Polycarbonate có nhiều lợi ích, là một vật liệu dẻo nhiệt linh hoạt, chống va đập và nhẹ cho nên có thể ứng dụng rất đa dạng. 8 thiết kế được đề cập dưới đây cho thấy việc tận dụng những đặc tính tốt của Polycarbonate có thể mang lại hiệu quả tuyệt vời, không chỉ là tạo ra các vách ngăn mà còn mang lại hiệu ứng ánh sáng độc đáo, đầy thẩm mỹ.
Đa dạng hoá vật liệu trong thiết kế nội thất có thể cải thiện đáng kể chiều sâu cũng như mang đến cho không gian sự mới lạ và thú vị. Cùng với đó, việc lắp đặt các tấm vách ngăn trong không gian lại giúp căn phòng định hướng các chức năng sử dụng một cách gọn gàng, tạo ra bố cục cùng tầm nhìn hợp lý. Đáp ứng được cả 2 yếu tố trên có thể kể đến Polycarbonate – 1 loại nhựa nhiệt có tính chất dẻo nhẹ và bền.
Ở dạng thô, polycarbonate hoàn toàn trong suốt, có thể truyền ánh sáng với hiệu quả gần như thủy tinh. Tuy nhiên, vật liệu này nhẹ và bền hơn thủy tinh, đồng thời còn cứng hơn các loại nhựa tương tự khác như acrylic, polystyrene, ABS hoặc nylon. Chính những điều này đã khiến polycarbonate trở thành sự lựa chọn tốt cho các nhà thiết kế khi tìm kiếm 1 vật liệu bền, chống va đập và chống cháy mà vẫn có thể dẫn truyền ánh sáng.
Giống như thủy tinh, polycarbonate là một bộ lọc tia cực tím tự nhiên và có thể được nhuộm màu và tạo màu trong suốt. Nhưng polycarbonate được đánh giá cao hơn bởi có được tính linh hoạt, dễ dàng tạo hình thành với bất kỳ kích thước hoặc hình dạng nào. Thậm chí, polycarbonate còn có thể dễ dàng tái chế bởi vì vật liệu này hóa lỏng chứ không phải đốt cháy, thân thiện với môi trường hơn các loại nhựa nhiệt rắn khác.
Polycarbonate được tạo ra giống như hầu hết các loại nhựa – với việc chưng cất nhiên liệu hydrocacbon thành các phân đoạn, sau đó kết hợp với các chất xúc tác khác để tạo ra chất dẻo thông qua quá trình trùng hợp hoặc trùng ngưng. Khi nhựa được tạo ra, nó có thể được tạo hình thông qua nhiều quy trình khác nhau, điển hình nhất là ép phun hoặc ép đùn. Trong khuôn ép phun, polycarbonate được nấu chảy ở nhiệt độ từ 280 đến 320 độ C trước khi được đưa vào khuôn; trong quá trình ép đùn, polyme nóng chảy được đưa qua một khoang, nơi nó cứng lại thành hình dạng cuối cùng. Phương pháp thứ hai này được sử dụng để sản xuất các tấm, cấu hình và các đường ống dài hơn.
Bên cạnh các thông số kỹ thuật về màu sắc, hình dạng, độ trong suốt và kết cấu, có một số loại polycarbonate có tính khác biệt về mặt vật chất. Hầu hết những loại này được phân biệt bởi số lượng sợi thủy tinh hàm chứa hoặc bởi phương sai trong dòng chảy. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng có thể tiêm các chất phụ gia thích ứng polycarbonate tiêu chuẩn cho các nhu cầu cụ thể. Ví dụ, chất ổn định benzotriazole giúp bảo vệ polycarbonate khỏi sự suy giảm tia cực tím. Hỗn hợp các loại nhựa khác nhau cũng có thể tạo ra các đặc tính phù hợp hơn: ví dụ như hỗn hợp polycarbonate / ABS, kết hợp khả năng chịu tác động và nhiệt của polycarbonate với độ dẻo của ABS.
Dưới đây là 8 ví dụ tuyệt vời về việc sử dụng polycarbonate trong nội thất, mỗi ví dụ đều tận dụng các đặc tính độc đáo của polycarbonate theo những cách khác nhau:
CWITM Office / MDDM STUDIO (Trung Quốc)
Với bề mặt sơn trắng, giếng trời thông thoáng xen kẽ với các điểm nhấn màu đỏ, văn phòng tại Bắc Kinh được xây dựng năm 2018 này phân phối ánh sáng xuyên suốt, ngay cả trong không gian kín.
Ánh sáng tuyệt vời này có được một phần thông qua việc sử dụng các tấm polycarbonate bán trong suốt, vừa mang lại sự riêng tư cần thiết cho một số không gian nhất định trong khi vẫn đảm bảo được độ sáng thông qua các cửa sổ và tường màu trắng. Việc sử dụng các tấm polycarbonate cũng cung cấp chiều sâu thị giác cho không gian có 2 tông màu đối lập, không chỉ hoạt động như một chất truyền ánh sáng, một vách ngăn mà còn là một thuộc tính thẩm mỹ tích cực.
