Từ một sàn diễn với mái vòm hình bong bóng được thổi phồng cho đến một nhà thờ Hồi Giáo dựng lên từ lưới thép mỏng… Hãy cùng nhìn lại 10 tác phẩm sắp đặt nổi bật nhất năm 2021 được bình chọn bởi Dezeen và cùng chờ đón những tác phẩm đặc sắc hơn nữa vào năm 2022.
Medusa, Vương Quốc Anh – Sou Fujimoto
Một phòng trưng bày rộng lớn trong bảo tàng V&A đã được dành riêng cho kiến trúc sư Sou Fujimoto và studio thực tế ảo Tin Drum trong suốt thời gian diễn ra lễ hội thiết kế London năm nay.
Những người tham dự lễ hội đeo một cặp kính thực tế ảo, đi bộ xuyên qua cấu trúc ảo màu xanh và chứng kiến nó thay đổi hình dạng theo từng chuyển động của họ. Tác phẩm sắp đặt với mục đích khuyến khích các vị khách tham gia khám phá tiềm năng của việc thao túng môi trường nhận thức.
Khải Hoàn Môn bọc vải, Pháp – Christo và Jeanne-Claude
Gần 60 năm ấp ủ cho kế hoạch bọc vải Khải Hoàn Môn, Christo và Jeanne-Claude cuối cùng đã cho ra mắt tác phẩm sắp đặt được đông đảo công chúng mong đợi tại Paris. Trong 16 ngày, biểu tượng lịch sử nổi tiếng thế giới nằm trên đại lộ Champs-Élysées được bao phủ bởi 25.000 m2 vải màu bạc và được cố định bởi 3000m dây thừng màu đỏ. Mọi người tới tham quan hoàn toàn có thể chạm vào công trình kiến trúc này cũng như quan sát toàn bộ tác phẩm từ trên sân thượng của Khải Hoàn Môn.
“Bộ áo” chấm bi cho cây, Mỹ – Yayoi Kusama
Nghệ sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama đã bao phủ cây cối tại Vườn Bách thảo New York trong những “tấm áo” chấm bi đầy màu sắc đặc trưng của cô. Dự án là một phần thuộc khuôn khổ triển lãm toàn công viên Kusama: Cosmic Nature (tạm dịch: Thiên nhiên rộng lớn).
Các tác phẩm khác của nghệ sĩ trong khu vườn bao gồm một hồ nước chứa 1400 quả inox bóng gương và một tác phẩm bí ngô điêu khắc làm từ đồng. Một số tác phẩm sắp đặt cũng được đặt một cách tinh nghịch bên trong tòa nhà của vườn bách thảo New York.
Paradise Has Many Gates (tạm dịch: Thiên đường có nhiều cổng) – Ajlan Gharem
Nghệ sĩ Ả Rập Saudi Ajlan Gharem đã sử dụng lưới thép mỏng để tạo ra tác phẩm Paradise Has Many Gates. Công trình có hình dạng giống như một chiếc lồng dài 10 x 6,5 mét và có thể được sử dụng như một nơi thờ cúng của người Hồi Giáo.
Tác phẩm từng được trao giải Jameel – một giải thưởng quốc tế về nghệ thuật đương đại và thiết kế lấy cảm hứng từ truyền thống Hồi giáo. Anh muốn tác phẩm của mình gợi mọi người nhớ về những trung tâm giam giữ người tị nạn và những bức tường biên giới.
Grow, Hà Lan – Studio Roosegaarde
Studio Roosegaarde đã biến khu đất rộng 20.000 m2 thành một công trình sắp đặt ánh sáng được thiết kế nhằm làm nổi bật lên vẻ đẹp của nền nông nghiệp.
Sau chuyến đi tới một nông trại, nhà thiết kế Daan Roosegaarde đã được biết về tiềm năng của công nghệ chiếu sáng sinh học trong việc thúc đẩy sự phát triển của cây trồng và khả năng kháng lại thuốc trừ sâu. Lấy cảm hứng từ công nghệ này, ông đã lắp đặt những chiếc đèn LED màu đỏ, xanh dương và ánh sáng tia cực tím với mật độ cao trên một cánh đồng để tạo ra Grow.
