Chuyên mục  


  • Kinh nghiệm 10 năm "săn" khắp các chợ hàng thùng, Giám đốc thời trang chia sẻ cách mua áo blazer, denim và túi chuẩn đẹp, riêng với sản phẩm này không nên xót tiềnĐọc ngay

Thời bão giá khiến việc chi tiêu mua sắm ngày càng khó khăn. Nhiều người phải thắt chặt hầu bao, thận trọng mỗi khi bỏ tiền ra mua một món hàng. 

Tuy nhiên với các chị em, nhu cầu mặc đẹp vẫn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Từ người có thu nhập thấp tới giới công chức có thu nhập khá, việc bỏ ra một khoản tiền mua sắm lớn luôn khiến họ đau đầu vì sợ việc chi tiêu không hợp lý sẽ bị đội giá quá nhiều.

Nắm bắt tâm lý được mua sắm nhiều, dễ thay đổi, chất lượng đẹp mà giá cả lại phù hợp với túi tiền thì những món đồ hàng thùng đang trở thành một trao lưu phổ biến. 

Những người kinh doanh hàng thùng hiện nay cũng ngày một nhiều hơn bởi những ưu điểm như vốn ít, dễ kinh doanh và không lo bị lỗi mốt khi tồn hàng.

Nhưng sự thật có đúng như vậy? Với bao nhiêu tiền mới đủ bán hàng thùng online, cách bán hàng như thế nào là khôn ngoan, sinh lời mà vẫn tiết kiệm vốn nhất. 

Cùng lắng nghe những chia sẻ từ chị Phương Uyên, một nhân viên văn phòng đang kinh doanh hàng thùng online để tham khảo những thông tin bổ ích nhất.

Chị Phương Uyên.

PV: Chị đã kinh doanh theo mô hình này được bao lâu và lý do gì khiến chị quyết định dành số tiền tiết kiệm của bản thân để thực hiện?

Mình mới bắt đầu có ý tưởng này trong khoảng thời gian cách ly xã hội phòng dịch, khoảng 2-3 tháng trở lại đây. Bản thân mình là người rất hay mua đồ second-hand vì thực chất đây là hàng có chất lượng rất tốt. Ngoài ra, mình có biết 1 chút về may vá nên hơi khó tính trong từng đường kim mũi chỉ. Đồ có thể không cần theo trend nhưng không thể may dúm dó hoặc chất liệu vải kém được.

Tuy nhiên, mình làm công ăn lương nên kinh tế không thể dư dả để có thể mua đồ xịn nên sự lựa chọn hoàn hảo chính là đồ second-hand. Trước đây thì nhiều người hay có chút “kì thị” hàng second-hand là đồ mặc rồi bỏ đi nhưng mình thì nghĩ các cụ có câu “cũ người mới ta”, đôi khi đồ mình không còn muốn xài đến nữa nhưng lại là sự lựa chọn hoàn hảo cho người khác.

Mới đầu thì chỉ là thích thì mua về mặc, nhưng vì giá thì rẻ đồ lại quá đẹp nên bệnh mua sắm tái phát, mua càng ngày càng nhiều đến nỗi không mặc hết nổi. Sau đó thì nhiều người thấy đồ mình mặc xinh xinh nên hỏi thanh lý lại cho, mình nửa đùa nửa thật đưa giá thì họ gật luôn. Thấy cũng là 1 hướng kinh doanh hay ho nên đồ săn được mình có thiết kế chỉnh sửa lại 1 chút để hợp với xu hướng thời trang hơn rồi bán lại kiếm lời.

PV: Số vốn ban đầu chị bỏ ra để kinh doanh là bao nhiêu và chị phân bổ số tiền này như thế nào cho việc kinh doanh của mình?

Mình không hề có dự tính gì cho việc phải đầu tư cụ thể bao nhiêu tiền. Nhưng vẫn nghĩ tổng chi phí sẽ không được quá 20 triệu để đảm bảo có thể quản lý được tốt nhất.

Bởi vì không tốn tiền thuê mặt bằng nên mình đầu tư chính vào hàng hóa, cải thiện 1 phòng trong nhà thành nơi để đồ và chụp sản phẩm cũng như livestream.

