Chuyên mục  


Việt Nam là đất nước có nền kiến trúc, đô thị bản sắc, gắn liền với văn hóa nông nghiệp bao đời nay. Cấu trúc đô thị trong các thời đại phong kiến cũng mang âm hưởng văn hóa lúa nước với hai phần: phần Thành và phần Thị. Thành là nơi tập trung quyền lực phong kiến. Ngoài Thành là Thị, là khu cư trú, nơi tập trung giao thương buôn bán của người dân. Từ năm 1875 đến 1954 người Pháp đến Việt Nam đặt ách cai trị và khai thác thuộc địa, họ sống, làm việc và mang theo nền văn hóa, kiến trúc của mình đến đây. Qua nhiều giai đoạn, không gian đô thị và kiến trúc Pháp tự biến đổi và thích ứng với xứ bản địa tạo lên kiến trúc Đông dương, là sự kết hợp tinh tế giữa cái đẹp của nền văn hóa Việt với kiến trúc Pháp.

Từ sau khi giải phóng Thủ đô (10/10/1954), quỹ không gian đô thị và kiến trúc khu vực nội đô lịch sử bắt đầu có nhiều thay đổi. Phần lớn các công trình biệt thự đều chuyển đổi chức năng phục vụ chính quyền mới. Không gian đô thị trước năm 1975 gần như không được khai thác hay phát triển. Sau năm 1986, đặc biệt từ năm 1991, với chính sách đổi mới của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sự xuất hiện của nhiều thành phần kinh tế đã trở thành động lực thúc đẩy đô thị Hà Nội phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Dưới sức ép của kinh tế thị trường, những đặc trưng hình thái không gian đô thị ở khu vực này dần bị biến đổi. Bên cạnh đó, trong một thời gian khá dài, người Việt Nam chưa thực sự ý thức được những giá trị lịch sử, văn hoá của Khu phố Pháp nên đã không có một kế hoạch bảo tồn nào được đặt ra. Cho tới nay, trong cách nhìn của thời kì hội nhập, đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này giúp đem lại hiệu quả khai thác quỹ di sản không gian kiến trúc đô thị Pháp thuộc tốt hơn.

Sơ đồ sự chuyển hóa của không gian đô thị và kiến trúc Pháp thuộc khu vực nội đô lịch sử:

Sự chuyển hóa của không gian đô thị và kiến trúc Pháp tại Hà Nội theo thời gian:

Giai đoạn Pháp thuộc

Khu phố Pháp tại Hà Nội là sự pha trộn hình thái kiến trúc đa dạng. Khi phát triển khu phố Pháp họ đồng thời đầu tư chỉnh trang đô thị cho các khu vực lân cận. Khu vực Hồ Gươm và phụ cận là yếu tố chuyển hóa, tạo sự kết nối giữa cái cũ và cái mới, cùng song hành mà không gây tranh chấp. Song song với đó họ tiến hành chỉnh trang khu vực “36 phố phường”. Những can thiệp chỉnh trang của người Pháp đã làm thay đổi bộ mặt không gian đường phố của Hà Nội xưa. Điều kiện khí hậu, địa hình thổ nhưỡng khiến kiến trúc thay đổi, tạo ra kiến trúc, quy hoạch thích ứng bản địa. Đô thị phong cách kiến trúc Pháp ở mỗi khu vực có những đặc trưng giống và khác nhau. Người Pháp có cách nhìn riêng và sự ứng xử khác nhau với mỗi khu vực đô thị. Bên cạnh đó, quá trình biến đổi hình thái đô thị và kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc cũng tác động tới quá trình biến đổi văn hóa của người Hà Nội thời kỳ này. Từ lối sống phong kiến chuyển dần sang lối sống phương Tây, từ văn hóa làng xã chuyển sang văn hóa thành thị, lối sống cộng đồng theo kiểu hàng xóm láng giềng cũng dần phai nhạt.

