Cụ thể; Bộ Y tế đề xuất thời gian cách ly của F1 hiện nay là 5 ngày (tại nhà) với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều, đề xuất chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm thay vì cách ly.
Trong thời gian theo dõi sức khỏe, F1 được yêu cầu xét nghiệm vào ngày thứ 5, nếu âm tính vẫn tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo, thực hiện 5K, không tiếp xúc với người nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền...).
Cũng theo đề xuất này, F0 và không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly 7 ngày và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính có thể quay lại làm việc trực tuyến; tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại gia đình, cơ sở lưu trú hoặc điều trị. Nếu tham gia làm việc tại cơ sở điều trị phải thực hiện 5K và phòng hộ.
Với F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến, nếu làm việc trực tiếp các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
Bộ Y tế đề xuất F0, F1 không có triệu chứng có thể đi làm
Theo báo cáo của Bộ Y tế gửi Thủ tướng, quy định đối với trường hợp F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine COVID-19 có thể tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
Tuy nhiên, với trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp F1 sao cho đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Các trường hợp F1 cũng sẽ được di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.... Ngoài ra, F1 cũng cần thực hiện nghiêm 5K xét nghiệm COVID-19 ngày thứ 5 và theo dõi bất thường về sức khỏe.
Ngoài đề xuất về quy định làm việc của F0 và F1, Bộ Y tế cũng báo cáo Thủ tướng về việc cho phép F1 chỉ tự theo dõi sức khỏe 10 ngày, nếu đáp ứng một trong các điều kiện như tiêm đủ liều vaccine, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày; từng là F0 khỏi bệnh trong ba tháng. F1 xét nghiệm PCR hoặc test nhanh vào ngày thứ 5, kể từ thời điểm tiếp xúc F0.
Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành"
Về đề xuất coi COVID-19 là bệnh "đặc hữu", báo cáo Bộ Y tế nêu rõ, dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang "bệnh lưu hành". Do đó, tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương và số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.
Bên cạnh đó, do virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, thậm chí có biến thể phụ có thể né miễn dịch, gây tái nhiễm khiến tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
"Vì vậy, thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành", Bộ Y tế đề xuất.