Chuyên mục  


Từ thành phố kiểu mẫu của Venice ở Palmanova đến thiết kế tầm nhìn Radiant City (thành phố Rạng Rỡ) của Le Corbusier,… tất cả đều là những minh họa cụ thể và rõ nét cho ý tưởng quy hoạch tổng thể với tham vọng không ngừng đổi mới phát triển kiến trúc.

Trong suốt quá trình không ngừng phát triển của ngành kiến trúc xây dựng, các KTS có tầm nhìn đã liên tục sáng tạo, hình dung ra những thiết kế kiến trúc độc đáo và đặc biệt cho thành phố tương lai của chúng ta. Từ thành phố kiểu mẫu của Venice ở Palmanova đến khu nhà cao tầng với sức chứa 5.000 người do KTS người Ý – Paolo Soleri phác thảo, hay thành phố Broadacre của Frank Lloyd Wright và cả Corbusier’s Radiant City (thành phố Rạng Rỡ) của KTS lừng danh Le Corbusier,… đều là những minh họa cụ thể và rõ nét cho ý tưởng quy hoạch tổng thể với tham vọng không ngừng đổi mới phát triển kiến trúc.

Ngày nay, thế giới càng phát triển, người ta lại càng không ngừng nghiên cứu nhiều cách tiếp cận mới đối với quy hoạch đô thị để có thể biến đô thị thành một nền kinh tế xanh trong tương lai. Năm 2018, những nhà lãnh đạo và tổ chức tri thức ở Hà Lan đã khởi xướng công trình nghiên cứu thiết kế “Thành phố của tương lai năm 2050” với mục đích tìm kiếm, sáng tạo và nghiên cứu các phương án thiết kế thành phố trong tương lai có thể thích ứng cũng như đối phó với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và cũng rất có thể là cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, VenhoevenCS – công ty kiến trúc hàng đầu cùng hợp tác hoạt động trong nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu và cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn về quy hoạch tổng thể và sự phát bền vững của đô thị mới.

Dưới đây là tổng hợp một số nghiên cứu điển hình của công ty VenhoeveCS và một số so sánh về chúng với phương án thiết kế của Le Corbusier ở Thành phố Radiant. Cùng với đó, Archdaily cũng xem xét lại các công trình trong quá khứ và làm rõ ràng hơn về tính sáng tạo trong công trình kiến trúc trước đây đã giải quyết được một số vấn đề môi trường hay chưa. Đồng thời, thảo luận thêm về việc liệu các nguyên tắc thiết kế của Corbusier có còn áp dụng đươc với thực tế kiến trúc hiện đại như những gì ông đã tưởng tượng trước đó hay không.

1. Đô thị xanh

Le Corbusier lần đầu tiên công bố bản nghiên cứu quy hoạch tổng thế đô thị chưa được thực hiện Ville Radieuse (Thành phố Rạng rỡ) của mình vào năm 1933, ông đã hình dung ra một thành phố tương lai sẽ xuất hiện đầy rẫy những tòa cao ốc chọc trời có mật độ dân số đông đúc và cấu hình của chúng tương tự như nhau. Ngoài ra chúng được phân bố trên một khu vực xanh rộng lớn và được bố trí trong một lưới Descartes, cho phép thành phố hoạt động như một “cỗ máy sống”.

Thêm nữa, Le Corbusier đã đề xuất ý tưởng về những khu vườn trên mái với các loại thực vật xanh phong phú nhằm phục hồi không gian xanh ngập nắng bị mất bên dưới những tòa nhà chọc trời. Đồng thời đề xuất xây dựng các đường cao tốc trên cao và cổng tự động cách mặt đất 5m để dành toàn bộ mặt bằng bên dưới cho người đi bộ cũng được Le Corbusier trình bày trong nghiên cứu của mình.

Xem xét nghiên cứu trên và nhìn vào thực tiễn, trước tiên về mặt tích cực, các quan điểm có trật tự và tiêu chuẩn hóa cơ học của Le Corbusier thực sự là tiên phong cho kiểu nhà ở mật độ cao và cũng giải quyết được vấn đề giao thông hiệu quả. Tuy nhiên, đánh giá ở một khía cạnh khác, KTS dường như đã bỏ qua thực tế rằng khi một thành phố được thiết kế giống như một “cỗ máy sống” và chủ yếu sử dụng phương tiện ô tô sẽ dẫn đến một loạt các vấn đề về môi trường như: phát thải khí nhà kính và sự nóng lên toàn cầu sẽ xuất hiện.