Giai đoạn sau giải phóng từ năm 1954 – 1975

Đây là thời kỳ đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền Nam Bắc, với nhiệm vụ mới phải nhanh chóng biến Hà Nội từ một đô thị bị tàn phá vì bom đạn chiến tranh, trở thành một thành phố tiêu thụ, cơ sở sản xuất và dịch vụ, một trung tâm chính trị văn hoá có công nông nghiệp phát triển cân đối. Nhà nước chủ trương tranh thủ sự giúp đỡ của các nước láng giềng, tận dụng những cơ sở vật chất đô thị sẵn có mà người Pháp để lại, họ chuyển đổi một số công trình Pháp thuộc thành nơi làm việc, thậm chí tháo dỡ một số hạng mục công trình không gian công cộng để tạo thêm những khu công quyền, quân sự, chỗ ở cho cán bộ cùng gia đình trở về tiếp quản thành phố và những tầng lớp  nhân dân lao động khác. Bên cạnh đó là những nỗ lực tái thiết thủ đô của chính phủ, xây dựng mới một số công trình kiến trúc, hạ tầng đô thị. Các đồ án thiết kế được cân nhắc nhiều đến tính thích dụng – đẹp trong điều kiện có thể, quan tâm tới các điều kiện thông thoáng, che nắng mùa hè, ấm áp mùa đông, đủ sức chống chọi trước gió bão bất thường.

Giai đoạn sau giải phóng từ năm 1975 – 1986

Giai đoạn đất nước thống nhất hai miền Nam Bắc, lúc này thế hệ KTS mới được đào tạo trong nước và ở Đông Âu đã trưởng thành, có ảnh hưởng đến sự phát triển của không gian đô thị và kiến trúc Hà Nội. Họ chịu ảnh hưởng của phong cách Xô Viết, Chủ nghĩa Hiện đại nhưng có nghiên cứu sâu về tính bản địa. Kiến trúc Pháp bị giảm giá trị bởi sự đề cao các công trình phong cách XHCN, phong cách Xô Viết được xây dựng một cách mạnh mẽ thời bấy giờ, các công tình kiến trúc pháp bị phá bỏ một cách không thương tiếc để chuyển đổi chức năng.

Giai đoạn sau giải phóng từ năm 1986 đến nay

Đây là giai đoạn nhà nước mở cửa, đẩy mạnh kinh tế thị trường. Chính sách đổi mới được ban hành vào năm 1986, tuy nhiên chỉ đến sau năm 1990, lĩnh vực xây dựng và kiến trúc mới có thay đổi rõ nét. Hà Nội đón nhận sự bùng nổ về phong cách kiến trúc trong hai thập niên 90 – 2000. Rất nhiều đặc điểm của các trường phái kiến trúc khác nhau trên thế giới đột ngột xuất hiện trên các công trình xây dựng thời kỳ đổi mới ở Việt Nam bên cạnh phong cách Xô Viết. Từ kiến trúc thuộc địa, cổ điển châu Âu, Chủ nghĩa Hiện đại, phong cách Biểu hiện cho đến Hậu hiện đại và Hiện đại mới, tất cả đều có mặt. Dường như lịch sử kiến trúc của 100 năm trước đó vụt tái hiện ở Hà Nội chỉ trong 20 năm. Cũng do sự ồ ạt, thiếu định hướng về quy hoạch, kiến trúc dẫn đến một số biểu hiện lệch lạc như xu hướng nhại cổ, không đem lại giá trị thẩm mỹ mà còn làm giảm giá trị công trình, ảnh hưởng đến cấu trúc đô thị.

Nhưng có thể thấy sự ưa chuộng của người dân là minh chứng tốt nhất cho giá trị không gian đô thị và kiến trúc Pháp thuộc. Nhờ thế mà nó được nhìn nhận là một quỹ di sản cần bảo tồn. Ngày càng có nhiều các đề tài nghiên cứu chuyên sâu nhằm phát huy giá trị, bảo tồn quỹ di sản này.

