Vợ chồng anh Sơn mua căn chung cư hai phòng ngủ, diện tích 74m2 tại dự án mặt đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì giá 2,1 tỷ đồng vào năm 2018. Sau khi lên kế hoạch chuyển nhà về quận Đống Đa để thuận tiện cho công việc, anh Sơn đã gửi môi giới đăng bán căn chung cư cũ của mình ngay sau kỳ nghỉ Tết.
Đưa ra mức giá thu về 3 tỷ đồng với môi giới, anh Sơn cho biết, ngay lập tức ngày nào cũng khách nườm nượp ra vào xem nhà. "Có tối, tôi tiếp đến hơn chục vị khác đến xem nhà. Có khách đồng ý xuống tiền ngay nếu tôi đồng ý bớt 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi không đồng ý và thấy khách có nhu cầu mua nhiều như vậy, tội gì tôi phải giảm", anh Sơn chia sẻ. Sau 5 ngày rao bán, anh Sơn đã chuyển nhượng cho người mua với mức giá như kỳ vọng.
Anh Trung, quận Đống Đa cho hay vừa bán căn chung cư 2 ngủ với diện tích 83m2, giá 3,6 tỷ đồng vào năm 2018. Anh Trung cho biết, vì một số vấn đề bất cập tại tòa nhà nên anh quyết định chuyển nhà sang nơi khác. Cứ nghĩ rằng với những vấn đề của tòa nhà thì sẽ khó tìm khách mua. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 tuần, anh Trung đã sang tay cho khách với giá 4,3 tỷ đồng.
Còn anh Ngô Hồng Phương có nhu cầu tìm mua căn hộ chung cư suốt từ tháng 10 năm ngoái đến nay mà vẫn chưa chốt được căn nào. Anh Phương cho biết, gia đình lên kế hoạch chuyển trường cho con về quận Thanh Xuân nên quyết định tìm những dự án quanh trường học của con. Anh Phương có nhờ môi giới tìm những dự án mà mình đã chỉ định. Thế nhưng, có căn hộ môi giới vừa báo anh đi xem, đến nơi vừa xem xong thì đã có khách chốt.
"Môi giới bảo với tôi, thời điểm này có căn nào bán mà không nhanh xuống tiền là khách khác mua mất ngay", anh Phương cho biết.
Nguồn cung mới hạn chế, số lượng căn hộ bàn giao giảm đã thúc đẩy thị trường chuyển nhượng sôi động. (Ảnh minh họa)
Theo chị Phạm Hà, một môi giới chung cư tại quận Thanh Xuân, nhu cầu mua chung cư đã qua sử dụng tăng mạnh từ cuối năm ngoái, nhất là những dự án gần trường hoặc cơ quan, văn phòng. Cứ có thêm căn nào chuyển nhượng là nườm nượp người đi xem. Có những khách mua báo dự án, tiêu chí mua mà tìm hàng cho khách cả tháng cũng không có. Ở chiều người lại, nhiều người có nhu cầu muốn bán thấy giá chung cư tăng cao lại có tâm lý chờ đợi tăng giá thêm. Điều này khiến cho nguồn hàng càng thêm khan hiếm.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, nguồn cung mới hạn chế, số lượng căn hộ bàn giao giảm đã thúc đẩy thị trường chuyển nhượng sôi động. Từ năm 2020 đến 2024, số lượng căn hộ bàn giao giảm 36% mỗi năm, trong khi giá sơ cấp trung bình cao hơn thứ cấp khoảng 48% khiến lượng lớn nhu cầu dịch chuyển sang các tòa chung cư cũ.
Theo bà Hằng, trong điều kiện hạn chế về nguồn cung và giá sơ cấp ở ngưỡng cao, cơ hội đối với người có nhu cầu mua ở thực có thể nằm ở thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp có ưu điểm về khả năng mua được với nhiều lựa chọn, phù hợp với khả năng chi trả và pháp lý đảm bảo hơn.
Với những tòa chung cư đã bàn giao, người mua có thể đánh giá chất lượng công trình, mức độ hoàn thiện tiện ích, tình hình quản lý, vận hành cũng như giấy chứng nhận quyền sở hữu. Mặc dù giá nhiều tòa thời gian qua có xu hướng tăng, người mua vẫn có cơ hội thương lượng được giá tốt, nhất là trường hợp chủ nhà áp lực tài chính.