So sánh với một một công trình nghiên cứu khác của VenhoevenCS là Trung tâm dưới nước cho Thế vận hội Paris 2004 (Olympic Aquatics Centre Paris 2004), các KTS đã có một cách tiếp cận hoàn toàn mới và bền vững hơn trong việc phủ xanh đô thị để giải quyết các vấn đề môi trường. Ví dụ như: một hệ thống tái chế nước mưa và nước ngầm được đề xuất, nó được kích hoạt bằng cách giảm bề mặt cứng của vỉa hè và đường phố. Toàn bộ nước mưa sẽ được thu hoạch và thấm trực tiếp vào lòng đất để nâng cao mực nước ngầm.

Họ cũng đề xuất tăng cường phủ xanh ở các thành phố để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong thành phố, đồng thời tạo khoảng trống cho nước mưa có thể thấm vào và giúp làm giảm nhiệt độ cho đô thị. Cây cối phù hợp môi trường của từng vùng sẽ giúp cải thiện đa dạng sinh học. Chúng được thiết kế ở trên mái nhà hay mặt tiền đều sẽ giúp tạo ra môi trường sống trong lành hơn.

2.  Zoning (Phân chia khu vực)

Trong thiết kế của Le Corbusier về các thành phố tương lai, việc phân chia khu vực cũng được ông lưu ý xem xét, chẳng hạn như một khu kinh doanh sẽ được đặt ở trung tâm nhằm kết nối các khu dân cư và thương mại xung quanh thông qua phương tiện giao thông ngầm.

Các tòa cao ốc sẽ đóng vai trò là khu tập trung dân cư thẳng đứng với nhiều tiện ích công cộng như khu giặt là riêng, sân chơi và nhà trẻ được bố trí trên tầng thượng,… Mỗi một tòa nhà đều có những không gian chung dành cho tất cả các hộ dân cư cùng sinh hoạt chung sống trong một tòa nhà. Điểm đặc biệt nổi bật đem lại lợi ích của việc phân chia khu dân sinh này là người dân có thể tha hồ tận hưởng sự bình yên khi không còn phải hàng ngày đối mặt với các nhà máy công nghiệp sản xuất nữa.

Mặc dù đây là một ý tưởng hoàn hảo cho một không gian sống hiện đại và phát triển cho các thành phố tương lai, tuy nhiên những ý tưởng này của Le Corbusier đã gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều vì xét tổng thể thì vấn đề thiếu không gian công cộng vẫn gặp phải hạn chế và ý tưởng cũng được đánh giá là xem nhẹ khả năng sinh sống cho người dân. Minh họa thực tiễn cho điều đó là các khu chung cư kiểu Unité ở ven đô hiện là đối tượng có mức độ nghèo đói và tội phạm cao.

Dự án quy hoạch thành phố mới ở phía Nam thành phố Ôn Châu của VenhoevenCS đã có sự xem xét tác động của việc quy hoạch thành phố đối với hệ sinh thái và canh tác cộng đồng. Ở công trình quy hoạch này, các hệ sinh thái tự duy trì ở thành phố và nông thôn vẫn được duy trì để người dân ở nông thôn có thể tập trung vào cải tạo và phục hồi, tái tạo đất ngập nước, đất than bùn và trồng lại rừng với các loại cây bản địa. Trong khi đó, phân vùng chức năng tổng hợp sẽ dần được thay thế cho phân vùng đơn chức năng nhằm cải thiện mức sống và chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính trở thành nền kinh tế xoay vòng. Mặt khác, các KTS cũng giới thiệu việc canh tác trong các tòa nhà cao tầng như một chiến lược để đưa nông nghiệp đến với các thành phố và vùng lân cận.

3. Quy mô vận tải

Trong bản thiết kế Ville Radieuse, Corbusier đã lấy cảm hứng ý tưởng về sức hút mạnh mẽ của xe hơi, ông cho rằng mọi công trình nhà phải được kết nối bằng xe hơi. Theo KTS nổi tiếng này, không cần thiết phải có các quán rượu ven đường hoặc các khu chợ tự do trong tương lai. Corbusier muốn bỏ qua tất cả các chợ của nông dân vì mục đích tạo ra một cuộc sống hoàn mỹ, sạch sẽ và có tổ chức.