Sự chuyển hóa của không gian đô thị và kiến trúc Pháp tại Hà Nội theo không gian

Cấu trúc không gian đô thị

Không gian đô thị và kiến trúc Hà Nội biến đổi từ mô hình đô thị truyền thống sang mô hình đô thị hiện đại, đánh dấu bằng sự hình thành khu phố Pháp do người Pháp xây dựng. Đầu thế kỷ 20, hình thái đô thị chủ đạo ở Hà Nội vẫn mang tính truyền thống. Qua các giai đoạn đô thị hóa, cấu trúc không gian đô thị Hà Nội được hình thành từ việc biến đổi các vùng nông thôn ven thành thị phong kiến và khu trung tâm kinh thành cổ; khu phố Pháp đã phát triển, hoàn thiện về cấu trúc để trở thành mô hình đô thị hiện đại đầu thế kỷ 20.

Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam vào năm 1945, người Hà Nội đã bỏ ra 9 năm ròng rã kháng chiến để có ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954. Hà Nội khi đó mới thực sự bắt tay vào xây dựng, không gian đô thị thành phố Hà Nội mới thực sự do người Việt xây dựng. Trong những năm đầu nhà nước tiếp quản thì bộ mặt đô thị hay kiến trúc chưa có nhiều sự thay đổi, do nhà nước còn dồn lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1955 – 1985: Ngoại trừ thời kỳ khôi phục kinh tế (1954 – 1957) và công nghiệp hóa (1961 – 1965) với sự phát triển chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp; hai giai đoạn còn lại 1965 – 1975 và 1976 – 1985 chiến tranh, cấm vận kéo dài, việc phát triển kinh tế nói chung và đô thị nói riêng mang dấu ấn đậm nét từ sự hỗ trợ của các nước XHCN. Do vậy, về cơ bản đô thị Hà Nội phát triển chậm, chủ yếu ở vùng ngoài khu trung tâm lịch sử theo dạng tập trung theo cụm, điểm. Khu phố Pháp ở Hà Nội đổi thay chậm: Hình thái của không gian đô thị Pháp thuộc về cơ bản vẫn được giữ nguyên; các công trình hành chính – chính trị – văn hóa của một nhà nước độc lập XHCN được hình thành; một số công trình công cộng mới mang phong cách kiến trúc XHCN xuất hiện; sự gia tăng mật độ trong các ô phố, lô đất và tại các công trình cũ bắt đầu diễn ra ở quy mô nhỏ.

Năm 1986 đến nay: Giai đoạn đô thị hóa mạnh theo hướng tăng mật độ xây dựng, mật độ dân cư nội tại, sự xuất hiện của các công trình cao tầng hiện đại và sự biến mất của một số biệt thự Pháp. Không gian thành phố mở rộng rất nhanh. Đô thị hóa cả về chiều sâu tại các khu vực cũ. Biến động tại Khu phố Pháp diễn ra rất mạnh với những biểu hiện chính: Phương tiện xe điện đã bị phá bỏ hoàn toàn vào những năm 1990; xuất hiện sự chuyển đổi chức năng sử dụng đất đai, công trình; sự gia tăng mật độ trong các ô phố, lô đất và tại các công trình cũ bắt đầu diễn ra cả trên mặt bằng và chiều cao.

