiền khá lớn sau khi tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng mạo danh này.
Dragon Capital Việt Nam khẳng định chỉ cung cấp thông tin và tư vấn dịch vụ qua các kênh chính thức của công ty. Khi được tiếp cận bởi các đối tượng lạ tự xưng là nhân viên của quỹ này, nhà đầu tư cần kiểm chứng. Dragon Capital khẳng định chỉ cung cấp các sản phẩm đầu tư vào các quỹ mở và quỹ ETF cho nhà đầu tư đại chúng. Nhà đầu tư cần tham khảo kỹ để tránh tình trạng đối tượng xấu mạo danh lừa đảo tham gia các hoạt động và sản phẩm bất hợp pháp.
Chiêu trò cũ, nạn nhân mới
Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời gọi đầu tư tài chính xuất hiện nhiều trở lại nhưng dưới hình thức khác và tận dụng lợi thế của internet và mạng xã hội. Dù xuất hiện dưới nhiều hình thức nhưng thực chất, các phương thức lừa đảo thông qua “đầu tư tài chính” này đều dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng bị biến tướng, lấy tiền của người vào sau trả lãi cho người trước, đến một thời điểm nào đó khi số tiền huy động đã đủ lớn thì những người đứng đầu đường dây sẽ bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các mô hình này đều có những đặc điểm khá giống nhau: Cam kết mang lại lợi nhuận cao với rủi ro thấp, thậm chí không rủi ro và trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư đóng tiền, đảm bảo lợi nhuận ổn định, bất kể thị trường biến động hay không. Ngoài ra, các đối tượng cũng "bao lỗ", "bao cháy" tài khoản - dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì "cháy" tài khoản.
Các phương thức lừa đảo thông qua “đầu tư tài chính” đều dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp nhưng đã biến tướng, khiến nhà đầu tư mất cảnh giác.
Các đối tượng đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin của nhiều người với cam kết về lãi suất cao. Các đối tượng thường thực hiện hành vi theo hội nhóm, thậm chí có tổ chức. Đặc biệt trong bối cảnh với sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng lại càng tiếp cận được với nhiều “con mồi” hơn.
Ông Phan Dũng Khánh - chuyên gia đầu tư trả lời trên báo CAND về hình thức lừa đảo này: “Nếu các hình thức đầu tư mà lợi nhuận mang về gấp 3 lãi suất ngân hàng thì nhà đầu tư phải cảnh giác”. Vị chuyên gia này cũng nhận định, lừa đảo tài chính vốn là loại lừa đảo “đẳng cấp nhất” trong các loại lừa đảo vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, thậm chí am hiểu tâm lý học giúp đánh giá “con mồi” chính xác để một khi đã ra chiêu thì gần như không ai từ chối được.
Trước diễn biến phức tạp của các hình thức lừa đảo núp bóng đầu tư tài chính như vậy, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên và cảnh giác không để bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch thương mại điện tử lãi suất cao trên mạng, tránh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các hình thức này nở rộ khắp nơi, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi người dân ít hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo tài chính phức tạp. Hệ lụy để lại của nó quá lớn cho nhiều gia đình, xã hội.