Chuyên mục  


Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 9 của Việt Nam do hãng dữ liệu thông tin và phân tích S&P Global (Mỹ) công bố ghi nhận mức 47,3 điểm, giảm từ 52,4 của tháng 8, chấm dứt chuỗi 5 tháng liên tục tăng trưởng.

PMI dưới ngưỡng 50 điểm đồng nghĩa tình hình sản xuất suy giảm, đánh dấu sự đi xuống rõ rệt nhất trong tình hình sức khỏe của ngành kể từ tháng 11/2023. Andrew Harker, kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence lý giải bão Yagi là nguyên nhân làm đứt mạch tăng trưởng sản xuất.

"Bão Yagi đã gây ra tác động nghiêm trọng với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam khi mưa lớn và lũ lụt khiến các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất", ông nói.

Diễn biến PMI sản xuất Việt Nam từ 2011 đến quý III/2024. Trên 50 thể hiện hoạt động sản xuất mở rộng và ngược lại. Nguồn: S&P Global

Hậu quả là sản lượng, đơn hàng mới, mua sắm và lượng hàng tồn kho đều đi xuống. Đơn hàng xuất khẩu mới giảm nhẹ, khiến doanh nghiệp lần đầu tiên ít mua sắm hơn sau 6 tháng. Gián đoạn trong các dây chuyền sản xuất dẫn đến khối lượng công việc tồn đọng tăng lên mức cao nhất trong 2,5 năm.

Bão Yagi và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phía Bắc và Thanh Hóa hôm 7/9 gây thiệt hại về người, tài sản. Cuối tháng 9, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các địa phương, nền kinh tế chịu thiệt hại khoảng 81.500 tỷ đồng. Mức này cao gấp đôi số liệu ước tính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cách đó nửa tháng.

HSBC mới đây nhận định hậu quả kinh tế để lại sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần tới. Trong khi, Ngân hàng UOB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam từ 6% xuống 5,9% vì bão.

Tại đầu tàu kinh tế TP HCM, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng cho biết địa phương không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão nhưng vẫn chịu tác động liên đới đến tư liệu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và du lịch, phần nào kéo giảm tăng trưởng GRDP của quý III.

Nhà xưởng trong khu công nghiệp ở Đồ Sơn, Hải Phòng bị tốc mái do bão Yagi, ngày 9/9/2024. Ảnh: Lê Tân

Tuy nhiên, S&P Global cho rằng tác động của bão Yagi là tạm thời. Khảo sát PMI cho thấy các nhà sản xuất ở Việt Nam vẫn lạc quan, rằng sản lượng sẽ tăng trở lại vào 2025. Tâm lý lạc quan đã đạt mức cao nhất 3 tháng qua, khi doanh nghiệp tin rằng nhu cầu sẽ sớm hồi phục.

"Nhu cầu cơ bản vẫn có xu hướng hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng của sản xuất khi quá trình khôi phục sau bão bắt đầu", ông Andrew Harker nói.

Khảo sát của Cục Thống kê TP HCM với doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn cũng ghi nhận tâm lý tương đồng. Hơn 62% doanh nghiệp nghĩ rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, trong khi gần 25% dự báo ổn định.

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020