Ranh giới, quy hoạch, phân khu và quy mô đô thị

Quy hoạch Hà Nội năm 1943

Kể từ năm 1890, ranh giới khu Nhượng địa được mở rộng về phía Đông, tiến sát bờ sông Hồng. Một mạng lưới đường ô cờ mở phía Nam khu vực hồ Hoàn Kiếm, kết nối phía Tây khu Nhượng địa với khu vực phía Đông Nam của thành cổ cho thấy Hà Nội có xu hướng phát triển về phía Nam. Đây chính là cơ sở định hướng phát triển ở phía Đông thành phố và đặc biệt ở phía Nam hồ Gươm sau này. Dưới sự chỉ huy của KTS trưởng thời bấy giờ Ernest Hesbrar và sau này là những KTS kế nhiệm, thành phố được mở rộng về phía Nam được chia làm các khu vực: khu vực Tây Hoàng thành và Nam hồ Hoàn Kiếm là khu biệt thự và thương mại; khu Tây Nam thành phố là nhà ở truyền thống; khu dọc đường sắt qua ga Hàng Cỏ là khu hành chính dịch vụ công cộng; khu phố cổ 36 phố phường giữ nguyên; khu Tây Nam và Đông Nam thành phố là khu biệt thự và các khu dân cư. Quy hoạch khu phố Pháp được thiết kế dựa trên nguyên tắc mô hình quy hoạch thành phố Vườn kiểu Pháp và phân vùng chức năng: trung tâm hành chính chính trị; khu công nghiệp; khu vực cây xanh giải trí và thể dục thể thao; khu ở. Căn cứ theo bản đồ quy hoạch sau cùng (năm 1943) của người Pháp, khu phố Pháp phía Tây có diện tích 300 ha và khu phố Pháp phía Nam có diện tích 450 ha. Sau quá trình đô thị hóa thời Pháp thuộc, các dòng nhập cư vào đô thị đã làm cho dân số đô thị tăng lên nhanh chóng, từ 7 vạn dân vào năm 1918 tăng lên 13 vạn vào năm 1928 và 30 vạn vào năm 1942. Tuân theo quy luật đô thị hóa chung, vùng không gian trống, làng xóm đô thị và vùng ngoại vi đã bắt đầu chịu sức ép về dân cư và đối mắt với các vấn đề xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Hà Nội mở rộng qua các thời kỳ

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 đã mở ra giai đoạn mới để phát triển Thủ đô. Quy hoạch chung được phê duyệt tại Quyết định 163/CP ngày 17/7/1976 với định hướng dân số nội thành 1,5 triệu, ngoại thành là vành đai xanh cung cấp thực phẩm. Các đô thị vệ tinh có chức năng công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Với xu thế như vậy, tháng 12/1978, Hà Nội được mở rộng lên 2.136km2, dân số 3,5 triệu người.

Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, phát triển đô thị lúc này cần gắn kết chặt chẽ với an ninh quốc phòng, do vậy đến năm 1981, Quy hoạch chung được phê duyệt tại Quyết định 100/TTg ngày 24/4/1981 với dự báo phát triển đến 100km2 và chủ yếu ở Nam sông Hồng. Năm 1983, Bộ Chính trị có Nghị quyết 08/BCT xác định rõ vai trò Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và trung tâm lớn về kinh tế. Giai đoạn này Hà Nội có tốc độ đô thị hóa khá cao song cũng gặp những khó khăn về giải phóng mặt bằng, về xây dựng hạ tầng khung.

Từ mối quan hệ vùng, từ yêu cầu cấu trúc nội đô, ngoại thành và quản lý, tháng 12/1991, ranh giới Hà Nội lại được điều chỉnh, chuyển lại 7 huyện, thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hà Nội có diện tích 924km2. Tổng mặt bằng được nghiên cứu lại và phê duyệt tại Quyết định 132/CT ngày 18/4/1992 với dân số dự kiến 1,3 triệu người vào năm 2000 và 1,5 – 1,7 triệu người vào năm 2010, phát triển chủ yếu phía Nam sông Hồng và Tây của Hà Nội cũ. Quá trình thực hiện đã thấy rõ các tồn tại như chưa lường hết tốc độ tăng trưởng, chưa chú trọng tới kinh tế thị trường, chưa phát huy lợi thế từ mối quan hệ vùng.

Trước những yêu cầu của thực tế, Quy hoạch chung mới được phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998. Các quy hoạch đã là định hướng để tạo lập diện mạo mới cho Hà Nội. Giai đoạn này có Nghị quyết 15/NQ-TW năm 2002 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa. Quá trình phát triển giai đoạn này đã có nhiều kết quả nhưng cũng thấy rõ thách thức mới, đó là hạ tầng liên kết vùng, là yêu cầu bảo tồn, quản lý dân số.

Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Theo đó thành phố Hà Nội mở rộng có diện tích tự nhiên 334.470,02ha (3.344 m2) và dân số là 6.232.940 người. Sau khi mở rộng, thành phố Hà Nội có 29 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 10 quận, 18 huyện, 1 thị xã – và 580 đơn vị hành chính cấp xã – gồm 404 xã, 154 phường và 22 thị trấn.

Giao thông, quảng trường

Mạng lưới giao thông trong thành phố được người Pháp xây dựng khá hoàn chỉnh, bao gồm đường bộ và xe điện đã định hướng phát triển mở rộng Hà Nội theo từng giai đoạn và tạo nên một dạng kiến trúc đô thị mới. Đó là mô hình không gian đô thị theo dạng ô bàn cờ có tính ưu việt về tổ chức giao thông trong khu vực trung tâm, mà sau này vẫn được giữ nguyên. Năm 1920, xuất hiện đường sắt kết nối thành phố với các vùng lân cận. Đoạn đường sắt chạy qua cầu Long Biên được xây dựng mở rộng kết nối Hà Nội với vùng đất bên kia sông Hồng. Tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua ga Hàng Cỏ tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát triển về phía Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống quảng trường mà người Pháp xây dựng với mục đích tạo không gian công cộng cho người Pháp đến định cư trong khu phố Pháp, xuất hiện khá hài hòa, làm thành những điểm nhấn đẹp cho không gian đô thị Hà Nội. Đến ngày nay do sức ép của mật độ xây dựng, hầu hết các quảng trường đều chuyển đổi chức năng thành quảng trường giao thông, là điểm nhấn của công trình chủ đạo, hay là điểm kết nối của tuyến phố, như Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường Nhà hát lớn (Quảng trường 19/8), Quảng trường 1/5… Hệ thống  vườn hoa, công viên cũng là một điểm cộng lớn cho cảnh quan của Hà Nội mà người Pháp đã xây dựng quanh thành phố. Những vườn hoa công cộng nhỏ vừa là điểm chuyển tiếp vừa để tạo sự gắn kết với mạng lưới ô cờ. Đặc biệt là khu vực Hồ Gươm và phụ cận được người Pháp chỉnh trang trước khi bắt tay vào xây dựng khu nhượng địa. Đó là yếu tố trung chuyển từ Khu phố cổ sang khu phố cũ, tạo nên một diễn biến hài hòa của những hình thái đô thị khác biệt, với không gian đệm là công viên, quảng trường. Đó là một nghệ thuật bố cục không gian của khu vực lõi Hà Nội, theo kiểu phương Tây pha trộn phương Đông, là nơi xuất hiện sự tiếp xúc, va chạm và giao thoa rõ rệt nhất giữa hai nền văn hóa trên khía cạnh đô thị.

 Quá trình phát triển và đô thị hóa của Hà Nội làm tăng nguy cơ đe doạ sự biến dạng và biến mất của một số hạng mục giao thông, quảng trường. Ví dụ như việc phá bỏ tuyến xe điện Hà Nội – Hà Đông vào năm 1990 đến nay vẫn khiến nhiều người tiếc nuối. Đặc biệt là hệ thống các tượng đài thời Pháp thuộc đều bị phá bỏ vì không còn phù hợp với hệ thống chính trị mới. Một ví dụ điển hình về sự thay đổi không gian quảng trường làm biến đổi cấu trúc không gian đô thị là công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975) được xây dựng tại địa điểm là quảng trường tròn trung tâm tại giao điểm của các tuyến đường, điểm kết của trục chính đô thị kết nối hai nửa Đông – Tây của thành phố thời thuộc địa. Vị trí này, thời phong kiến nhà Nguyễn chính là Cửa Tây của Thành Thăng Long. Sự biến đổi về chức năng và công trình xây dựng tại địa điểm này là quá trình biến đổi cấu trúc qua ba thời kỳ: phong kiến, thuộc địa, và đương đại. Sau những năm đổi mới công tác quản lý đô thị cũng bị sao nhãng. Người dân tự nâng cấp, mở rộng và xây dựng nhà ở bất cứ nơi nào họ có thể, bao gồm ở các không gian công cộng. Đất công cũng bị chiếm đóng bởi các doanh nghiệp và cá nhân để sử dụng cho các mục đích tư nhân khác, dẫn đến sự biến mất của các không gian công cộng.