Nếu nói bỏ tiền vốn thì có lẽ là công sức và chất xám nhiều hơn. Mình phải săn đồ và chủ yếu là từ những shop livestream bán đồ second-hand khác. Bên cạnh đó là công đoạn “hậu kỳ” cho sản phẩm đã mua về trước khi bán cho khách.

PV: Chị tự mình xử lý mọi khâu từ nhập cho tới tới bán hay phải mất chi phí để thuê thêm nhân viên hỗ trợ?

Vì mới làm nên chủ yếu là mình tự xử lý hoàn toàn. Có những công đoạn sửa đồ, giặt giũ, là lượt, đánh hàng về,… đôi khi cũng có sự hỗ trợ của ông xã vì khối lượng công việc là  rất lớn. Đôi khi hàng bừa ra nhà ông xã mình cũng rất hợp tác, không nổi quạu. Ngoài ra mình còn có thêm sự hỗ trợ của một người em trong nhà để làm mẫu cho những sản phẩm có size nhỏ mà mình không mặc được.

Tất cả nhân lực đều là "của nhà trồng được" nên nhìn chung chi phí phát sinh nhân viên hỗ trợ là bằng không.

PV: Nguồn hàng chị lấy từ đâu, làm cách nào để có giá rẻ nhất?

Căn phòng của gia đình chật đồ mỗi khi chị Phương Uyên nhập hàng về.

Mình cũng săn livestream từ những shop bán đồ second-hand khác. Thay vì nhập kiện mình chấp nhận giá nhập cao hơn 1 chút để được chọn các sản phẩm chất lượng hơn.

Mình nghĩ để săn được đồ đẹp mà giá rẻ thì nên chọn những shop bán đồ second-hand đã có tiếng rồi. Và đôi khi phải chấp nhận trong 10 sản phẩm thì sẽ có tỉ lệ đồ không được như ý. Khi livestream mẫu sẽ nói rõ về chất liệu cũng như số đo có thể mặc được nên chỉ cần lắng nghe khĩ 1 chút sẽ có được hàng như ý.

Ngoài ra, mình không cố định số tiền sẽ bỏ ra cho mỗi sản phẩm nhập về, có thể với sản phẩm này mình chỉ nên mua với giá 10K nhưng cũng có những sản phẩm mình sẵn sàng mua với giá trên 100K. Nói dễ hiểu hơn là mua áo phông thì có thể mua với giá 10-20K nhưng với áo phao, áo khoác… thì đôi khi săn được đồ hơn 100K cũng là rất hời rồi.

PV: Trong quá trình nhập và bán hàng chị đã từng gặp sự cố tài chính nào chưa, cách chị xử lý như thế nào?

Cũng có chứ, nhưng may mắn đó đều là sự cố không quá lớn. Mặc dù mắt nhìn đồ second-hand của mình rất điêu luyện vì đã có kinh nghiệm săn hàng nhiều năm nhưng vẫn có trường hợp mua đồ giá cao nhưng chẳng đẹp bằng đồ 10-20K. 

Hay đôi khi đăng hình ảnh của sản phẩm khách vào hỏi mua chốt xong xuôi mình nói đồ này là đồ second-hand thì khách lạnh lùng: "Úi giời, đang dịch không sợ mặc đồ bị lây bệnh à?”. Thật sự lúc ý vừa buồn cười vừa chả biết phải nói sao, thôi thì thuận mua vừa bán vậy.

PV: Bán hàng thùng online cần chuẩn bị những dụng cụ gì, có các mẹo set-up như thế nào để tiết kiệm chi phí, hàng lên hình vẫn đẹp, dễ chốt đơn?  

Có 2 cách theo kinh nghiệm của mình. Nếu bạn có thời gian rảnh hãy nhập nguyên kiện về rồi phân loại theo chất lượng đồ và bán với giá phù hợp nhất. Trong 1 kiện luôn có tỉ lệ đồ đẹp và không đẹp, bạn cần thời gian sàng lọc và giặt giũ, là lượt cũng như chỉnh sửa nếu có lỗi lầm. Hãy chọn 1 mẫu có dáng người phổ thông nhất vì đồ second-hand thường có size rộng hơn 1 chút nhé.