Bellad & Co. Head Office / SJK Architects (Ấn Độ)
Tương tự CWITM Office, thiết kế của SJK Architects cho Trụ sở chính của Bellad & Co. đã sử dụng giếng trời bằng polycarbonate cong để mang ánh sáng vào văn phòng. Tận dụng tính linh hoạt của nhựa để phù hợp với hình dạng đặc biệt này, các kiến trúc sư cũng đã sử dụng polycarbonate mờ để khuếch tán ánh sáng vào không gian, tối ưu hóa ánh sáng ban ngày và giảm nhu cầu sử dụng ánh sáng nhân tạo. Ngay cả trong những tháng không phải mùa hè, văn phòng cũng hầu như không sử dụng điện suốt cả ngày.
Home of Pets / HDD (Trung Quốc)
Đây là căn hộ tầng hầm của 2 mẹ con sống cùng 40 con mèo và 2 con chó. Để giúp chủ sở hữu tách biệt cuộc sống của họ khỏi vật nuôi trong khi vẫn có sự gắn kết nhất định, kiến trúc sư đã phân chia không gian bằng cách sử dụng vách ngăn polycarbonate, cho phép chủ nhà và vật nuôi có thể nhìn thấy nhau mà vẫn ở trong không gian riêng của mình.
Căn hộ nằm ở tầng hầm nên vật liệu polycarbonate cũng đóng vai trò quan trọng là tối ưu hóa và khuếch tán ánh sáng, đảm bảo căn hộ luôn được chiếu sáng. Tính chất trong suốt cùng độ bền tốt của vật liệu polycarbonate hết sức cần thiết bởi căn hộ này có thiết kế lấy vật nuôi làm trung tâm.
OP9 House / Office 88 (Australia)
Tọa lạc tại Sydney, ngôi nhà dân dụng này sử dụng cột polycarbonate theo một cách cực kỳ sáng tạo. Các kiến trúc sư hy vọng có thể tận dụng ánh sáng mặt trời mạnh mẽ để mang ánh sáng vào nhà nhưng vẫn cần giảm thiểu sức nóng. Cột polycarbonate mờ ở lối vào như một bộ lọc tia cực tím, ngăn nhiệt độ quá mạnh từ mặt trời trong khi vẫn có thể làm cho không gian tràn ngập ánh sáng.
Vào ban đêm, cột polycarbonate cũng có thể được chiếu sáng nhân tạo, đánh dấu lối vào bằng một cột ánh sáng khuếch tán phát sáng.
The Blatz / Johnsen Schmaling Architects (Hoa Kỳ)
Tương tự OP9 House, lối vào sảnh của The Blatz cũng chứa một khối hình chữ nhật hẹp được làm bằng kính polycarbonate phun cát có đèn nền được bọc bằng các thanh gỗ, phát ra ánh sáng mềm mại chào đón những vị khách đến thăm căn hộ. Giống như trong OP9 House, Johnsen Schmaling Architects thử nghiệm với polycarbonate và ánh sáng nhân tạo để tạo ra các lối vào đầy độc đáo.
Modular Box / SPSS Design (Bồ Đào Nha)
Khi thiết kế showroom này, SPSS Design đã chọn sử dụng gỗ và polycarbonate mờ để tạo điều kiện chiếu sáng tự nhiên nhất quán. Sự lựa chọn này đã tách biệt showroom với bên ngoài, đồng thời đảm bảo lượng ánh sáng tự nhiên khuếch tán dồi dào, tạo cho showroom một ánh sáng dịu nhẹ, thuận lợi cho việc bày bán đồ nội thất.
COOOP3 / Domino Architects (Nhật Bản)
Kiến trúc sư đã phân chia không gian thành bốn khu vực phục vụ cho các nhu cầu của văn phòng như thảo luận ngắn, thảo luận chuyên sâu,… bằng cách lắp đặt một đế gỗ đan chéo và chèn thêm các tấm polycarbonate di động. Độ trong suốt của các tấm vách nhựa cho phép mọi người biết được sự hiện diện của nhau trong khi vẫn duy trì được mức độ riêng tư cần thiết để thảo luận về các dự án riêng biệt. Độ nhẹ và độ bền của polycarbonate rất hữu ích đối với công trình này vì có thể được gỡ bỏ và thay thế khi cần thiết.
Deepsea Coffee / Parallect Design (Trung Quốc)
Cuối cùng, một trong một trong những cách sử dụng vật liệu polycarbonate ấn tượng nhất đó chính là quán cafe Deepsea ở Trung Quốc. Parallect Design đã chọn kết hợp các tấm polycarbonate mờ màu, đồ nội thất acrylic trong suốt, sơn latex trắng cho tường và sàn epoxy trắng để mô phỏng một quán cà phê dưới nước. Sử dụng các vật liệu phản chiếu, trong suốt và màu xanh lam mô phỏng màu sắc và ánh sáng của biển sâu nhưng vẫn mang lại cảm giác đô thị và đương đại như một quán cà phê giữa lòng thành phố.
Biên dịch | Hương Vũ
XEM THÊM:
- Gỗ nhựa composite ngoài trời – Vật liệu mới cho các công trình cảnh quan
- Leaflat – giải pháp vật liệu tân tiến cho thiết kế nội thất
- Bê tông từ cây gai dầu: Từ những cây cầu La Mã cho tới vật liệu khả dĩ trong tương lai
- Vật liệu tái chế và những ứng dụng trong kiến trúc