Kiến trúc

Trong thế kỷ XX người Pháp đã mang đến Việt Nam trước năm 1945, những phong cách nghệ thuật kiến trúc châu Âu từ cổ điển đến hiện đại thông qua những công trình họ xây dựng ở Việt Nam và thông qua việc đào tạo thế hệ KTS hiện đại đầu tiên của Việt Nam trong trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Việc tìm tòi thể hiện tính chất Á Đông trong kiến trúc đã dẫn các KTS Pháp sáng tạo ra phong cách Kiến trúc Đông Dương.

Nhiều nhà phố Pháp đã bị phá hủy cuối năm 1946 theo lệnh tiêu thổ kháng chiến của chính phủ Việt Nam và bị hư hại nặng trong các trận giao tranh ác liệt đầu năm 1947 giữa Việt Minh và quân đội Pháp. Trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1972, khi không lực Hoa Kỳ ném bom Hà Nội, khu phố Pháp cũng chịu một số thiệt hại về nhà cửa. Trong thời gian trước Cách mạng tháng Tám các KTS Việt Nam với ý thức dân tộc đã thiết kế một số công trình mang đậm nét dân tộc. Quá trình phát triển kiến trúc trong những năm giai đoạn sau 1945, nghệ thuật kiến trúc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của các trào lưu kiến trúc hiện đại thế giới dội vào tuy không mạnh mẽ và quyết định nhưng có thể thấy những ảnh hưởng đó trong số lượng công trình xây dựng ít ỏi trên cả hai miền vì điều kiện chiến tranh. Chủ yếu những công trình kiến trúc lớn nhỏ đều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Công năng châu Âu. Giai đoạn từ năm 1954 đến 1986 nền kinh tế gần như không phát triển, các hoạt động xây dựng được nhà nước kiểm soát chặt chẽ nên thời kỳ này là giai đoạn khá “ổn định” cho khu phố Pháp nói chung và nhà phố Pháp tại Hà Nội nói riêng. Đa số nhà phố Pháp được “bảo tồn” khá tốt do hoàn cảnh thực tế chưa cho phép các hoạt động tự chỉnh trang, cải tạo hoặc xây mới. Một số nhà đã dần xuống cấp trong quá trình sử dụng bởi có quá nhiều hộ gia đình sinh sống trong đó – kết quả của chính sách phân phối nhà ở sau khi chính quyền mới tiếp quản Thủ đô.

Từ năm 1986 kiến trúc Pháp lại suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều công trình đã bị đập bỏ để xây mới. Một số nhà khác được cải tạo song không đúng nguyên bản hoặc bị cơi nới làm giảm đáng kể giá trị. Số còn lại vẫn còn tương đối nguyên vẹn nhưng xuống cấp nhanh chóng vì không được bảo dưỡng hoặc tu sửa theo định kỳ.