Giếng trời Pavilion Hà Lan, Dubai – Marjan van Aubel
Triển lãm Dubai năm nay chứng kiến một loạt pavilion ấn tượng bao gồm cả The Dutch Biotope với các tấm pin năng lượng mặt trời mờ trên mái. Nhà thiết kế Marjan van Aubel hy vọng rằng những màu sắc và ánh sáng sẽ chứng minh được rằng, các tấm pin mặt trời có thể vừa đẹp đẽ, vừa cung cấp năng lượng mặt trời cho triển lãm.
Chia sẻ với Dezeen, Van Aubel nói: “Vào những thời điểm khác nhau trong ngày, ánh sáng, màu sắc và bóng tối sẽ thay đổi. Và vì vậy, tôi hy vọng nó giống như một trải nghiệm nhập vai thay đổi liên tục, tương tự như ánh sáng chiếu qua cửa sổ kính màu”.
Tác phẩm sắp đặt cho BST Xuân Hè 2022 của Alexander McQueen, Vương quốc Anh – Smiljan Radić
Kiến trúc sư người Chile Smiljan Radić đã tạo ra một mái vòm có cấu trúc như bong bóng bơm hơi trên tầng thượng một tòa nhà ở Tobacco Dock, phía Đông London. Tác phẩm nhằm phục vụ cho buổi trình diễn thời trang Xuân Hè 2022 của Alexander McQueen.
Một tấm màng được hỗ trợ bởi mạng lưới dây cáp kéo bằng thép, tạo thành một mái vòm trong suốt với tầm nhìn hướng ra cả bầu trời. Trên sàn được lắp đặt các lỗ thông hơi để bơm không khí vào, giúp mái vòm giữ được độ căng phồng và duy trì trạng thái đó trong cả buổi biểu diễn.
Invocation for Hope (tạm dịch: Lời nguyện cầu cho Hy vọng), Áo – Superflux
Trong một năm mà ta được chứng kiến khá nhiều nhà thiết kế sử dụng cây xanh để làm nổi bật tác động của biến đổi khí hậu, thì studio thiết kế Superflux đã tạo điểm nhấn bằng cách chuyển 415 cây thông đen đã chết từ vùng Neunkirchen của Áo đến thủ đô của đất nước cho tác phẩm Invocation for Hope.
Các cây sống sau đó được bố trí bên trong các cây đã chết và bao quanh một hồ nước phản chiếu, tạo ra một ốc đảo yên tĩnh nằm giữa Bảo tàng Nghệ thuật Ứng dụng. Các nhà thiết kế muốn công trình này thể hiện “một cảnh quan thời kỳ hậu Anthropocene, nơi con người học cách sống hòa hợp với thiên nhiên”.
*Anthropocene: là tên thay thế không chính thức cho kỷ nguyên địa chất hiện tại (Holocene), phản ánh tác động sâu sắc của hành vi con người đối với hệ thống khí hậu và sinh quyển của Trái đất và những thiệt hại gây ra cho các loài khác.
Light (tạm dịch: Ánh sáng), Trung Quốc – Ma Yansong
Light là một cấu trúc thép được bọc trong lớp vải mờ che chắn những tán cây nhỏ trên cánh đồng chè ở một vùng nông thôn tại Trung Quốc.
Ma Yansong, người sáng lập studio kiến trúc MAD, đã lấy cảm hứng từ thiên nhiên xung quanh khi ông tạo ra tác phẩm nghệ thuật điêu khắc như một phần của lễ hội Nghệ thuật tại Phù Lương 2021.
Bring London Together (tạm dịch: Mang London đến với nhau), Vương quốc Anh – Yinka Ilori
Trong nỗ lực đoàn kết những người dân tại London và khuyến khích họ trở lại các con đường quen thuộc của thành phố sau nhiều đợt giãn cách bởi dịch bệnh Covid-19, nhà thiết kế Yinka Ilori đã biến đổi 18 vạch kẻ đường dành cho người đi bộ tại Lễ hội Thiết Kế London. Các màu sơn như xanh dương, cam, hồng, tím và xanh lá được sử dụng để thay thế cho màu đen và trắng truyền thống.
Nhà thiết kế giải thích: “Đó là về việc chúng ta cố gắng đưa cộng đồng của ta trở lại đường phố để ăn mừng”.
Dịch: Hiếu Nghĩa | Nguồn: Dezeen
XEM THÊM
- Thành phố Radiant: Tính cấp tiến trong quy hoạch đô thị của Le Corbusier
- Bài học từ Copenhagen: Tập trung vào những điều đơn giản mỗi ngày
- Kiến trúc tạm: Mang đến không gian mới mẻ, đầy tính trải nghiệm và giải trí