Nếu bạn là tay ngang như mình thì nên săn từ live của những nhà buôn lớn hơn, giá có thể nhỉnh hơn nhưng bạn nắm được chất lượng của từng sản phẩm. Bù lại giá bạn bán ra cũng sẽ cao hơn nếu không muốn thành buôn ngược, chính vì vậy tốt nhất bạn nên có 1 chiếc máy may mini và bàn là. Phải luôn theo dõi các trend mới để phối đồ hộ khách. Đôi khi 1 chiếc áo, 1 chiếc váy người ta không mua nhưng khi bạn phối đẹp mắt, hợp lý và hay ho bạn lại bán được cả 2.

Tuy nhiên, lưu ý là đừng cố ý lừa khách vì đồ second-hand bạn dễ thắng khi có nhiều khách quen. Chất liệu, size, lỗi hay bất kỳ vấn đề gì của sản phẩm hãy mô tả nhanh và ngắn gọn nhưng đầy đủ để khách nắm được. Săn đồ livestream dễ gây “nghiện” nên nếu chất lượng của bạn ổn thì bạn sẽ luôn bán chạy hàng.

Một lần livestream của chị Phương Uyên.

PV: Theo chị, lợi nhuận từ nghề này có lớn và dễ thu lại như nhiều người thường rỉ tai nhau?

Cho đến hiện tại mình mới bán được gần 2 tháng nay và nhận thấy nếu bạn đảm bảo được những yếu tố mình đã nói ở trên thì hoàn toàn có thể mua 10K/sản phẩm bán với giá 100K được. 

Dù khách biết rõ là mình nhập rẻ họ vẫn chấp nhận mua vì không phải ai cũng có thời gian và kiên nhẫn ngồi xăm soi để săn được đồ chất lượng trong chỉ mấy chục giây mẫu giơ đồ lên giới thiệu. Cứ coi như là lấy công làm lãi đi.

PV: Nếu có 20 triệu tiền vốn có thể star-up kinh doanh với mô hình như chị được không. Nếu chưa có kinh nghiệm thì nên lưu ý điều gì?

Hoàn toàn có thể. Thậm chí còn không đến, 20 triệu là mức tối đa mình cho phép bản thân được chi ra, chứ cho đến thời điểm này mình chưa hề chi đến số đó. 

Kinh nghiệm của mình chính là mỡ nó rán nó. Bạn hãy săn đồ trên livestream của các shop khác rồi chăm chút lại sản phẩm và bán với giá vừa phải, phù hợp với chất lượng. Số tiền thu về tiếp tục săn hàng và lại chăm chút rồi bán ra. Nếu bạn có 1 chút con mắt tinh tường về thời trang và ít tay nghề may vá thì bạn nắm 80% thành công.

Đừng quá mơ mộng làm giàu, hãy đơn giản hóa vấn đề là bạn mua đi bán lại thêm thắt thu nhập bởi lẽ số tiền bạn chi ra cũng không phải quá cao nên áp lực cũng sẽ ít đi.

Có thể tham gia livestream miễn phí trên các nền tảng mạng xã hội hay trang thương mại điện tử. Vừa tiết kiệm được chi phí lại tiếp cận được số đông khách hàng có nhu cầu mua sắm cao.

PV: Chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm kinh doanh theo mô hình này vừa không tốn kém mà vẫn đạt hiệu quả cao?

Thứ bạn cần là 1 căn phòng vừa để đồ vừa có góc để đặt máy quay, chụp. Phông nên không cần quá đầu tư (có thể là phông trắng) nếu điều kiện kinh tế eo hẹp. Kế đó là theo dõi các livestream bán đồ second-hand nhưng không nhất thiết phải mua ngay. Xem nhiều bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm săn của bản thân.

Ngoài ra cũng nên đi xem trực tiếp nhưng mình không khuyến khích vì đồ tại cửa hàng khiến bạn rối mắt rất nhanh và sẽ không đưa ra được lựa chọn chính xác.

Hãy nghĩ bạn mua đồ phù hợp với bản thân bạn, mua để chính mình mặc trước đã. Khi bạn mặc ưng ý thì khách cũng ưng ý. Có thể tham gia livestream miễn phí trên các nền tảng mạng xã hội hay trang thương mại điện tử. Vừa tiết kiệm được chi phí lại tiếp cận được số đông khách hàng có nhu cầu mua sắm cao. Theo dõi cộng đồng bán đồ livestream 1 thời gian rồi hãy quyết định có nên bắt tay vào hay không nhé.

Cảm ơn những chia sẻ của chị Phương Uyên, chúc chị luôn thành công với những dự án kinh doanh của bản thân và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020