Dưới tác động của quá trình đô thị hóa thiếu sự kiểm soát, cảnh quan đô thị của khu phố Pháp đã biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Sau năm 1990, trong nền kinh tế thị trường, khi quá trình đô thị hóa vừa nhanh lại vừa mạnh, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở trong các khu phố Cổ, khu phố Pháp ở Hà Nội không được quản lý tốt. Nhiều nhà phố Pháp đã biến mất, thay vào đó là nhà phố mới có kiến trúc hiện đại, làm cảnh quan đô thị trở nên lộn xộn, mất đi vẻ đẹp tổng thể. Một số nhà phố Pháp khác được cải tạo song không đúng với nguyên bản. Số nhà còn lại, hoặc bị cơi nới do nhu cầu chỗ ở tăng lên, hoặc nếu còn tương đối nguyên vẹn cũng đã xuống cấp do không được bảo dưỡng thường xuyên sau một thời gian dài sử dụng. May mắn là có một số công trình vừa giữ được chức năng sử dụng vừa ở tình trạng tốt nhưng có sự chuyển hóa thích ứng, như công trình trường học Trương Vương (trường nữ sinh Đồng Khánh), vẫn giữ chức năng trường học nhưng được nâng cấp sửa chữa để thêm không gian lưu giữ giá trị lịch sử. Thực tế này đã khiến quỹ di sản kiến trúc Pháp nói chung và nhà phố Pháp tại Hà Nội nói riêng không chỉ giảm sút nhanh về số lượng mà còn cả về giá trị. Trong hơn một thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, từ khi có chủ trương “mở cửa”, nhiều phong cách kiến trúc vào nước ta và xuất hiện “hội chứng kiến trúc Pháp”, “hội chứng nhại cổ” trong trào lưu kiến trúc dân gian xây dựng ở đô thị. Một số công trình nhà nước và khách sạn liên doanh lớn xây dựng theo kiểu cổ điển phương Tây đã đưa kiến trúc của chúng ta đi lệch đường, nó xuyên tạc truyền thống nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Những hiện tượng không lành mạnh đó đã được nhiều người nhận thấy, đã được cảnh báo trên mọi phương tiện truyền thông và căn bệnh đó đã có chiều hướng chững lại.

Như vậy, có thể thấy sự chuyển hóa không gian đô thị và kiến trúc Pháp thuộc tại Hà Nội là quá trình biến đổi không ngừng. Nó phản ánh từng giai đoạn phát triển của đất nước, vừa chịu sự chi phối của các yếu tố chính trị, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và trình độ khoa học, kỹ thuật. Người Pháp tới Việt Nam đem đến sự văn minh hóa đô thị, nhưng nội tại, cái cốt lõi, bản sắc văn hóa của người Việt vẫn được giữ gìn. Cái cốt lõi không mất nhưng hình thức được phát triển, về quy mô đô thị, hình thái cảnh quan, kiến trúc, giao thông vận tải, hạ tầng đô thị, công thương nghiệp… Qua nhiều giai đoạn quy hoạch kiến trúc Pháp thuộc vẫn cho thấy sự phát huy giá trị của nó và tác động tới định hướng quy hoạch phát triển đô thị sau này của chính quyền nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Cần có những tác động vể mặt chủ trương để huy phát giá trị của quỹ di sản kiến trúc, di sản không gian đô thị Pháp thuộc, như là:

  • Đề xuất các nguyên tắc khung cho thiết kế đô thị chi tiết, để kiểm soát sự biến đổi cấu trúc không gian đô thị, phù hợp với định hướng quy hoạch chung, theo hướng vừa thích ứng vừa bảo tồn. Bảo vệ các cấu trúc: tuyến, trục – đường dẫn, cụm tổ hợp đặc biệt của không gian đô thị Pháp thuộc Hà Nội trên cơ sở liên kết hài hòa giữa bảo tồn quỹ di sản kiến trúc, tăng cường chất lượng các không gian mở, không gian hoạt động công cộng trong đô thị với kiểm soát phát triển các công trình mới.
  • Nâng cao hình ảnh và bản sắc của không gian đô thị Hà Nội dựa vào công tác bảo tồn các giá trị cốt lõi của khu phố cổ và khu phố Pháp. Khắc phục các nhược điểm do sự biến đổi không gian đô thị sau năm 1990 gây ra.
  • Quản lý các khu vực cải tạo chỉnh trang, chuyển đổi mục đích phải tuân thủ theo nguyên tắc không tác động đến các cấu trúc không gian gốc, kết nối hài hòa giữa cái cũ và mới. Từ đó, làm căn cứ đưa vào quy chế quản lý khu phố cổ, khu phố cũ và làm kinh nghiệm thiết kế đô thị cho quy hoạch mới.

