Chuyên mục  


Ngày 6/7, ông Lê Tấn Hùng (56 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sagri) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) bắt tạm giam sau hơn một năm phát hiện hàng loạt hành vi sai phạm.

Ông Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải. Trước khi giữ chức Tổng giám đốc Sagri – một trong 8 tổng công ty trực thuộc UBND thành phố, ông là Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên Xung phong TP HCM.

Trong kết luận chuyển sang cơ quan điều tra, Thanh tra TP HCM xác định, quá trình ông Hùng quản lý, điều hành hoạt động của Sagri (từ năm 2016) có nhiều thiếu sót, khuyết điểm. Trong đó, nổi bật là sai phạm được chỉ ra hồi tháng 2 - Công ty cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex, công ty thành viên của Sagri) đã bán hơn 3,6 ha đất trồng cây lâu năm tại xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) với giá "bèo".

Ông Lê Tấn Hùng (trái) và Nguyễn Thành Mỹ (cựu phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Sagri) tại cơ quan điều tra. Ảnh:Bộ Công an.

Cụ thể, UBND thành phố giao tài sản cố định để Forimex (lúc đó là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sài Gòn) cổ phần hóa, trong đó có khu đất này. Tháng 6/2018, Sở Tài nguyên - môi trường Kiên Giang cho Forimex thuê khu đất để trồng cây lâu năm. Trong hợp đồng có điều khoản "... không được chuyển giao quyền sử dụng cho bên thứ ba...". Nhưng từ tháng 3/2018, ông Trần Việt Thắng (Phó chủ tịch HĐQT Forimex) đã ký hợp đồng chuyển nhượng kiêm hợp đồng đặt cọc khu đất trên với giá 280.000 đồng mỗi m2, trong khi giá thị trường khoảng 3 triệu đồng.

Để thực hiện việc này, người đại diện vốn của Sagri (hơn 26%) tại Forimex đã biểu quyết chuyển nhượng khu đất trước khi xin ý kiến hội đồng thành viên Sagri. Hành vi này bị cho là vi phạm quy định, đồng thời vi phạm hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Ngoài ra, năm 2016, Sagri đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B (quận 9) cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Mức giá này thấp hơn giá mà Tổng công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty Phong Phú là 72%.

Lực lượng chức năng khám nhà và nơi làm việc của ông Lê Tấn Hùng tại quận 3. Ảnh: Hữu Khoa.

Kết luận thanh tra chỉ ra rằng, Sagri chuyển nhượng vốn góp (thực chất là chuyển quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng công ty Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là vi phạm: Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Việc Sagri không thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cũng được xác định là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ; và việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận (tỷ lệ cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh) là không đảm bảo quyền lợi cho Sagri.

Sagri cũng bị cho là báo cáo không trung thực khi đã ủy quyền cho Tổng công ty Phong Phú tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án (thực hiện phân lô bán nền từ năm 2012) nhưng 5 năm sau lại có văn bản gửi UBND thành phố cam kết "chưa huy động vốn". Việc này có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh các sai phạm chuyển nhượng đất, dự án, Sagri còn có các sai phạm trong những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng" nhưng không xin ý kiến của UBND thành phố hoặc chưa được chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất như: dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò (Bình Chánh) sử dụng hơn 89 ha đất; hai dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 452 ha (xã Phạm Văn Cội, Củ Chi) và 140 ha (xã Phạm Văn Hai, Củ Chi).

Hành vi của ông Lê Tấn Hùng và cấp dưới Nguyễn Thành Mỹ (cựu phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư Sagri) bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS năm 2015, khung hình phạt cao nhất 20 năm tù.

Khám nhà ông Lê Tấn Hùng và cấp dưới

Cảnh sát thu giữ tài liệu tại nhà ông Hùng và Mỹ sáng nay. Video: Điệp Nguyễn - Đức Huy - Hoàng Thanh.

Trước đó, năm 2017 Thanh tra thành phố kết luận, trong một tháng (từ tháng 10 đến 11/2016) ông Hùng ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Nam Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...) có tổng giá trị hơn 13,3 tỷ đồng với Công ty thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế và Công ty du lịch Thanh niên xung phong.

Tuy nhiên, kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an thành phố xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi do Sagri tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Hai công ty du lịch cũng xác nhận đã tất toán 10 hợp đồng với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV nhưng thực tế không thực hiện chuyến đi.

Giải trình về hành vi này, ông Hùng cho biết, do bận kỷ niệm 20 năm ngày thành lập đơn vị nên nhiều người không thể tham gia chuyến đi, dời kế hoạch sang năm 2017. Nhưng năm 2017 công ty gặp khó khăn nên đã ngừng tổ chức và 2 đơn vị lữ hành cũng hoàn trả phần lớn kinh phí.

Thanh tra thành phố cho rằng, việc Sagri không thực hiện các chuyến đi học tập nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí hơn 13,3 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán. Nếu không phát hiện kịp thời ngân sách Nhà nước bị sử dụng không đúng mục đích. Trách nhiệm này thuộc về Tổng Giám đốc Lê Tấn Hùng và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy.

Trung Sơn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020