Tuy nhiên, có thể ý tưởng trên của Radieuse đã không còn được áp dụng trong thế giới hiện nay, vì ô tô không phải là phương thức di chuyển duy nhất trong hệ thống giao thông của chúng ta. Mặt khác, các tòa nhà hiện tại cũng đang được thiết kế xây dựng với nhiều chức năng đáp ứng khả năng tiếp cận công cộng cao hơn. Hơn hết, sự kết nối của các khu vực lân cận và khả năng đi bộ đến các tiện ích công cộng đang trở thành tiêu chí thiết kế chủ đạo của xã hội đương đại.

Trong công trình đã xây dựng của VenhoevenSC về một tòa nhà dân cư trong đô thị Hà Lan, các KTS đã đề xuất lấy mục tiêu là sự gần gũi của nơi sinh sống, làm việc và giải trí làm nguyên tắc thiết kế chính để giảm giao thông đô thị và tạo ra các khu dân cư không có ô tô mà chỉ có không gian đi bộ. Các trạm và trung tâm di chuyển đa phương thức được đầu tư phát triển mạnh mẽ để kết nối các vùng lân cận với các khu đô thị khác. Các KTS cũng cố gắng kết hợp các trung tâm di chuyển với những trung tâm kinh tế vòng tròn và đề xuất biến những trung tâm này thành các trung tâm đô thị phát triển năng động, hấp dẫn.

Hơn nữa, với nhịp phát ngày càng tiến bộ, các chuyên gia khuyên rằng chỉ có các tuyến đường bộ và đường sắt chính mới được chuẩn bị cho xe điện tự lái.

4. Cuộc sống hiện tại

Le Corbusier khuyên rằng, mỗi khu nhà ở nên được trang bị các dịch vụ công cộng khác nhau phục vụ cho cuộc sống gia đình của người dân, chẳng hạn như: trung tâm công cộng, vườn ươm, nhà trẻ, địa điểm hoạt động ngoài trời và trong công viên, thậm chí cả trường tiểu học trong công viên,… Trong kế hoạch tầm nhìn của Le Corbusier cũng có một trung tâm dịch vụ công cộng dành riêng cho các tòa nhà chung cư, áp dụng mô hình kinh doanh tập thể để người dân có thể mua các nhu cầu thiết yếu hàng ngày theo một phương thức thống nhất.

Một điều thú vị là những ý tưởng mà Le Corbusier đề cập ở trên hiện đang diễn ra trên khắp thế giới ngày nay – xu hướng con người đang dần thích nghi và phát triển trong điều kiện thiếu nhà ở ngày càng trầm trọng. Các nhà hàng, cửa hiệu và tiệm làm tóc mà ông từng hình dung là những cơ sở thiết yếu đang cung cấp các hoạt động hàng ngày cho cư dân của cộng đồng.

Trong công trình trình quy hoạch đô thị Park More của VenhoevenCS, các KTS đã phát triển thêm ý tưởng của Le Corbusier về nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng thông qua việc phát triển các khu dân cư không có ô tô, hòa nhập xã hội như những ngôi làng đô thị. Nhằm giảm giao thông đô thị cũng như đảm bảo cư dân sống trong một khoảng cách hợp lý, KTS đặc biệt coi trọng việc thiết kế khoảng cách đi bộ trong dân cư. Họ đặt mục tiêu là làm cho các khu dân cư trong tương lai có thể tự mình sản xuất ra năng lượng xanh của riêng họ, thu hoạch nước mưa, trồng thực phẩm, tái chế các sản phẩm,… tất cả đều dựa trên các nguyên tắc của một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.

Biên dịch | H.N (Nguồn: Archdaily)

XEM THÊM

  • 3 trụ cột trong phát triển đô thị thông minh
  • Phương án đô thị hóa bền vững cho các thành phố có tốc độ phát triển nhanh
  • Tương lai của chủ nghĩa đô thị ở Trung Quốc: Xu hướng hiện đại để xây dựng một thành phố đáng sống

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020