Mối liên kết giữa các không gian đô thị mới và cũ là vấn đề cốt lõi để tổ chức các hoạt động đô thị, hoạt động cộng đồng… cần được nghiên cứu như phương thức kết nối không gian – thời gian, nhằm phát triển hài hòa các cấu trúc đặc trưng của toàn thành phố Hà Nội. Tạo vùng đệm giữa khu phố Pháp với các khu đô thị mới (áp dụng thủ pháp thiết kế đô thị của người Pháp), khôi phục hình ảnh TP nhiều cây xanh, coi cây xanh như là đối tượng di tích… Đây cũng sẽ là kinh nghiệm tổ chức không gian đô thị trong tương lai.

THS.KTS Nguyễn Kim Anh

Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam

(Bài viết đăng trên tạp chí Quy hoạch Đô thị – Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, số 44/2022)

Tài liệu tham khảo:

  1. Khảo sát quỹ kiến trúc tại Hà Nội giai đoạn 1945 -1986 – PGS.KTS Trần Hùng, KTS Nguyễn Thúc Hoàng, THS.KTS Nguyễn Thị Kim Anh – Đề tài theo đặt hàng của Hội KTS Việt Nam.
  2. Phỏng vấn chuyên gia GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi – trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
  3. Cấu trúc không gian đô thị thích ứng trong quá trình chuyển hóa không gian đô thị Việt Nam. (Lấy Hà Nội làm ví dụ nghiên cứu) – KTS Ngô Trung Hải – LATS Kiến trúc – Viện KT Quốc gia.
  4. Nhận dạng di sản kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội và giải pháp bảo tồn bền vững – Trần Quốc bảo – LATS Kiến trúc – ĐH Xây dựng.
  5. Đặc điểm và sự biến đổi cấu trúc không gian khu phố cũ Hà Nội – Vũ Hoài Đức – LATS Quy hoạch vùng và đô thị – ĐH Kiến trúc Hà Nội.
  6. Một số vấn đề định hướng cải tạo phố cổ Hà Nội – Tô Toàn – LATS Quy hoạch không gian và xây dựng đô thị – ĐH Xây dựng. 1996
  7. Lịch sử Hà Nội – Philippe Papin, xuất bản theo hợp đồng nhượng quyền giữa Librairie Arthème Fayard và Nhã Nam, năm 2009
  8. Thăng Long – Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa, PGS. KTS Trần Hùng- GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, nhà xuất bản Xây dựng, năm 2004
  9. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/bo_mat_ha_noi_quy_hoach_nguoi_phap-0.html
  10. http://www.thanhnamcc.com/tin-tuc-chuyen-nganh/Bai_hoc_ve_quy_hoach_do_thi_cua_nguoi_Phap_176
  11. https://ashui.com/mag/chuyenmuc/quy-hoach-do-thi/6633-qua-trinh-bien-doi-hinh-thai-do-thi-khu-pho-phap-o-ha-noi.html
  12. https://angcovat.vn/tin-tuc/1729-dien-bien-su-anh-huong-cua-kien-truc-phap-den-viet-nam-a-qua-khu-va-hien-tai-tin124088.html
  13. https://casagranda.vn/blogs/tin-tuc/dac-diem-cua-kien-truc-dong-duong
  14. https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/van-hoa-viet-nam-voi-kien-truc-nha-o.html
  15. https://ashui.com/mag/tuongtac/goc-nhin/3193-nhin-lai-quy-hoach-ha-noi-tu-hon-100-nam-truoc.html
  16. https://vnexpress.net/dia-gioi-hanh-chinh-ha-noi-qua-cac-thoi-ky-3990675.html

XEM THÊM:

  • Công cuộc tái thiết các thành phố sau thảm họa: Trường hợp của thành phố Beirut ở Lebanon
  • Bộ công cụ giúp bảo tàng mở cửa trở lại an toàn sau đại dịch
  • Trong tương lai, ngôi nhà có thể được tùy biến theo các cuộc khủng hoảng
Bình luận từ Facebook

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020